Dự án trên có 2 hợp phần chính, gồm: Cải thiện sinh kế cho cộng đồng nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn để hạn chế rủi ro phá rừng và cải thiện sản xuất mô hình luân canh tôm-lúa; tăng cường quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn, hệ sinh thái nông nghiệp thông qua một loạt hoạt động can thiệp từ khuyến nghị chính sách cho tới hoạt động cụ thể tại địa bàn nhằm nâng cao khả năng chống chịu với khí hậu của rừng ngập mặn, hệ sinh thái nông nghiệp và cộng đồng địa phương ở 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.
Theo đại diện WWF-Việt Nam, dự án được tài trợ bởi Quỹ UBS Optimus Foundation (UBS OF), từ tháng 2/2022 đến tháng 8/2025. Tại Cà Mau, dự án thực hành cải tiến mô hình nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn, hạn chế phá rừng, tăng cường việc quản lý, bảo vệ và trồng mới rừng ngập mặn nhằm tăng khả năng hấp thụ carbon.
Tại Bạc Liêu, dự án tập trung vào mô hình sản xuất luân canh lúa-tôm, hỗ trợ các phương pháp thực hành tốt hơn, bao gồm nuôi tôm sú 2 giai đoạn, điều tiết nước, sử dụng vi sinh để cải thiện chất lượng nước và thức ăn tự nhiên.
Khi triển khai, dự án trên còn phối hợp ngành chức năng các địa phương đưa ra sáng kiến trong công tác bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái nông nghiệp ở các tỉnh mục tiêu.
Cùng với đó, dự án nghiên cứu, đánh giá tính hiệu quả và bền vững của các giải pháp đã được đề xuất cũng như ứng dụng của chúng trong hoạt động tăng cường khả năng bảo vệ vùng ven biển và khả năng phục hồi sinh kế của địa phương.
Kết quả của các nghiên cứu sẽ đóng góp cho hoạt động triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và là “đầu vào” quan trọng cho các kiến nghị về chính sách có liên quan...
Sau khi triển khai dự án được kỳ vọng có thể giúp tăng 120-150% năng suất tôm nuôi và nâng cao giá trị thương mại con tôm thông qua áp dụng các giải pháp thực hành sản xuất tốt hơn (BMP), hướng tới các chứng nhận quốc tế như ASC hoặc hữu cơ; đồng thời trồng mới thêm 60ha rừng phòng hộ cũng như áp dụng quản lý rừng dựa vào cộng đồng bền vững cho gần 3.000ha ở 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long đóng góp lớn cho cả nước về sản lượng gạo và thủy sản xuất khẩu cũng như GDP quốc gia. Tuy vậy, đây là khu vực dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu gây nên các hiện tượng thời tiết cực đoan như xâm nhập mặn, xói lở bờ biển, bờ sông, nước biển dâng, lũ, hạn hán..., ảnh hưởng lớn đến quá trình canh tác của người dân, phương hại đến hệ sinh thái nông nghiệp và hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển…
Để hạn chế các rủi ro, nhiều năm qua, cư dân nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai các biện pháp canh tác dựa vào tự nhiên, phổ biến là mô hình tôm-rừng, tôm-lúa. Đây cũng là mô hình được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá có khả năng mở rộng trong điều kiện biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng.