Tạo hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại đồng bằng sông Cửu Long

Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều start-up trẻ đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới và từng bước được khách hàng đón nhận.
Công ty TNHH Trà Vinh FARM (tỉnh Trà Vinh) sản xuất mật hoa dừa ứng dụng công nghệ cao. (Ảnh LÝ LONG)
Công ty TNHH Trà Vinh FARM (tỉnh Trà Vinh) sản xuất mật hoa dừa ứng dụng công nghệ cao. (Ảnh LÝ LONG)

Thực tế cũng cho thấy, trong quá trình khởi nghiệp, nhiều start-up gặp nhiều khó khăn, lúng túng cần sự hỗ trợ từ nhiều cấp, nhiều ngành. Về lâu dài, vùng đồng bằng sông Cửu Long cần có thêm nhiều giải pháp để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững…

Đương đầu nhiều thử thách

22 tuổi, tốt nghiệp ngành kinh tế tại một trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh, Diệp Kỉnh Tân trở về quê ở xã Ðại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng tìm cách lập nghiệp. Trải qua nhiều mô hình, Tân nhận thấy người chăn nuôi thua lỗ chủ yếu do không kiểm soát được dịch bệnh, tỷ lệ thất thoát thức ăn cao và hạn chế về chuyên môn. Từ đó, anh tìm tòi, học hỏi các kỹ thuật, công nghệ hiện đại để mở trang trại bò sữa.

Trang trại của Tân hiện có nhiều thiết bị tự động như máy vắt sữa và ống truyền sữa trực tiếp vào bình chứa bảo quản lạnh. Bò được đeo vòng cổ công nghệ cao nhằm giám sát sức khỏe thông qua máy tính. Cách làm bài bản, khoa học giúp trang trại bò sữa của anh Tân đạt hiệu quả kinh tế cao và anh trở thành điển hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công không chỉ ở Sóc Trăng, mà còn cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, theo anh Tân, doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn. "Hiện, việc cạnh tranh không lành mạnh trên thương trường diễn ra thường xuyên, khi vướng phải, doanh nghiệp khởi nghiệp gặp khó trong tìm hướng giải quyết vì thiếu cả kinh nghiệm lẫn kiến thức pháp luật. Cùng với đó, đào tạo được nguồn nhân lực để phục vụ sản xuất công nghệ cao cũng không dễ; nhiều người dân muốn đi làm ở các đô thị lớn thay vì làm việc ở quê", anh Tân chia sẻ.

Cách đây vài năm, chị Ðỗ Thị Xuân Diệu ở huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ tìm cách tận dụng nguyên liệu sẵn có ở địa phương để mở hướng kinh doanh. Tháng 5/2021, chị Diệu cùng chồng là thạc sĩ công nghệ thực phẩm lên kế hoạch nghiên cứu chế biến lê-ki-ma sấy dẻo, bột lê-ki-ma. Sau gần một năm mày mò, các sản phẩm đã ra đời. Chị Diệu tìm cách đưa sản phẩm đến với khách hàng qua việc tìm đến rất nhiều phiên chợ nông sản để khách hàng dùng thử. Hiện, các sản phẩm của chị Diệu được không ít người tiêu dùng ưa thích, đặt mua.

Công ty TNHH quốc tế Dika Happy do chị Diệu làm giám đốc, sở hữu nhà xưởng diện tích 130 m2 và đang nghiên cứu chế biến thêm các sản phẩm mới như trà, bánh... từ lê-ki-ma. "Công ty phải đương đầu rất nhiều khó khăn phía trước. Ðể có thể ổn định sản xuất và xa hơn là tìm hướng xuất khẩu, cần quỹ đất và vùng nguyên liệu bảo đảm. Ðến nay chúng tôi vẫn loay hoay với hai bài toán đó. Sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, các nhà khoa học với chúng tôi là rất quan trọng, bởi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không thể chỉ từ đam mê và nhiệt huyết của tuổi trẻ", chị Diệu tâm sự…

Thực tế cũng cho thấy, nhiều start-up tại đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với những khó khăn như nhiều địa phương chưa có chương trình đào tạo riêng về kỹ năng, tri thức liên quan khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nhiều bạn trẻ phải tự mày mò, nghiên cứu các lĩnh vực mà từ trước đến giờ vốn xa lạ như quản lý doanh nghiệp, marketing… Nhiều người có ý tưởng nhưng vẫn loay hoay chưa biết cách tạo ra sản phẩm, tiếp cận thị trường. Không ít start-up trẻ thiếu kiến thức về pháp luật kinh doanh, về cách hoàn thiện các thủ tục hành chính như đăng ký doanh nghiệp, xin cấp giấy chứng nhận, bảo hộ độc quyền.

Khó khăn nhất vẫn là việc hỗ trợ vốn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hiện, không nhiều địa phương có nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp cho các start-up ở giai đoạn "ươm mầm", ý tưởng hoặc giai đoạn đầu của quá trình phát triển sản phẩm. Việc vay vốn tín dụng tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng còn khó khăn…

Xây dựng hệ sinh thái bền vững

Theo nhiều chuyên gia, thời gian qua, tại đồng bằng sông Cửu Long, nhiều start-up với công nghệ mới ra đời, gặt hái được thành công nhất định. Tuy nhiên, kết quả chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh của toàn vùng. Còn ít sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp và thiếu tính bền vững; ứng dụng công nghệ trong ý tưởng, đề án thấp. Các start-up thiếu kinh nghiệm hoặc các phương pháp, quy trình, công cụ quản lý đổi mới phù hợp; thiếu vốn, công nghệ, nguồn nhân lực hoặc ưu đãi để thực hiện đổi mới sáng tạo...

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ Ngô Anh Tín cho biết, thời gian qua, Sở tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, chuyên gia, nhà đầu tư cùng các cơ quan quản lý nhà nước trao đổi, chia sẻ những quan điểm, góc nhìn để đưa ra các kiến nghị, kinh nghiệm từ cách thức vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp của quốc tế. Hiện, đã có 20 start-up được quan tâm cam kết đầu tư với tổng số tiền hơn 1,5 triệu USD, hy vọng sẽ tạo sinh khí mới cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai. Thời gian tới, Sở tập trung phát huy tốt hơn nữa vai trò là tổ chức đầu mối gắn kết các thành phần trong hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thành phố Cần Thơ và vùng đồng bằng sông Cửu Long; thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu hằng năm chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp khoa học và công nghệ từ 0,25%-0,3% tổng chi ngân sách; huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ chiếm từ 46%-50%; nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt từ 9-10 người/vạn dân; duy trì có hiệu quả ba doanh nghiệp khoa học và công nghệ, hình thành mới từ một đến hai doanh nghiệp khoa học và công nghệ,… Tỉnh Sóc Trăng đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ các dự án gắn với các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia như đa dạng hóa sản phẩm chế biến và nâng cao hiệu suất thu hồi sản phẩm xay xát lúa gạo, phát triển các sản phẩm tạo giá trị gia tăng từ lúa gạo ST; mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ chế biến các sản phẩm từ trái cây,…

Tại nhiều địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các chương trình hỗ trợ các start-up đổi mới sáng tạo cũng diễn ra thường xuyên. Tháng 11/2022, Trường đại học Kiên Giang và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh ký kết hợp tác về khoa học, công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để hợp tác khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất khoa học và công nghệ hiện có của hai bên. Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Ðồng Tháp đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng không gian khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tỉnh…Các chương trình đều tìm hướng hỗ trợ start-up trẻ và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững.