Khởi động Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 14

NDO - Năm nay, Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 14 trở lại với khán giả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh qua 22 bộ phim của Việt Nam và các nền điện ảnh châu Âu, cho thấy những góc nhìn phong phú, đa dạng về đời sống xã hội, văn hóa, thể thao của mỗi nước.
0:00 / 0:00
0:00
Khởi động Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 14

Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 14 do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Hiệp hội các Viện Văn hóa và các Đại sứ quán châu Âu (EUNIC) và Israel phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho biết, Liên hoan phim lần này diễn ra trong 9 ngày, giới thiệu đến khán giả 13 tác phẩm phim tài liệu của Việt Nam và 9 phim tài liệu đến từ 9 quốc gia khác, bao gồm Phần Lan, Đức, Thụy Điển, Bỉ, Italy, Tây Ban Nha, Anh, Áo và Israel.

Ngoài ra, Liên hoan phim cũng giới thiệu tới khán giả 4 tác phẩm điện ảnh tài liệu độc lập. Các bộ phim độc lập này được trình chiếu trong riêng 1 ngày, với sự có mặt của các đạo diễn, trong đó có cả đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm.

Đạo diễn Trịnh Quang Tùng cho biết, điểm mới của Liên hoan phim năm nay là mang đến nhiều đề tài mới mẻ, như những vấn đề về trẻ em, về quyền con người, được các nhà làm phim nước ngoài và các đạo diễn trong nước đề cập đến trong câu chuyện của mình.

Phó Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cũng cho biết, Liên hoan phim cũng là dịp để các nhà làm phim, nhà sản xuất phim tài liệu trong nước và nước ngoài có cơ hội để giao lưu, học tập về cách khai thác đề tài, cách thể hiện ngôn ngữ làm phim... Qua đó, mở ra cơ hội hợp tác giữa các nhà làm phim trong nước và quốc tế trong thời gian tới. Đặc biệt, những dịp liên hoan phim như thế này là cơ hội tốt để các đạo diễn, nhà làm phim trẻ của Việt Nam học hỏi, tìm hiểu các phong cách làm phim quốc tế. Ông Trịnh Quang Tùng cũng đề cập đến những khóa học mong muốn để giúp đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm với các nhà làm phim Việt Nam thông qua các kỳ liên hoan phim.

Cũng với mô-típ như những năm trước, năm nay Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam vẫn theo phong cách 1 phim Việt Nam có đề tài tương tự với 1 phim châu Âu trong mỗi buổi chiếu. Các phim năm nay tập trung vào chủ đề trẻ em, âm nhạc, thể thao, xã hội, môi trường, bảo tồn văn hóa…

Ông Oliver Brandt - Chủ tịch EUNIC Việt Nam - Viện trưởng Viện Goethe Hà NộI cho rằng, phim tài liệu mang đến những góc nhìn độc đáo về những chủ đề hiếm gặp trong cuộc sống thường nhật, mời chúng ta nhìn nhận lại thế giới qua những lăng kính mới lạ. Bằng cách thể hiện những chủ đề ấy một cách nghệ thuật, phim tài liệu cung cấp những chiều sâu tư duy và khơi gợi phản ứng cảm xúc. Chúng thách thức khán giả tái đánh giá quan điểm riêng, phơi bày các vấn đề xã hội và khuyến khích sự phát triển cá nhân.

Ông Oliver Brandt cũng khẳng định: “Phim Tài liệu cung cấp cơ hội độc đáo để khám phá các quốc gia khác và hiểu sâu hơn về thế giới đa diện và phức tạp của chúng ta. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đối thoại liên văn hóa giữa Việt Nam và châu Âu. Năm nay, đề tài các phim nhấn mạnh vào văn hóa và tương lai của nhân loại – trẻ em, đặc biệt phù hợp với định dạng phim Tài liệu và trải nghiệm của một Liên hoan phim”.

Liên hoan phim sẽ diễn ra tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (465 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) và DCine Bến Thành (số 6 Mạc Đĩnh Chi, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) từ ngày 6 - 14/9.

Các bộ phim Việt Nam được chiếu tại Liên hoan phim: “Dòng sông ký ức”, “Ngọn lửa Đào Tấn”, “Trên đỉnh Phja Khao”, “Đi về phía mặt trời”, “Đồng vọng bài chòi”, “Nói với con về giới tính”, “Những tù nhân không số”, “Đường tới đích”, “Tìm lại tuổi thơ qua trò chơi dân gian”, “Giữa dòng phù sa”, “Trại ghe của bà Ba Liên”, “Con đường đi học”, “Mẹ yêu con nhất trên đời”.

Các phim quốc tế được chiếu tại Liên hoan phim: “Thiên đường karaoke” (Phần Lan); “Một người giữa triệu người” (Đức); “Historja - Mũi chỉ trên mảnh đất Sápmi” (Thụy Điển); “Tên tôi là Chance” (Bỉ); “Dàn giao hưởng từ rạn vỡ” (Israel); “Vòng tròn” (Italy); “Đừng lo mẹ nhé” (Tây Ban Nha); “Đội cổ vũ xứ Wales” (Anh); “Những học trò cưng” (Áo)…