Năm nay, LHP tiếp tục diễn ra tại hai thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, từ ngày 4 đến 12-6 và từ ngày 21 – 29-6.
Bà Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho biết, năm nay, phim được lựa chọn chiếu trong LHP thuộc nhiều mảng đề tài phong phú, nhiều phim đoạt giải thưởng. Một điều thú vị khác là nhiều đạo diễn thuộc các thế hệ khác nhau cũng được giới thiệu tại LHP năm nay, trong đó có đạo diễn nhiều tuổi nhất là Nguyễn Thước với “Cỏ xanh im lặng” (thuộc thế hệ 5x), còn đạo diễn trẻ nhất là Trịnh Quang Tùng (sinh năm 1975) với “Không thể vượt lên chính mình”.
16 phim của Việt Nam và các nước thành viên châu Âu như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Áo, Thụy Điển, Ba Lan và Đan Mạch, cùng với sáu phim của các đạo diễn trẻ Đông Nam Á trong hai ngày sẽ đem đến cho khán giả những lăng kính cuộc sống muôn màu. Trong số này, có những câu chuyện hứa hẹn rất hấp dẫn, đặc biệt là những bộ phim về đề tài gia đình, với cái nhìn của người trong cuộc. “Ngày mai em đi” của đạo diễn người Áo gốc Việt Martin Nguyễn, kể về câu chuyện của chính cha mình, một cuộc gặp gỡ tình cờ với một người lính Malaysia ở một trại tị nạn đã từng giúp đỡ ông. Giờ đây, cha của đạo diễn cùng gia đình đã sang Malaysia để tìm gặp ân nhân cũ. Một hành trình đầy xúc cảm vào quá khứ để tìm lại những địa điểm và ân nhân cũ.
Phim “Ngày mai em đi”.
Một câu chuyện gia đình khác, “Phía sau màn bạc” của đạo diễn Aung Nwai Htway (Myanmar), cũng kể về chính cha mẹ mình, là hai biểu tượng của điện ảnh Myanmar thập kỷ 60. Những cảnh phim buồn hóa ra lại phản ánh chính hiện trạng cuộc hôn nhân của cha mẹ anh. Chắp ghép lại quá khứ từ những tấm áp phích, poster và những đoạn phim cũ, Aung Nwai Htway lần mò đi tìm cội nguồn của câu chuyện buồn này, và mong tìm được câu trả lời chưa được giải đáp khi anh còn là một đứa trẻ.
Cũng liên quan đến gia đình, đạo diễn David Sieveking (Anh) giới thiệu bộ phim “Xin đừng quên tôi”, về quá trình gia đình anh chăm sóc mẹ đang mắc chứng bệnh mất trí nhớ. Phim được xây dựng một cách giản dị, chân thành và đầy yêu thương, lấy con người là trung tâm câu chuyện chứ không phải căn bệnh.
Đề tài gia đình, nhưng ở tầm vóc xã hội, được chuyển tải thành một câu chuyện đầy chất nhân văn qua bộ phim “Người giữ lửa” của đạo diễn Việt Nam Phan Huyền Thư. Chị sử dụng hình ảnh người giữ lửa để khơi gợi nỗ lực của mỗi thành viên gia đình trong giữ gìn hạnh phúc, đặc biệt là nạn bạo hành gia đình đang trở thành vấn nạn xã hội.
Trong khi đó, “Hai phía cuộc đời” của hai đạo diễn Vương Khánh Luông, Hoàng Hà Lê lại đề cập đến một khía cạnh khác thuộc gia đình nhưng đang trở thành một đề tài nóng hổi được xã hội quan tâm, đó là hai thái cực hiếm muộn và bỏ con.
Chân dung nhân vật cũng là mảng đề tài được giới thiệu nhiều tại LHP tài liệu năm nay. Có chân dung những người nổi tiếng, nhưng cũng có chân dung những người hết sức bình dị, nhưng qua cuộc sống của họ, rất nhiều vấn đề xã hội được phản ánh.
Các nhà làm phim Việt Nam giới thiệu hai nhân vật: Anh hùng lao động Hồ Giáo trong “Cỏ xanh im lặng” của đạo diễn Nguyễn Thước và Triết gia Trần Đức Thảo trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Đào Thanh Tùng.
Các nhà làm phim châu Âu đem đến những cuộc đời khác nhau thông qua cuộc sống của từng con người cụ thể: Boleslaw Matuszewski, nhiếp ảnh gia, nhà quay phim, đồng thời là một trong những nhà làm phim tài liệu đầu tiên áp dụng lý thuyết của nghệ thuật điện ảnh thời kỳ cuối thế kỷ 19 qua bộ phim “Boleslaw Matuszewski, người tiên phong vô danh của ngành điện ảnh” (Ba Lan). Ông ít được biết đến nhưng lại có nhiều đóng góp cho điện ảnh Ba Lan với những ý tưởng mới lạ và độc đáo. Hay “Tzvetanka” (phim Thụy Điển), một phụ nữ có mong ước cháy bỏng trở thành diễn viên nhưng do những biến động của chính trị, xã hội mà cuộc đời bà thay đổi hoàn toàn. Câu chuyện sống động về cuộc đời bà cũng chính là câu chuyện về một đất nước. Điện ảnh Anh giới thiệu cuộc sống thành thị, xã hội đương đại thông qua “Chiếc ti vi vẫn bật”, câu chuyện của Joyce Vincent, một phụ nữ chết đơn độc trong căn hộ của mình và thi thể của cô chỉ được phát hiện sau đó ba năm.
Bà Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho biết, với mục tiêu đưa điện ảnh tài liệu đến gần với người xem hơn, hình thành thói quen xem phim tài liệu ở khán giả Việt, đồng thời nâng cao chất lượng phim tài liệu Việt Nam tiệm cận hơn với điện ảnh tài liệu thế giới, có thể nói LHP sau 5 năm đã gặt hái được những thành công nhất định.
Ban đầu chỉ là Tuần phim với 5 nước tham gia, sau này phát triển thành LHP tài liệu với số thành viên và số lượng phim ngày càng tăng, cùng với nhiều hoạt động phong phú liên quan đến nghề nghiệp, LHP tài liệu châu Âu – Việt Nam đã thu hút hàng vạn lượt khán giả qua mỗi lần tổ chức. Ban đầu chỉ là một phòng chiếu của Hãng với 250 chỗ ngồi, sau tăng dần lên tới hơn 400 chỗ ngồi, chưa kể ghế kê thêm, những năm gần đây số lượng khán giả đến với LHP mỗi đêm ước tính khoảng 400 người là ít nhất, có đêm nhiều lên tới 700. Điện ảnh tài liệu đang dần trở thành một “điểm hẹn” vào tháng 6 hằng năm đối với khán giả Việt, riêng điều đó đã đủ nói lên thành công của sự kiện điện ảnh này.