Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, sự kiện này cũng nhằm tri ân các bà con nông dân, các hợp tác xã đã đóng góp quan trọng cho năm 2024, cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp đạt thành tích ấn tượng, xuất khẩu nông sản đạt mức kỷ lục 62,5 tỷ USD, đóng góp vào thành tích chung của cả nước, khẳng định vai trò, vị thế của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp phát triển đất nước.
Thủ tướng nêu rõ, nhân dịp cuối năm, chuẩn bị đón năm mới, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới vấn đề; đánh giá chủ đề năm nay bám sát tinh thần, khí thế của Hội Nông dân Việt Nam, do đó, Thủ tướng đề nghị đại biểu bám sát chủ đề này để trao đổi, chia sẻ; Chính phủ và các bộ, ngành cùng cầu thị lắng nghe, cùng chung tay, chung sức, đồng lòng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đây cũng là tư tưởng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, Nhà nước từ quản lý sang phục vụ, kiến tạo sự phát triển, trong đó có phục vụ người nông dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Năm nay, chúng ta tổ chức đối thoại có cải tiến, có sự tham dự của các Bộ trưởng các bộ, ngành liên quan lĩnh vực nông nghiệp; tăng cường lắng nghe để hoạch định chính sách; lắng nghe để thấu hiểu, chia sẻ, phát huy truyền thống tích cực, hiệu quả tốt, góp phần thực hiện tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bảo đảm sát thực tế, yêu cầu của nhân dân.
Chúng ta đang rà soát mục tiêu mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra, những mục tiêu nào làm tốt rồi thì làm tốt hơn nữa để nâng cao chất lượng, hiệu quả; những mục tiêu chưa làm tốt, khó hoàn thành thì phải nỗ lực hơn, có giải pháp phù hơn năm 2025; bối cảnh hiện nay, chúng ta đang sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"; chúng ta đang chuẩn bị tổ chức Đại hội lần thứ XIV của Đảng với khí thế mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc giàu mạnh, văn minh, hùng cường, thịnh vượng. Tinh thần Đại hội Đảng các cấp cũng vậy. Phải phát huy các kết quả đạt được trong năm 2024 để mạnh mẽ, tự tin bước vào kỷ nguyên mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, các đồng chí lãnh đạo và đại biểu tham dự Hội nghị đối thoại. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Thủ tướng nêu rõ, năm 2025 tới, tình hình thế giới và khu vực biến động phức tạp, do đó phải bám sát tình hình, không để bị động chiến lược liên quan an ninh lương thực, thực phẩm; chúng ta không quá lạc quan quá khi tình hình thuận lợi; nhưng không bi quan, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi tình hình xấu đi. Năm nay cũng phải tăng tốc, bứt phá để về đích, kết thúc nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng thắng lợi, do đó ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người nông dân cũng phải tăng tốc, bứt phá, nhất là chúng ta đang đặt mục tiêu cao hơn Trung ương, Quốc hội đã giao vì chỉ tiêu tăng trưởng quan trọng, tác động nhiều chỉ tiêu khác như xếp hạng quốc gia, nhập bình quân đầu người, tăng năng suất lao động... Do đó, phải ưu tiên cho tăng trưởng, phải phấn đấu đạt ít nhất 8% năm 2025 để tạo đà, tạo lực, khí thế cho nhiệm kỳ tới tăng trưởng 2 con số.
Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn phát biểu ý kiến tại Hội nghị đối thoại. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Thủ tướng nêu rõ, hội nghị này cần tìm ra giải pháp để tăng tốc, bứt phá trong năm 2025; do đó, đề nghị 4.500 đại biểu tham dự Hội nghị, trong đó có gần 2.000 vấn đề, hợp tác xã cần bày tỏ ấn tượng, cảm xúc về thành quả phát triển đất nước; có băn khoăn, trăn trở gì trong quá trình phát triển ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nâng cao đời sống của người nông dân; góp ý gì cho Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp làm tốt hơn phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, bảo đảm đời sống người nông dân ngày càng ấm no, hạnh phúc theo hướng xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; chia sẻ kinh nghiệm hay, bài học quý với tình cảm hết sức ấm áp, chân thành, tin cậy. Vấn đề hiện nay là chúng ta cần thực hiện tốt, tiếp đó là tổng kết, đúc rút kinh nghiệm để phát triển lý luận để đạt mục tiêu nêu trên, những gì đã làm tốt rồi thì tiếp tục làm tốt hơn.
Các đại biểu nông dân, hợp tác xã tiêu biểu tham dự Hội nghị đối thoại. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
* Trước khi diễn ra Hội nghị, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức nhiều kênh tiếp nhận câu hỏi, ý kiến, đề xuất của bà con nông dân, các hợp tác xã, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, có kênh từ Hội Nông dân 63 tỉnh, thành phố, từ hai Diễn đàn "Lắng nghe nông dân nói", từ các chuyên mục "Lắng nghe nông dân”, “Nông dân gửi tâm tư tới Thủ tướng" trên Báo điện tử Dân Việt và qua các kênh tiếp nhận khác.
Kết quả, đã có khoảng 2.000 câu hỏi, ý kiến, đề xuất được gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Theo Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024 diễn ra vào thời điểm nhiều ý nghĩa và rất quan trọng, khi nước ta đang chuẩn bị đầy đủ thời cơ, điều kiện thuận lợi để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đồng thời, tạo cơ sở để có kết quả tổng kết, từ đó đưa ra những dự báo, nhận định, xây dựng chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn tới, nhất là trong bối cảnh các địa phương đang chuẩn bị công tác Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Quang cảnh Hội nghị đối thoại. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Do đó, việc tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân Việt Nam năm 2024 có ý nghĩa rất lớn và rất cần thiết để Thủ tướng Chính phủ trực tiếp lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của các nông dân, hợp tác xã, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp nhằm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Hội nghị cũng là cơ sở thực tiễn để góp phần xây dựng nội dung Dự thảo Văn kiện Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV của Đảng về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Hội nghị năm nay diễn ra với nhiều nét mới. Trước đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức 2 diễn đàn "Lắng nghe nông dân nói" vào tháng 10 và tháng 11/2024.
Tại các địa phương, đã diễn ra 63 hội nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố đối thoại với nông dân. Tại các diễn đàn, hội nghị, nhiều vấn đề cụ thể về từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương đã cơ bản được thảo luận, thống nhất và giải quyết trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn.
Lãnh đạo Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tham dự Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Tuy nhiên, có nhiều vấn đề lớn, cần có quyết sách, chính sách thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đó là:
Thứ nhất, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, nguồn lực hỗ trợ nông dân phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ hai, xây dựng quy hoạch các vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường đối với nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia. Cơ chế, chính sách để hướng tới mục tiêu Net Zero, triển khai Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải; phát triển tín chỉ carbon.
Thứ ba, cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, các hợp tác xã tại các vùng chuyên canh, nhất là đối với người trồng lúa; hỗ trợ thúc đẩy tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất quy mô lớn; chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; mở rộng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp.
Thứ tư, giải quyết và tháo gỡ những hàng rào kỹ thuật, các tranh chấp pháp lý quốc tế, bảo đảm hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, ổn định thị trường xuất khẩu hàng hóa nông sản. Chính sách về tiếp tục khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt đối với các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa chịu ảnh hưởng do thiên tai và cơn bão Yagi.
Thứ năm, đổi mới hình thức tổ chức và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển bao trùm, bảo đảm công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn (tiếp cận bình đẳng các nguồn lực, dịch vụ cơ bản, phúc lợi xã hội).
Hội nghị đối thoại được truyền trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Thứ sáu, cơ chế, chính sách để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, đề án, kế hoạch được nêu tại Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 11/5/2024 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân là một hoạt động thường niên do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam. Đó là: Lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền định kỳ làm việc với hội nông dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động hội; hằng năm tổ chức hoạt động đối thoại với nông dân và hội nông dân.
Phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong thành tựu chung của đất nước, ngành nông nghiệp đã đóng góp rất quan trọng, thể hiện vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế. Điều này ngày càng khẳng định chúng ta xác định xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh là sự phát triển về lý luận rất cao, chủ trương đúng đắn, cũng là khát vọng rất lớn của dân tộc phải thực hiện.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cảm ơn sự đóng góp của ngành nông nghiệp, của nông dân trong khát vọng của kỷ nguyên mới của đất nước.
Thủ tướng nêu rõ, hiện nay, thể chế, chính sách vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" cần phải đột phá, tháo gỡ. Do đó, Thủ tướng mong các cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con nông dân tiếp tục đóng góp về tháo gỡ thể chế để đạt được mục tiêu nêu trên đạt được sớm hơn, tăng tốc, bứt phá hơn.
Theo Thủ tướng, phải có cơ chế, chính sách là để huy động sức mạnh của toàn dân, để mọi người dân có thể đóng góp sức lực, nguồn lực cho sự phát triển; cơ chế, chính sách về thuế, phí, lệ phí; cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn tín dụng…; lưu ý cơ chế, chính sách phải tháo gỡ những nút thắt từ thực tiễn, phải cùng nhau đề xuất các cơ chế, chính sách để mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Thủ tướng nêu rõ, cần phải quy hoạch để tạo ra đất đai cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cụm, khu công nghiệp; các cấp chính quyền phải quan tâm công tác quy hoạch, bảo đảm quy hoạch ngành bài bản; quy hoạch đất đai cho phục vụ sản xuất kinh doanh, sản phẩm nông nghiệp. Tiếp tục rà soát Luật Đất đai để tháo gỡ vướng mắc, cởi trói mọi nguồn lực từ đất đai, sử dụng hiệu quả đất đai; bảo đảm tính liên kết chuỗi giá trị, liên kết vùng, đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, thị trường. Khai thác không gian vũ trụ cho ngành nông nghiệp, cho cuộc sống của người nông dân, phát huy sức mạnh của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Khai thác hiệu quả không gian biển, không gian ngầm.
Thủ tướng khẳng định muốn làm giàu phải có vốn, do đó nếu phát triển nông nghiệp xanh, phát triển các sản phẩm chủ lực theo quy hoạch, các sản phẩm xuất khẩu thì phải có gói tín dụng ưu đãi để khuyến khích nông dân sản xuất, kinh doanh; đi đôi với đó phải có bảo hiểm, khuyến khích người dân đóng bảo hiểm nông nghiệp; hỗ trợ theo nguyên tắc đóng-hưởng. Tích cực phát triển doanh nghiệp, có các doanh nghiệp cung cấp đầu vào về nguyên liệu, phân bón, thuốc trừ sâu… cho sản xuất, tiêu thụ đầu ra để người nông dân tập trung vào sản xuất; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân.
Về thị trường, Thủ tướng nêu rõ, hiện nay, chúng ta thực hiện phát triển kinh tế nông nghiệp, đòi hỏi phải có thị trường. Nhà nước sẽ ký các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), mở rộng các thị trường, kể cả các thị trường đặc thù như Halal; Nhà nước phải tìm thị trường cho nông dân; nông dân phải góp phần tích cực xây dựng chất lượng, thương hiệu cho sản phẩm; phải đầu tư làm mẫu mã, bao bì, nâng cao giá trị thương hiệu, sản phẩm; các cơ quan liên quan, các nhà khoa học, thiết kế phải chung tay với người nông dân.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là những động lực tăng trưởng mới, là xu thế, do đó xác định phương hướng sản xuất, kinh doanh phải dựa trên cơ sở khoa học, có đầu tư nghiên cứu; phải tích cực chuyển giao công nghệ tiên tiến về sản xuất, chế biến, chăn nuôi, tiếp cận công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh, chế biến sâu, luôn luôn đổi mới sáng tạo vì nguồn lực bắt nguồn tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Do đó, phải số hóa hoạt động nông nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu của nông nghiệp, để có trí tuệ nhân tạo (AI) cho ngành nông nghiệp. Phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi nguồn nhân lực từ nông thôn sang thành thị, chú trọng chuyển đổi ngay trong lòng địa phương, ngay trong lòng nhân dân; phải công nghiệp hoá nông thôn, “ly nông không ly hương”; bằng cách đưa khoa học công nghệ vào.
Thủ tướng nêu rõ, văn hóa là sức mạnh nội sinh; quốc tế hóa bản sắc Việt Nam ra thế giới để thương mại hóa, tạo nguồn lực; dân tộc hóa văn minh nhân loại để khai thác hiệu quả mọi tiềm lực. Khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh tại quê hương, bản quán để thu hút nguồn lực, tự lực, tự cường đi lên, bằng bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển. Hệ thống chính trị ở cơ sở, phải luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân, nắm bắt xu thế để truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nông dân; đề xuất các cơ chế, chính sách; các cơ quan quản lý nhà nước phải làm và dựa trên cơ sở thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn. Huy động sức mạnh tổng lực của người dân, doanh nghiệp để phục vụ sự phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh về 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về thể chế, theo đó, thể chế phải thông thoáng để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn; điều chỉnh lại các luật, thể chế là "đột phá của đột phá". Tích cực phát triển hạ tầng chiến lược về hạ tầng số, giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao. Phải tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, chuyển dịch lao động; nâng cao tay nghề, tri thức, kỹ năng của người nông dân phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tham gia chuỗi cung ứng lao động của toàn quốc với chất lượng cao. Thủ tướng cũng kêu gọi tính tự lực, tự cường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đoàn kết thống nhất trong toàn bộ giai cấp nông dân vì đây là điểm tựa tinh thần của dân tộc ta, đoàn kết công nông, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại dưới sự lãnh đạo của Đảng.