Công điện yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ và thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động chính sách, thủ tục hành chính tại các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả việc tham vấn đối tượng chịu tác động theo đúng quy định pháp luật; rà soát, loại bỏ ngay theo thẩm quyền những thủ tục hành chính đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân…
Với chỉ đạo nêu trên, khối lượng công việc giao cho các bộ, ngành, địa phương xem xét, xử lý thời gian tới là rất lớn. Để làm tốt nhiệm vụ này, ngoài quyết tâm cao, nỗ lực lớn còn đòi hỏi có cách làm mang tính khoa học, coi công tác xây dựng chính sách, pháp luật hiệu quả là tiền đề, là yếu tố quan trọng để tổ chức tốt khâu thi hành pháp luật; các văn bản chính sách sau khi ban hành không chỉ đơn thuần giảm thủ tục hành chính mà còn nhằm tạo dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới, góp phần tạo đột phá phát triển đất nước.
Tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp theo hướng “sửa một luật, điều chỉnh nhiều luật”, trong đó có một luật sửa 4 luật trong lĩnh vực đầu tư, một luật sửa 9 luật trong trong lĩnh vực tài chính, ngân sách. Quốc hội đã biểu quyết thông qua các luật với tỷ lệ tán thành cao, được doanh nghiệp và cử tri, nhân dân rất quan tâm.
Lan tỏa mạnh mẽ tinh thần đổi mới đáp ứng yêu cầu tại công điện, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương nghiên cứu xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền sửa đổi các văn bản theo hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản, điều này nhằm cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển hóa nhanh chóng chính sách vào thực tiễn, tăng cường hiệu quả thực thi công vụ. Các thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ cần công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính để đội ngũ cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện; 100% hồ sơ thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh và phải liên thông, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện.
Mặc dù Công điện không giao nhiệm vụ riêng cho Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ, nhưng với thẩm quyền chức năng, nhiệm vụ rất quan trọng, các đơn vị cần thường xuyên giám sát, theo dõi việc lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, việc thực hiện các quy định, thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức sau khi văn bản được ban hành. Nội dung quan trọng khác là thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp định kỳ hằng tháng trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công, cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương; qua đó, kịp thời lắng nghe, phát hiện để sửa đổi, bổ sung những quy định, thủ tục hành chính không còn phù hợp, làm cản trở phát triển kinh tế-xã hội.