Khối đầu tư dân doanh đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức

NDO - Lấy dẫn chứng số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường năm 2023 tăng ở mức cao, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, Khối đầu tư dân doanh đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức và chịu áp lực từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, ban hành các chính sách hỗ trợ nhằm tiếp sức cho khu vực này.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Đầu tư)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Đại biểu Quốc hội lo lắng vì số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường

Tại phiên thảo luận tại Tổ, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) bày tỏ lo ngại trước tình trạng nhiều doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Theo đại biểu, báo cáo của Chính Phủ nêu rõ, trong năm 2023, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 217,7 nghìn doanh nghiệp, 159,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 7,2% so với năm 2022) và 58,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Số doanh gia nhập thị trường cao hơn số rút lui khỏi thị trường (172,6 nghìn doanh nghiệp), cho thấy nền kinh tế từng bước được cải thiện.

Mặc dù vậy, đại biểu cũng dẫn báo cáo của Tổng cục thống kê về tình hình kinh tế-xã hội năm 2023. Báo cáo cho thấy, trong năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 89,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 20,7% so với năm 2022; 65,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 18 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,1%. Bình quân một tháng có 14,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Khối đầu tư dân doanh đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Duy Minh. (Ảnh: Quốc hội)

Căn cứ vào số liệu trên, đại biểu cho rằng nhận định trên chưa đầy đủ, chưa nói hết được những khó khăn của doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn hàng, thị trường, tuyển dụng lao động, đặc biệt là khó khăn trong việc tiếp cận vốn...

Cùng băn khoăn về tỷ lệ doanh nghiệp dừng hoạt động, đại biểu Phạm Hùng Thái (Đoàn tỉnh Tây Ninh) nhắc lại thông tin về việc trong 4 tháng đầu năm 2024, có 81.000 doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại nhưng có đến 86.400 doanh nghiệp dừng hoạt động và giải thể, cho thấy số doanh nghiệp giải thể và dừng hoạt động lại cao hơn số doanh nghiệp khôi phục và đăng ký mới.

Khối đầu tư dân doanh đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức ảnh 2

Đại biểu Phạm Hùng Thái phát biểu.

Bình quân trong 4 tháng đầu năm 2024, mỗi tháng có đến 21.600 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Ông Hùng cho rằng, đây là tín hiệu rất đáng quan tâm, do đó đề nghị Chính phủ chú trọng, đưa ra những giải pháp cụ thể để giải quyết.

Trong khi đó, đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn TP Đà Nẵng) đề nghị cần phân tích nhóm doanh nghiệp rút khỏi thị trường tập trung ở lĩnh vực nào, ngành nghề nào? Nguyên nhân vì sao việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp không đạt được như kỳ vọng?

Cần có chính sách cho khối dân doanh và kích cầu thị trường nội địa

Cũng quan tâm tới “sức khỏe” của các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp thuộc khối đầu tư dân doanh, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định: Đây là khối có vai trò rất quan trọng khi chiếm tỷ trọng cao trong đầu tư phát triển.

“Tại Thành phố Hồ Chí Minh, khối đầu tư dân doanh chiếm tới 68-70% tổng vốn đầu tư xã hội”, ông Ngân dẫn chứng, đồng thời đưa ra thực tế, thời gian qua, các doanh nghiệp tại khu vực này đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, áp lực “cả bên trong và bên ngoài”.

Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội cần ban hành các chính sách miễn giảm, gia hạn thuế phí, tiền thuê đất; xem xét cơ cấu nợ, gia hạn nợ để “tiếp sức” cho khu vực dân doanh này.

Khối đầu tư dân doanh đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức ảnh 3

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, khối đầu tư dân doanh đang chịu nhiều thách thức lớn.

Ở góc độ vĩ mô, đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ cần có chính sách, giải pháp hỗ trợ để nền kinh tế vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng để đạt được mục tiêu cả năm đề ra; trong đó nhấn mạnh đến 3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế bao gồm xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng.

Khẳng định, đầu tư tư nhân có vai trò rất quan trọng, đóng góp lớn vào tổng cầu, kích thích nền kinh tế phát triển, đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ ý kiến: Cần phải mạnh mẽ kích cầu sản xuất trong nước, trước hết là thông qua chính sách tài khóa để kích thích, mở rộng sản xuất; đồng thời dành nguồn lực chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả từ các chính sách khác để khơi thông nguồn lực đầu tư.

Đồng quan điểm với đại biểu Trần Anh Tuấn, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, cầu trong nước suy giảm rất rõ, thể hiện ở chỉ tiêu số doanh nghiệp tham gia vào thị trường thấp hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, báo hiệu cầu tăng trưởng sản xuất sẽ gặp khó khăn. Theo báo cáo về năng lực cạnh tranh do VCCI công bố mới đây, số doanh nghiệp kỳ vọng sẽ mở rộng quy mô sản xuất chỉ đạt 27%, thấp nhất trong nhiều năm nay.

Khối đầu tư dân doanh đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức ảnh 4

Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến tại cuộc họp Tổ sáng 23/5.

Một điểm khác cần chú ý là cầu tiêu dùng, tăng trưởng hàng hóa tiêu dùng trong nước chỉ có 5,3%; suy giảm rất mạnh trong khi thị trường trong nước rất quan trọng. Đại biểu đề nghị cần có giải pháp để kích cầu trong nước, các chính sách tài khóa như giảm thuế VAT, giãn hoãn các khoản đóng tiền quỹ đất... để khơi thông các hoạt động của doanh nghiệp, tạo ra tin tưởng nhiều hơn vào việc mở rộng quy mô sản xuất.