Kích cầu tiêu dùng thúc đẩy tăng trưởng

Theo Tổng cục Thống kê, bình quân 5 năm trước dịch, giai đoạn (2015 - 2019), tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,5%/năm. Vì vậy, mức tăng 8,2% trong quý I/2024 là mức tăng trưởng thấp, cho thấy nhu cầu trong nước đang ở mức thấp do nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn thách thức.
0:00 / 0:00
0:00
Các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước. Ảnh: NGUYỆT ANH
Các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước. Ảnh: NGUYỆT ANH

Người dân thắt chặt chi tiêu

Thường xuyên đi siêu thị mua sắm đồ dùng cần thiết cho gia đình, chị Hải sống tại Hà Nội cho biết: “Trước đây, với thu nhập của hai vợ chồng hơn 30 triệu đồng/tháng, gia đình tôi có thể chi tiêu thoải mái. Nay trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung thì tôi phải tính toán, chỉ mua những gì thật sự cần thiết và có khuyến mãi”.

Còn theo chị Trâm Anh, chủ một chuỗi quần áo thời trang tại Hà Nội với 5 cửa hàng ở các khu đông dân cư, từ sau dịch Covid-19, do doanh số bán hàng giảm sút, ngoài thu hẹp lại quy mô cửa hàng, chị đã đưa ra nhiều chương trình giảm giá sâu để chia sẻ những khó khăn khi khách hàng đang có tâm lý thắt chặt chi tiêu. “Sau gần một tháng thực hiện các chương trình khuyến mãi, sức mua của khách đã nhích lên dù chưa như kỳ vọng. Sản lượng tiêu thụ các mặt hàng giảm giá sâu tăng hơn 10% nhưng doanh số cũng chỉ tăng hơn 5%”, chị Trâm Anh cho biết.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023. Dù so với thời kỳ trước dịch Covid-19, mức độ tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2024 tăng 8,2% nhưng vẫn chưa đạt được mức tăng thời điểm trước dịch. Theo đó, mức độ tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2024 giảm 3,3 điểm phần trăm so mức tăng bình quân giai đoạn (2015-2019), đây mức tăng trưởng rất thấp so với thời điểm trước dịch. “Điều này cho thấy nhu cầu trong nước đang ở mức thấp do nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn thách thức”, đại diện Tổng cục Thống kê nhận định.

Yếu tố để thúc đẩy tiêu dùng

Ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế T.Ư nhận định, từ nay đến cuối năm có nhiều yếu tố để thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Thứ nhất là kỳ vọng do trong quý I, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và đầu tư công có xu hướng tăng. Đặc biệt, dù Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI (đo lường hoạt động sản xuất và dịch vụ) của Việt Nam có giảm nhẹ 49,9 điểm vào tháng 3 sau khi vượt ngưỡng 50 trong tháng 1 và tháng 2, song số lượng đơn đặt hàng giảm, mức giảm của sản lượng là nhỏ, và chỉ giới hạn trong các công ty sản xuất hàng hóa trung gian, trong khi các công ty sản xuất hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa đầu tư cơ bản vẫn ghi nhận tăng trưởng. Với nhiều yếu tố thuận lợi, dự báo kinh tế Việt Nam 2024 sẽ đạt được mục tiêu đề ra 6,5%, làm cho kỳ vọng của người dân đối với nền kinh tế tăng lên, từ đó tiêu dùng tăng lên.

Thứ hai, ngoài việc tiếp tục duy trì các chính sách tài khóa như hoãn, giãn, giảm nhiều loại thuế, kể từ tháng 7/2024, Nhà nước thực hiện chính sách tiền lương mới và tăng trưởng trong khu vực công chức, viên chức. “Đây là một cú huých cho tiêu dùng trong hai quý cuối năm”.

Nhìn nhận xu hướng này, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam cho rằng, trước mắt, ít nhất là 6 tháng đầu năm 2024 vẫn là chặng đường khó khăn đối với doanh nghiệp trong việc thâm nhập, chinh phục người tiêu dùng, mở rộng thị trường, do sau đại dịch người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu, sức mua của thị trường giảm mạnh.

Vì vậy, bên cạnh việc phải luôn duy trì sản phẩm chất lượng tốt, tính toán lại về chiến lược và mô hình kinh doanh, bà Vũ Kim Hạnh cho rằng, doanh nghiệp cần quan tâm hơn việc tiếp thị và bán hàng. Đồng thời, thay đổi cách tiếp cận trong việc bán hàng, đem đến những sản phẩm mang “bản sắc” riêng của doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để hàng Việt có thể xuất khẩu sang những thị trường lớn tỷ dân. “Thời gian gần đây, các kênh bán hàng trực tuyến đã thích ứng và khai thác tốt nhu cầu mua sắm kết hợp giải trí của người tiêu dùng, với các hình thức livestream bán hàng. Tiêu biểu như TikTok shop, được xem là hình thức buy-entertainment trên nền tảng kỹ thuật số. Xu hướng này sẽ tiếp tục “nở rộ” trong thời gian tới...”.

Giải pháp tổng thể

Tổng cục Thống kê cho rằng, cần triển khai tích cực, đồng bộ nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2024.

Thứ nhất, tăng cường tiêu dùng sản phẩm trong nước, thúc đẩy tiêu dùng nội địa và sản xuất trong nước, tiếp tục tuyên truyền và tổ chức vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

Thứ hai, phát triển và đa dạng hóa các kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt tuyên truyền và thúc đẩy doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh cá thể tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân, tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và phát triển thị trường trong và ngoài nước. Hỗ trợ hiệp hội trong việc tổ chức đào tạo các nhà phân phối nội địa, tăng cường liên kết hợp tác giữa các nhà phân phối trong nước.

Thứ tư, tiếp tục tăng cường, thúc đẩy hoạt động du lịch thông qua việc đẩy mạnh hoạt động ngoại giao du lịch. Đồng thời triển khai thêm các hoạt động kích cầu du lịch nội địa tại các địa phương có lợi thế.

Trong lĩnh vực thương mại nội địa, Bộ Công thương cho biết, sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại tại các vùng khó khăn; phát triển thương mại điện tử để khai thác hiệu quả xu hướng số hóa nền kinh tế. Đặc biệt, Bộ sẽ đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng... Tại địa phương, các cơ quan có liên quan cũng cho biết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại trong nước, tìm kiếm hệ thống phân phối, mở rộng thị phần thông qua các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, hội chợ triển lãm trong cả nước; thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, đẩy mạnh các loại hình phân phối hiện đại trên hạ tầng thương mại điện tử.