Khoanh vùng điểm nóng và đề cao vai trò của nhân dân

Hà Nội thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị" trong bối cảnh hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa hoàn thiện, tốc độ đô thị hóa nhanh, công tác quản lý trật tự đô thị chủ yếu là những giải pháp tình thế. Đặt ra "đầu bài khó" như vậy cho thấy quyết tâm của thành phố trong việc đột phá vào lĩnh vực luôn tồn tại những bức xúc, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng sống của người dân cũng như sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Công an phường Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm) phối hợp lực lượng bảo vệ dân phố, tự quản chuyên trách thường xuyên tuần tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Ảnh: NGÂN HẠ
Công an phường Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm) phối hợp lực lượng bảo vệ dân phố, tự quản chuyên trách thường xuyên tuần tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Ảnh: NGÂN HẠ

Ưu tiên địa bàn trọng điểm

Tại cuộc họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo "Năm trật tự - văn minh đô thị 2014", đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các đơn vị, địa phương không triển khai lan man, dàn trải mà phải tập trung theo tuyến, khu vực chính. Cụ thể, ở các đơn vị của thành phố tập trung công tác quản lý đô thị, bảo đảm an toàn giao thông các tuyến đường xuyên tâm và đường vành đai, bởi đây đều là những khu vực "nóng" về trật tự, an toàn giao thông. Đối với các quận, mỗi quận làm điểm từ sáu đến tám tuyến đường trên địa bàn, mỗi huyện triển khai hai đến ba tuyến ở khu vực thị trấn... Chỉ đạo nói trên nhằm khắc phục tình trạng nhiều năm qua, các địa phương thường triển khai theo hướng "thấy làm được gì là làm", không có chương trình và mục tiêu cụ thể, nhất là tiến độ giải quyết đối với những "điểm nóng". Vì vậy mà không đề ra được các danh mục công việc cụ thể để triển khai làm và giám sát kết quả...

Mới đây, trong chuyến kiểm tra tại quận Đống Đa, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khi trực tiếp thị sát một số khu vực cũng khẳng định, cần phải tập trung làm điểm, nhằm đề cao sự quyết tâm và trách nhiệm thực thi công việc. Tuyến đường Ô Chợ Dừa -Hoàng Cầu được thi công khá nhanh, song khi hoàn thành có diện mạo đô thị nhếch nhác với hàng chục ngôi nhà siêu mỏng, cũ nát. Đồng chí nhấn mạnh, đây là biểu hiện cụ thể của việc làm quy hoạch "trên giấy", thiếu kiểm tra thực tế. Nếu các đơn vị chức năng và địa phương có sự phối hợp chặt chẽ, tập trung nghiên cứu từ đầu sẽ không có tình trạng này. Phải chăng nếu thực hiện giải phóng mặt bằng gọn một phía, thu hồi đất tới sát chân đê, dành một phần diện tích làm không gian xanh thì ít nhất đã loại bỏ được một mặt phố xấu xí và giảm bớt khó khăn trong việc sắp xếp, thỏa thuận thực hiện quy hoạch mặt phố. Nút Phạm Ngọc Thạch - Xã Đàn cũng là bức xúc không đáng có, nếu kiên quyết tập trung giải phóng mặt bằng dứt điểm. Không có lý gì mà một tuyến đường mới, rộng, đẹp như vậy lại để xảy ra điểm nghẽn về giao thông do còn 22 hộ dân chưa di dời.

Đề cao vai trò của người dân

Bên cạnh việc khẳng định trách nhiệm của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng, thành phố Hà Nội đề cao vai trò của người dân trong việc thực hiện. Bởi chính quyền không thể làm và giám sát hết được mọi việc, nếu không có sự ủng hộ, vào cuộc mạnh mẽ của nhân dân.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoa cho biết: Việc xử lý tình trạng để xe bừa bãi, hàng ăn, uống lấn chiếm vỉa hè ở quận Hoàn Kiếm nói riêng, ở Thủ đô nói chung... như "ném đá ao bèo" bởi đặc điểm địa bàn đất chật, người đông. Kiên quyết cấm, không để xảy ra vi phạm là việc không đơn giản, vì có không ít hộ gia đình sinh nhai bằng những hoạt động buôn bán nhỏ lẻ đó. Để giải quyết tận gốc vấn đề, quận tổ chức sắp xếp cho các hộ vào buôn bán trong các ngõ. Tại đây, họ phải có trách nhiệm giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường, bảo đảm giao thông, bởi nếu không sẽ gặp sự phản đối của chính người dân trong ngõ... Đó cũng là một giải pháp nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân. Quận Đống Đa giao cho công an khu vực thực hiện khoán quản đoạn phố, số nhà. Người dân ở những nơi này phải có trách nhiệm cùng nhau giữ gìn trật tự, vệ sinh chung, dưới sự giám sát của công an khu vực.

Quan tâm tới vai trò tham gia quản lý trật tự đô thị của người dân, đồng chí Phạm Quang Nghị mới đây cũng đã có cuộc kiểm tra công tác quản lý trật tự đô thị tại một số khu đô thị mới, trong đó có Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Tại đây, mô hình Ban quản trị khu dân cư ở các khu nhà được đồng chí đánh giá cao, bởi sự phối hợp khá hiệu quả giữa Ban quản trị với chi bộ, tổ dân phố trong việc quản lý, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường ở khu vực. Ở đây không có tình trạng hàng quán lấn chiếm vỉa hè và các khu vực công cộng. Đáng chú ý là trong mười năm qua, khu nhà này không xảy ra tình trạng cơi nới, xây sửa trái phép, giữ gìn được cảnh quan kiến trúc tòa nhà. Trên cơ sở nhu cầu của người dân, Ban quản trị cùng chi bộ, tổ dân phố đã "thúc" chủ đầu tư bố trí địa điểm sinh hoạt cộng đồng trong tòa nhà; đồng thời huy động được các hộ dân tham gia đóng góp cơ sở vật chất cho điểm sinh hoạt văn hóa này. Dưới sự quản lý của Ban quản trị, điểm sinh hoạt văn hóa luôn luôn được sử dụng với nhiều hoạt động sôi nổi của các câu lạc bộ do các hộ dân tự thành lập phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau (đánh cờ, khiêu vũ, sinh hoạt thiếu nhi, chăm sóc sức khỏe, tư vấn tiêu dùng...) góp phần gắn kết tình cảm của cộng đồng dân cư... Có thể nói, người dân đang từng bước chủ động tham gia vào quá trình quản lý trật tự, văn minh đô thị trên cơ sở đồng thuận, hài hòa giữa các quy định, chính sách của nhà nước và nhu cầu của nhân dân.

Với sự kiểm tra sát sao của các đồng chí lãnh đạo thành phố, các địa phương đã và đang đẩy mạnh triển khai kế hoạch thực hiện "Năm Trật tự -Văn minh đô thị". Tin rằng với phương hướng, mục tiêu đã được xác định, năm nay Hà Nội sẽ có những chuyển biến mạnh không chỉ về bộ mặt đô thị, mà còn cả về nhận thức, ý thức trách nhiệm của lãnh đạo các cấp và toàn thể người dân.