Hội họp, tổng kết diễn ra ở tất cả các cơ quan, đơn vị, từ cấp tổ, nhóm, phòng, ban đến toàn cơ quan; từ hoạt động chuyên môn đến tổ chức đoàn thể; từ dự án chuyên đề đến dự án hỗn hợp; từ chi nhánh đến trụ sở chính; từ một ngành đến liên ngành… Chưa kể, một số cơ quan, đơn vị còn những công việc chưa thực hiện cũng dồn vào cuối năm, dẫn đến tần suất hội thảo, tọa đàm, hội nghị rất dồn dập. Lẽ dĩ nhiên, hội họp thì con người phải là chủ thể chính, mà đi họp thì công việc khác buộc phải gác lại. Người dân, đối tác, khách hàng… đến liên hệ công việc chỉ có cách chờ, hoặc quay lại vào hôm khác. Tháng cuối năm ở không ít cơ quan, đơn vị thật sự trở thành "khoảng trống" trong hoạt động hành chính công hiện nay.
Làm thế nào để hạn chế những ảnh hưởng do hội họp không cần thiết trong hoạt động hành chính công vào dịp cuối năm ở mỗi cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước? Trước hết, có thể thấy, nền hành chính công của nước ta đang ứng dụng công nghệ số và số hóa thủ tục hành chính. Trong một vài năm gần đây, đa phần các cơ quan nhà nước đã triển khai khai báo thủ tục hành chính trực tuyến (có nơi đạt đến 80% tổng số thủ tục), nhưng thực tế cho thấy, một bộ phận người dân đi làm thủ tục hành chính không khai báo trực tuyến; không tham khảo các thông tin bước đầu dẫn đến thời gian làm thủ tục kéo dài, thậm chí phải đi lại nhiều lần. Ở một số địa phương, đơn vị, hạ tầng internet chậm, yếu; năng lực cán bộ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu; phương tiện, máy móc phục vụ công tác còn hạn chế; liên kết giữa các cơ quan, đơn vị yếu, dẫn đến thông tin chưa đồng bộ gây khó khăn và mất nhiều thời gian cho việc hoàn thiện thủ tục hành chính…
Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về "Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030" đã xác định cải cách hành chính công là một trong những nội dung cần phải hoàn thiện từ nay đến năm 2030, tập trung vào 6 nội dung cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Trong đó, trọng tâm là cải cách thể chế: xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước... Ngoài ra, yêu cầu cơ quan hành chính phải số hóa và công khai thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả kết nối hạ tầng internet; mở rộng và nâng cao khả năng liên kết giữa các hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước về thủ tục hành chính…
"Khoảng trống" trong hành chính công thời điểm cuối năm như hiện nay có thể dần được cải thiện bằng nỗ lực cải cách thể chế và số hóa theo lộ trình đến năm 2030 như Nghị quyết 76/NQ-CP đề ra. Đó là tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân…
Cho nên, bên cạnh vấn đề nâng cao năng lực của cán bộ; hiện đại hóa nền tảng số, máy móc, phương tiện…, việc loại bỏ những cuộc họp không cần thiết, những cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm… chỉ với mục đích "giải ngân", quyết toán cuối năm là điều cần thiết.