Khoảng trống miễn dịch khiến trẻ em dễ nhiễm bệnh nặng khi trời rét đậm

NDO - “Tỷ lệ bệnh nhi đến khám đợt rét đậm có phần giảm so với trước, nhưng những trường hợp nhập viện đều trong tình trạng nặng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay.
0:00 / 0:00
0:00
Bố mẹ chờ con tại khu xét nghiệm máu, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bố mẹ chờ con tại khu xét nghiệm máu, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bảo đảm không nằm ghép, điều trị tối đa cho các bé

Những ngày thời tiết rét đậm, rét hại vừa qua, các trường hợp đến khám cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương chủ yếu bị nhiễm cúm, RSV hoặc viêm phổi.

“Số lượng trẻ đến khám vắng hơn so với trước, tình trạng bệnh lý mạn tính cần can thiệp có giảm hơn so với những ngày nắng ấm. Các trường hợp khám vào đêm cũng khám giảm hơn nhưng khi đến viện đều rơi vào tình trạng bệnh nặng, chủ yếu sốt cao, viêm long hô hấp, nhiễm virus, có vấn đề nôn, chảy tiêu hóa”, bác sĩ Điển nói.

Để bảo đảm điều trị tốt nhất cho bệnh nhi, với những cháu bé nhập viện ban ngày, bệnh viện sẽ sắp xếp giường riêng, không cho nằm ghép chỉ một bệnh nhi và mẹ ở giường. Với các cháu cấp cứu vào đêm, kíp trực sẽ cố gắng tìm vị trí giường trống cho cháu nằm hoặc chủ động liên hệ cơ sở y tế khác như Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Hà Đông, hoặc cơ sở y tế tư nhân để các cháu có được vị trí nằm trong đêm.

Trường hợp nặng sốt cao, kíp trực cố gắng lưu các cháu lại qua tình trạng và chờ sáng sắp xếp giường nằm điều trị.

Để phòng những bệnh do thời tiết rét đậm, rét hại cho trẻ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển khuyến cáo, với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, bố mẹ cố gắng cho con trong phòng ấm, tránh gió lùa để không bị ảnh hưởng lạnh vì trẻ nhỏ dễ tổn thương niêm mạc hô hấp.

Thứ hai, cần cho trẻ ăn đồ ấm, đồ lỏng dễ tiêu, uống nước ấm để các cháu không bị mất nhiệt.

Thứ ba, quần áo cho các cháu phải mặc đủ ấm. Trẻ sơ sinh mất nhiệt 25% liên quan vùng đầu nên phải đội mũ ấm, tránh mất nhiệt chung. Những cháu lớn hơn khi đi nhà trẻ, cố gắng có tất chân. Thời điểm nào có viêm long mũi phải vệ sinh sạch sẽ, xịt rửa mũi, nhỏ nước muối.

Thứ tư, dịp gần Tết, nhiều gia đình di chuyển về quê. Để bảo đảm an toàn cho trẻ, cha mẹ cần phải mặc đồ ấm cho trẻ, tránh mặc rất nhiều đồ và kẹp chặt cháu ngồi giữa gây ra tình trạng ngạt. Bố mẹ tìm khoảng thời điểm thời tiết cho con đi cho phù hợp và phải quan sát nhịp thở, hơi ấm của con mình trong quá trình di chuyển.

Với những bà mẹ ở cữ, giữ ấm tránh gió lùa, tuyệt đối không được dùng sưởi than.

Có khoảng trống miễn dịch ở trẻ

“Cúm không chỉ xuất hiện vào mùa đông mà còn có trong mùa hè. Bệnh virus hợp bào hô hấp diễn biến quanh năm và ngay cả sốt xuất huyết cũng tăng cao vào mùa hè”, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương nhận định về sự thay đổi mô hình dịch tễ bệnh truyền nhiễm từ năm 2003 đến nay.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển, diễn biến dịch tễ bất thường kể từ sau đại dịch Covid-19. Việc cách ly nhiều năm đã tạo ra khoảng trống miễn dịch của trẻ nhỏ, đặc biệt là các cháu sinh ra trong giai đoạn Covid-19 sẽ mất đi miễn dịch tự nhiên.

Khoảng trống miễn dịch khiến trẻ em dễ nhiễm bệnh nặng khi trời rét đậm ảnh 1

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tỷ lệ bệnh nhi được tiêm chủng đầy đủ cũng giảm xuống do cách ly xã hội khiến miễn dịch tự nhiên và miễn dịch thụ động ít hơn thời điểm bình thường.

Ngoài sự thay đổi mô hình của các bệnh lý truyền nhiễm, xu hướng bệnh lý không lây nhiễm như miễn dịch, thần kinh, đái đường, nội tiết chuyển hóa đang có xu hướng phải ứng phó. Việc ứng phó với những bệnh lý này đòi hỏi sự đầu tư liên quan nguồn lực, con người, cơ sở vật chất, thuốc men.

Để giám sát bệnh này, Bệnh viện Nhi Trung ương đã có phương án giám sát hàng ngày để xem sự thay đổi của chỉ số dịch tễ với từng bệnh lý, liên tục phân tích mô hình bệnh tại các khoa, phòng.

“Thí dụ, bệnh hô hấp hiện nay không chỉ viêm phổi, long hô hấp trên mà còn có cả dị tật bẩm sinh, bệnh lý mãn tính về hô hấp. Do đó, chúng tôi phải phân tích kỹ xem nhóm bệnh này diễn biến thế nào và có kế hoạch ứng phó. Điều này không chỉ một đơn vị chuyên môn làm được mà phải có nhóm hoạt động. Thí dụ, năm 2023, chúng tôi thành lập nhóm điều trị đột quỵ. Nhờ đó, những em bé không may bị đột quỵ não ngay lập tức các bác sĩ hội chẩn, xử trí kịp thời và nhiều cháu được cứu chữa dựa trên mô hình nhóm động nhóm”, bác sĩ Điển cho hay.

Cũng theo ông Điển, hiện bệnh đái đường tuýp 1 có xu hướng tăng cao hơn, cần phải phổ biến kiến thức với mọi người.