Ở Ninh Thuận xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương về khoán quản lý, bảo vệ, phát triển rừng gắn với sinh kế bền vững, đem lại hiệu quả thiết thực cho người trồng rừng...
Thoát đói nhờ rừng
Hơn 5 năm trở lại đây, người dân ở các thôn Do, Hà Dài, Gia Rót... xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn không còn nghĩ đến chuyện phải leo ngược lên núi để trồng, tỉa hoặc khai thác lâm sản trái phép như trước, bởi Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ninh Sơn đã triển khai hình thức giao khoán bảo vệ rừng, trồng rừng và phát triển sinh kế gắn với bảo vệ rừng cho các tổ cộng đồng và hộ nhận khoán để trồng cây ăn quả trên gò đồi, triền núi, chăn nuôi dưới tán rừng, giúp thu nhập của họ tăng đáng kể.
Năm 2017, hộ anh Pi Năng Minh, ở thôn Do, được Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ninh Sơn giao khoán bảo vệ 30 ha rừng, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi. Mỗi năm, anh Minh nhận tiền công bảo vệ rừng 12 triệu đồng (400 nghìn đồng/ha/năm). Sau bốn năm, anh mua hai con bò sinh sản, trồng hơn 3 ha điều, thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm. Ở các thôn Hà Dài, Gia Rót, các hộ dân như Pa Lây Huy, Tà Pố Gia, Va Ri Nhông Phong cũng nhờ nhận khoán bảo vệ rừng, nuôi bò, trồng điều, bưởi, xoài trên gò đồi, triền núi, mỗi năm thu nhập khoảng 50 triệu đồng/hộ, đời sống được cải thiện nhiều.
Hơn mười năm trước đây, hộ anh Châu Văn Bóng, sinh năm 1972, ở thôn Trà Nô, xã Phước Hà, huyện Thuận Nam thuộc diện hộ nghèo, không có nghề nghiệp, không có nhà ở, nhiều năm dắt díu vợ con đi làm thuê; cái đói, cái nghèo đeo bám mãi, con cái không được đi học. Khoảng 5 năm trở lại đây, được Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Tân Giang giao khoán bảo vệ rừng (từ 15 đến 20 ha/hộ), được kết nạp là thành viên của đội bảo vệ rừng thôn, được cấp một con bò, giúp vay vốn ngân hàng 50 triệu đồng, mua thêm bò, cừu, dê; cải tạo đất gò đồi, triền núi dốc để làm 5 ha rẫy, khai hoang đất trồng 1 ha lúa và trồng 1.000 m2 cỏ để chăn nuôi gia súc. Hiện nay, mỗi năm anh Bóng thu nhập gần 100 triệu đồng, có điều kiện nuôi các con ăn học.
Hiện các tổ cộng đồng bảo vệ rừng tại xã Phước Hà đã nhận khoán bảo vệ 496 ha rừng, kết hợp sản xuất, chăn nuôi bò, cừu dưới tán rừng, nhờ đó, hàng trăm hộ đã có điều kiện vươn lên ổn định đời sống, xây nhà mới, tích lũy vốn, mỗi năm số lượng cừu, bò được nhân lên hàng chục con.
Khoảng mười năm trước, huyện Ninh Sơn đã tuyên truyền, vận động gần 100 hộ dân xuống núi, về sống tại vùng tái định cư thôn Lập Lá, xã Lâm Sơn. Bí thư Huyện ủy Ninh Sơn, Nguyễn Tiến Ðức cho biết, tuy được cấp đất, xây nhà và đầu tư hạ tầng tại khu tái định cư rất bài bản, nhưng bà con rất ngại, vì không biết phải làm gì để ổn định đời sống tại nơi ở mới, có nhiều hộ vẫn quay lại rẫy cũ trên núi cao để trồng, tỉa. Năm 2017, Ban quản lý rừng Krông Pha đã triển khai chương trình giao khoán bảo vệ rừng gắn với tạo sinh kế cho bà con, từ đó các thôn Lập Lá, Gòn 1, Gòn 2 đã thành lập các tổ cộng đồng bảo vệ rừng (20 hộ/tổ), đăng ký nhận khoán bình quân mỗi hộ 20 ha. Hằng năm, trong tổng số tiền bà con được trả công bảo vệ rừng, Ban quản lý rừng Krông Pha trích ra 60% khoản tiền này để giúp bà con mua bò cái sinh sản, cấp lần lượt cho mỗi hộ một con để nuôi. Anh Ðoàn Ngọc Anh, Tổ trưởng Tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn Lập Lá cho biết, bình quân mỗi hộ trong tổ có từ hai đến ba con bò, thu nhập từ trồng cây ăn quả trên gò đồi và triền núi dốc từ 30 triệu đến 40 triệu đồng/hộ/năm. Ông Trân Tô Ha Riết chia sẻ: "Lúc mới về khu tái định cư thôn Lập Lá, gia đình tôi có bảy người, nhờ được nhận khoán bảo vệ rừng, được cấp bò sinh sản, trồng cỏ, cây ăn quả và làm ruộng, thu nhập hằng năm gần 50 triệu đồng. Hiện không còn sợ đói nghèo nữa".
Theo Ban Quản lý Vườn quốc gia Phước Bình, huyện Bác Ái, đến nay, thực hiện việc giao khoán theo Quyết định 24/2012/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị đã giao khoán bảo vệ rừng cho 209 hộ thuộc chín cộng đồng dân cư thôn với gần 5.700 ha rừng. Ðồng thời, từ năm 2015 đến nay, đã triển khai thực hiện hỗ trợ các cộng đồng vùng đệm cho các thôn Bạc Rây 1, Bạc Rây 2, Hành Rạc 1, Hành Rạc 2, Bố Lang và Gia É - là các thôn, bản thuộc vùng đệm của Vườn quốc gia Phước Bình, để đồng quản lý rừng đặc dụng với số tiền khoảng 800 triệu đồng thực hiện các mô hình sản xuất. Ðã hỗ trợ cho bà con hàng chục nghìn cây giống bưởi da xanh, bơ sáp, sầu riêng, chôm chôm, cây sa nhân tự nhiên...; máy bơm nước, giúp bà con sản xuất hiệu quả trên những vùng đất rẫy, đất gò đồi, đem lại thu nhập cao. Từ số tiền tích lũy kinh phí giao khoán hằng năm, đơn vị đã mua 19 con bò cái sinh sản, 62 con lợn đen... cấp cho bà con tại tám cộng đồng thôn để phát triển sinh kế bền vững. Bên cạnh đó, qua 5 năm thực hiện các mô hình trồng xen cây ăn quả, có 19 hộ trồng 15 ha cây bưởi da xanh, bình quân mỗi năm cho thu hoạch từ 40 đến 70 kg/cây, với giá bán ra hơn 20 nghìn đồng/kg, bà con thu lãi hàng trăm triệu đồng/ha. Nhiều năm qua, nhờ mô hình này, xã Phước Bình đã vươn lên có thu nhập cao nhất huyện Bác Ái.
Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa, Nguyễn Tường Giao cho biết, đã chi khoảng 960 triệu đồng, hỗ trợ 24 thôn vùng đệm thực hiện việc phát triển sinh kế của các cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi và trồng rừng thuộc địa phận do đơn vị quản lý. Ðến nay, các mô hình nuôi bò dưới tán rừng, làm xâu chuỗi bằng hạt cây rừng, nghề đan lát cỏ tranh, đan gùi... đã từng bước khôi phục, đem lại thu nhập cao cho đồng bào các thôn Cầu Gẫy, Ðá Hang, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải; thôn Kiền Kiền 2, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc.
Góp phần bảo vệ rừng bền vững
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, Ðặng Kim Cương cho biết, hiện tại, tổng số vật nuôi của người dân dưới tán rừng là gần 1.500 con bò, dê, cừu, lợn đen, số lượng vật nuôi sinh sản tăng hơn 200 con so với số lượng bà con được nhận cấp phát ban đầu. Thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã cấp hơn 403 nghìn tấn gạo cho 1.260 lượt hộ dân. Khi các ban quản lý vườn quốc gia, rừng phòng hộ đầu nguồn và một số dự án tài trợ, giúp bà con cây, con giống, xây dựng hệ thống nước tự chảy, trang thiết bị sản xuất đã giúp nông dân chủ động đầu tư mở rộng diện tích các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, măng cụt, bơ, bưởi... Cùng với đó, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã hỗ trợ vốn, giải ngân cho hàng trăm hộ vay hơn năm tỷ đồng để đầu tư sản xuất. Giờ đây, đời sống của hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhận khoán bảo vệ rừng, hộ dân thuộc cộng đồng dân cư thôn tại các vùng đệm được nâng lên rất nhiều. Tính đến năm 2020, hơn 198 nghìn héc-ta rừng được bảo vệ tốt, trong đó hàng chục nghìn héc-ta rừng được triển khai thực hiện mô hình quản lý rừng gắn với sinh kế bền vững dưới tán rừng đã đem lại hiệu quả thiết thực; tỷ lệ trồng cây phân tán bình quân hơn 200 nghìn cây/năm. Thông qua công tác trồng rừng, bảo vệ rừng, khoanh nuôi rừng... chất lượng của rừng được cải thiện nhiều, một số khu rừng nghèo kiệt được phục hồi, trữ lượng rừng và độ che phủ rừng ngày càng được nâng lên.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Lưu Xuân Vĩnh cho biết, theo quy hoạch ba loại rừng của tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2016-2025 được HÐND tỉnh phê duyệt, diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp đến năm 2020 là hơn 197.777 ha (chỉ tính số tròn), trong đó rừng đặc dụng là 41.695 ha, rừng phòng hộ là 116.172 ha, rừng sản xuất là 39.910 ha. Kết quả theo dõi diễn biến rừng và quy hoạch phát triển rừng toàn tỉnh đến năm 2019 cho thấy, trong tổng số diện tích đất lâm nghiệp, diện tích đất có rừng là 152.990 ha, trong đó, rừng tự nhiên chiếm 146.404 ha, rừng trồng đã thành rừng có 6.586 ha; tỷ lệ che phủ rừng là 45,59%.
Những năm qua, tiền công chi trả giao khoán bảo vệ rừng, trồng rừng đã giúp cho các cộng đồng, hộ dân có thêm nguồn thu nhập, tạo thêm việc làm, ổn định đời sống. Qua đó, nhận thức và trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ rừng được nâng lên, tình trạng phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép đã giảm. Nhiều con đường nối đồng bằng với miền núi được đầu tư mở rộng cho nên việc đi lại, sản xuất, giao thương buôn bán sản phẩm của bà con sống gần rừng khá thuận lợi. Tại các xã Phước Bình, Phước Hà, Lâm Sơn... thương lái chạy xe ô-tô vào tận rẫy, vườn trồng của đồng bào để thu mua các loại sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch như: bưởi, chuối, măng cụt... vào mùa thu hoạch, vì thế đời sống bà con tại các vùng nông thôn ngày càng sung túc, diện mạo thôn, xóm ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Bài và ảnh: NGUYỄN TRUNG