Khô khát vùng "chảo lửa" Tuyên Hóa

Vào mùa hè hằng năm, trong bản tin thời tiết trên các kênh truyền hình, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) được mô tả là khu vực có nắng nóng đặc biệt gay gắt, chỉ dấu thường là màu cam để cảnh báo mức độ khốc liệt. Ở vùng "chảo lửa" này, người dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng...
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) phải chờ đợi để bơm nước từ giếng khoan vì nguồn nước rất yếu.
Người dân xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) phải chờ đợi để bơm nước từ giếng khoan vì nguồn nước rất yếu.

Nằm cạnh thị trấn Ðồng Lê, trung tâm huyện lỵ Tuyên Hóa nhưng xã Sơn Hóa luôn thiếu nước sinh hoạt, nhất là trong các tháng hè, người dân quay quắt tìm nước. Ðến Sơn Hóa lúc hơn bốn giờ chiều, nắng nóng vẫn gay gắt khiến tiết trời càng hầm hập, chúng tôi cùng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lê Anh Tuấn về từng thôn để tìm hiểu về tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân.

Câu chuyện về nước sinh hoạt gây sự chú ý của nhiều người. Ai cũng đề nghị, làm sao để địa phương sớm có công trình nước phục vụ đời sống. Ông Nguyễn Hải ở thôn Bắc Sơn, xã Sơn Hóa có cái giếng khoan cũ kỹ ở ngay giữa mảnh vườn thấp hơn căn nhà đến hàng chục bậc. Khi chúng tôi tới đã thấy nhiều người xúm quanh giếng để chờ nhau bơm nước. Cái giếng khoan này thành nguồn nước chung duy nhất cho năm hộ dân chung quanh, bởi các giếng khác đã cạn trơ đáy.

Theo mô tả của ông Hải, cái giếng này thực ra là giếng khơi, có đặt hệ thống ống bi nhưng do thiếu nước về mùa khô nên ông thuê thợ về khoan thêm giữa lòng giếng rồi đặt máy bơm và ống hút sâu hàng chục mét để lấy nước. Từ ống nhựa đầu ra máy bơm ở giếng khoan nhà ông Hải, nhiều ống nhựa được nối vào để dẫn nước về từng nhà dân.

Khi bơm cho nhà này thì đóng van nhà khác. Bơm được khoảng 1 khối nước là phải dừng để chờ cho giếng tích nước đầy lên để nhà khác bơm tiếp. Dù cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho năm hộ dân nhưng từ giữa tháng 5 đến nay, nguồn nước ngầm cũng không đủ cho máy bơm hoạt động liên tục. Ông Hải đề nghị mọi người bơm chừng nửa tiếng đồng hồ rồi dừng lại, khoảng hai giờ sau có nước mới tiếp tục bơm.

Bà Nguyễn Thị Tâm ở cạnh nhà ông Hải cũng có cái giếng đào sâu hơn chục mét. Cách đây khoảng nửa tháng, giếng cạn trơ đáy nên bà phải sang xin nước giếng khoan nhà ông Hải. Bà nói: "Nước giếng nhà ông Hải để uống và nấu nướng thôi, còn tắm giặt thì phải ra suối Rẫy Cộ. Cả xóm phải ra đó hết chứ lấy đâu ra nước giếng mà tắm giặt".

Xã Sơn Hóa có 7 thôn với hơn 1.160 hộ dân. Từ bao đời nay, người dân ở đây chủ yếu sử dụng nguồn nước từ các suối, khe chảy qua. Sau này thì người dân đào giếng, giếng khoan để chủ động nguồn nước sinh hoạt. Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, ít mưa, nắng nóng kéo dài, nên nguồn nước giếng cạn dần gây nhiều khó khăn cho người dân. Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Sơn Hóa, trước tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nhiều hộ ở gần nhau góp hàng chục triệu đồng để khoan giếng chung. Có nhóm gia đình phải khoan vài ba lần mới thành công. Tuy nhiên, mùa nắng hạn năm nay, người dân phải bơm nhiều lần, dùng nước dè sẻn mới đủ cho sinh hoạt.

Do địa hình đồi núi, dân cư thưa thớt, các khu dân cư tách biệt nhau khá xa nên việc đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung là bài toán khó đối với chính quyền xã Sơn Hóa. Theo ông Lê Anh Tuấn, địa phương đã khảo sát phương án đấu nối từ công trình nước sạch thị trấn Ðồng Lê về nhưng cũng rất khó thực hiện do khoảng cách dân cư khá xa, chi phí đầu tư lớn. Hiện cả xã mới có hai hộ kéo được nước từ Ðồng Lê về dùng.

Có địa giới hành chính sát với thị trấn Ðồng Lê, xã Lê Hóa cũng chưa có công trình cấp nước tập trung nên người dân phải sử dụng nước giếng khơi, giếng khoan. Người dân địa phương cho biết, về mùa khô hạn, giếng khơi cạn họ dùng chung giếng khoan một cách tiết kiệm nhất hoặc phải mua nước bình để ăn, uống. Còn việc tắm giặt thì sử dụng nước khe suối hoặc ra thượng nguồn sông Gianh. Không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, thiếu nước sinh hoạt trong mùa hè còn gây nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân ở địa bàn gần trung tâm huyện Tuyên Hóa.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa, toàn huyện hiện có 21 công trình cấp nước tập trung nhưng chỉ có 13 công trình hoạt động bền vững, số còn lại hoạt động kém hoặc đã hư hỏng, bỏ hoang. Tại bốn xã chưa có công trình nước sạch là Sơn Hóa, Lê Hóa, Thanh Thạch và Ngư Hóa, người dân gặp nhiều khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tuyên Hóa, Ðinh Xuân Thương cho biết, việc đầu tư các công trình cấp nước cho người dân là hết sức cần thiết nhưng do nguồn thu của huyện còn hạn chế, trong khi nếu lập kế hoạch đầu tư một công trình thì cần số vốn khá lớn do địa hình cách trở, dân cư thưa.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa, toàn huyện hiện có 21 công trình cấp nước tập trung nhưng chỉ có 13 công trình hoạt động bền vững, số còn lại hoạt động kém hoặc đã hư hỏng, bỏ hoang. Tại bốn xã chưa có công trình nước sạch là Sơn Hóa, Lê Hóa, Thanh Thạch và Ngư Hóa, người dân gặp nhiều khó khăn về nguồn nước sinh hoạt.

Hằng năm, huyện ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa các công trình nước sạch. Quan điểm của địa phương là đầu tư công trình nước sạch không thể quy mô nhỏ lẻ mà phải là nhà máy cấp nước sinh hoạt tập trung liên xã, liên vùng để phát huy hiệu quả. Ủy ban nhân dân huyện Tuyên Hóa đã nhiều lần kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình quan tâm khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước cho địa phương.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Hóa, Lê Anh Tuấn chia sẻ, xã phấn đấu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào cuối năm nay song tiêu chí về tỷ lệ sử dụng nước sạch tập trung đối với địa phương rất khó. "Quy định là có từ 20% số hộ trở lên được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung mới đủ điều kiện để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì xã chúng tôi phải lỡ hẹn. Cũng chưa biết bao giờ mới đạt tiêu chí xã nông thôn mới, nếu công trình nước sạch chưa được đầu tư xây dựng"- đồng chí Tuấn chia sẻ. Trăn trở của lãnh đạo xã Sơn Hóa cũng là nỗi lo chung của nhiều xã nghèo ở huyện miền núi Tuyên Hóa khi tiêu chí về tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch đang là "bài toán" khó với các địa phương trong hành trình xây dựng nông thôn mới.

Quy định là có từ 20% số hộ trở lên được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung mới đủ điều kiện để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì xã chúng tôi phải lỡ hẹn. Cũng chưa biết bao giờ mới đạt tiêu chí xã nông thôn mới, nếu công trình nước sạch chưa được đầu tư xây dựng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Hóa, Lê Anh Tuấn

Chia sẻ về vấn đề nêu trên, ông Bùi Thái Nguyên, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Bình cho biết, đơn vị sẽ sớm phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Tuyên Hóa rà soát, đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng công trình cấp nước cho các địa bàn khó khăn về nguồn nước, người dân có nhu cầu cấp thiết về nước sinh hoạt. Ðơn vị đã đề xuất điều chuyển các công trình hoạt động kém hiệu quả do các xã quản lý sang Trung tâm để nâng cấp, cấp nước ổn định cho người dân.