Tôn vinh các điển hình tiên tiến toàn quốc trong phong trào thi đua yêu nước:

Những tấm gương lan tỏa tinh thần thi đua ái quốc

NDO - Những điển hình tiên tiến được vinh danh có thể khác nhau về công việc, hoàn cảnh, tuổi đời, nhưng đều có chung một tinh thần không ngại khó, ngại khổ, luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên bằng những việc làm tích cực, góp phần lan tỏa tinh thần thi đua ái quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Phòng PC07, Công an Thành phố Hồ Chí Minh.
Trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Phòng PC07, Công an Thành phố Hồ Chí Minh.

“Chúng tôi giải cứu được nạn nhân, cứu cái còn trong cái mất. Không cần biết nạn nhân là ai, thành phần, đối tượng như thế nào, chúng tôi đều thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, một là cứu sống, hai là tìm được nạn nhân. Điều đó lúc nào cũng thường trực trong đầu mình. Khó khăn nhất là có thể hy sinh nhưng tôi vẫn chấp nhận”.

Trên đây là chia sẻ của Trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Phòng PC07, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, một trong 75 điển hình tiên tiến tiêu biểu được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến toàn quốc sáng 11/6.

Hội nghị được tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023), với sự tham dự của đại diện các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đặc biệt là 700 điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước từ khắp mọi miền Tổ quốc.

Trong chương trình giao lưu tại hội nghị, các đại biểu có mặt không khỏi cảm động, cảm phục trước tinh thần năng động, dám nghĩ, dám làm, vượt khó vươn lên của các gương điển hình tiên tiến, qua đó đã làm sáng ngời truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam.

Làm những việc người khác làm không được

Kể câu chuyện về nghề nghiệp đặc biệt của mình, Trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Phòng PC07, Công an Thành phố Hồ Chí Minh Thành cho biết mỗi khi thấy những vụ cháy lớn, bản thân anh rất bồn chồn, sốt ruột vì đã không ít lần cùng đồng nghiệp chứng kiến nhiều trường hợp, tình huống thương tâm.

Những tấm gương lan tỏa tinh thần thi đua ái quốc ảnh 1
Trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Phòng PC07, Công an Thành phố Hồ Chí Minh.

“Trước đây là mình chọn nghề, sau đó gắn bó với công việc cứu nạn, cứu hộ trên 22 năm, thời gian dài như thế không dứt ra được, chỉ có thể là nghề chọn mình” - anh chia sẻ.

Trung tá Thành kể, vụ cứu nạn cứu hộ chưa có tiền lệ, khó nhất ở Việt Nam là ở Cao Bằng vào tháng 12/2019 khi nạn nhân đã mất dưới hang gần 3 năm. Không có lực lượng nào có thể xuống được vì hang sâu hơn 220m, rất nhỏ hẹp, có chỗ chỉ tầm 50-60cm, đòi hỏi phải có một người đủ bản lĩnh, và phải liều lĩnh.

Mặc dù biết xuống hang này có thể gặp nguy hiểm, thậm chí là hy sinh nếu thiếu dưỡng khí, có vật thể lạ ở dưới hay phương tiện gặp trục trặc, song anh tâm niệm, nếu mình dừng lại thì nạn nhân sẽ mãi mãi nằm ở dưới hang, nỗi đau của người thân họ sẽ còn mãi.

Đắn đo, suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng anh vẫn quyết định đi xuống để cứu hộ nạn nhân. “Khó khăn nhất là có thể hy sinh nhưng tôi vẫn chấp nhận” - Trung tá Thành cho biết.

“Phải mất 1-2 tiếng đồng hồ tôi mới xuống được hang. Hang rất tối, tôi xuống đó với tâm trạng cô đơn trong nỗi sợ hãi tột cùng. Phát hiện nạn nhân bị vùi lập dưới lớp đá khoảng gần 1m, tôi phải dùng tay đào bới, nhặt từng mẩu xương để bỏ vào bao, hơn 1 tiếng thu dọn sau đó mới đi ngược lên. Khi lên đến miệng hang, đồng nghiệp mừng rỡ, vui sướng vì tôi đã an toàn, người thân của nạn nhân rất biết ơn lực lượng cứu hộ” - anh kể.

Theo Trung tá Thành, cứu nạn, cứu hộ là một công việc đặc thù, không phải lực lượng nào cũng có thể làm được. Làm những việc người khác làm không được, anh và đồng nghiệp có những phương án thiết thực cùng phương tiện bảo hộ và kinh nghiệm được đào tạo.

“Chúng tôi giải cứu được nạn nhân, cứu cái còn trong cái mất. Không cần biết nạn nhân là ai, thành phần, đối tượng như thế nào, chúng tôi đều thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, một là cứu sống, hai là tìm được nạn nhân. Điều đó lúc nào cũng thường trực trong đầu mình” - anh chia sẻ.

Khắc sâu lời Bác dạy “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào” để rèn luyện mỗi ngày

Cùng chia sẻ tại chương trình, vận động viên môn điền kinh Nguyễn Thị Oanh - người vừa giành 4 Huy chương Vàng SEA Games 32 cho biết, hòa chung vào tinh thần thi đua ái quốc, bản thân cô nhớ tới 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng đã khắc sâu vào bao thế hệ thanh, thiếu niên.

Những tấm gương lan tỏa tinh thần thi đua ái quốc ảnh 3

Vận động viên Nguyễn Thị Oanh chia sẻ trong chương trình giao lưu.

Ngay lời đầu tiên trong 5 điều Bác Hồ dạy đã gợi lên tình yêu và niềm tự hào dân tộc sâu sắc: “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào” - đó là lý tưởng cao đẹp, mỗi người dân Việt Nam luôn luôn khắc sâu, cố gắng, nỗ lực, rèn luyện, học tập để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Đó cũng là nguồn động lực to lớn, cổ vũ tôi mỗi ngày, hăng say tập luyện, rèn luyện, thi đấu và tự hào vì màu cờ sắc áo của dân tộc” - vận động viên Nguyễn Thị Oanh chia sẻ.

Trong khi đó, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tá Ngô Thị Tuyển đã nói về vinh dự được có mặt tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua lần thứ IV - tháng 12/1966 và có điều kiện được tiếp xúc nhiều với Bác Hồ.

Theo bà, việc thi đua ái quốc theo lời Bác dạy không phân biệt già, trẻ, gái, trai, ai ai cũng thực hiện. Điều này đã ngấm sâu vào mỗi con người và qua những khó khăn, gian khổ chúng ta đã đạt được nhiều kết quả to lớn trong ngày hôm nay.

Lời Bác dạy về tinh thần thi đua yêu nước là kim chỉ nam

Chia sẻ về vinh dự 2 lần được gặp Bác Hồ, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn nhấn mạnh, lời Bác dạy về tinh thần thi đua yêu nước luôn được ông mãi khắc ghi và đó cũng là kim chỉ nam cho các hoạt động của ông sau này.

Ông Nguyễn Đức Thìn bày tỏ sự xúc động: “Tôi rất kính yêu Bác Hồ và hạnh phúc khi ở tuổi nhi đồng đã được cùng nhân dân đón Bác. Tôi biết ơn bởi Bác luôn vì dân, vì nước, gần gũi, thân thương, đặc biệt là với các cháu thiếu niên, nhi đồng”.

Những tấm gương lan tỏa tinh thần thi đua ái quốc ảnh 4

Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn.

Theo ông, tình cảm ấy đã chỉ cho ông con đường, nhân lên niềm hạnh phúc trong các hoạt động của mình.

Trong những năm tháng của tuổi trẻ, ông đã là giáo viên, được hạnh phúc gọi là “anh giáo làng”, dạy vỡ lòng, dạy bình dân học vụ, dạy tiểu học, dạy trung học cơ sở, kiêm nhiệm Tổng Phụ trách đội, Bí thư Chi đoàn rồi tham gia công tác Đảng, làm Thường vụ Trung ương Đoàn, kiêm nhiệm cả Tỉnh đoàn, Ủy viên Mặt trận Tổ quốc huyện, tỉnh…

“Tức là mình làm dạy học nhưng kiêm nhiệm thêm cả công tác xã hội. Mùa xuân 1963, khi sinh hoạt chủ đề “tiến bước lên đoàn”, tôi cùng với các nhà giáo trẻ và các em học sinh, ngày Chủ nhật không nghỉ, làm theo lời Bác: ‘Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân’. Khi tổng kết vui quá, thầy trò phát động phong trào mới là thi đua “Làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ” - ông Nguyễn Đức Thìn chia sẻ.

Sứ mệnh của người giáo viên là làm sao để học sinh luôn có ước mơ, hy vọng

Cũng tại chương trình giao lưu, thầy giáo Ma Văn Gióng, Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS Hồng Quang, tỉnh Tuyên Quang đã để lại ấn tượng với nỗ lực khơi dậy ước mơ, hy vọng cho các em học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tự tin rằng có thể thay đổi nhận thức của các phụ huynh và các em học sinh, từ năm 2016, thầy Gióng và đồng nghiệp quyết tâm làm điều táo bạo là tìm kiếm, vận động học sinh đi thi học sinh giỏi, một điều mà trước đây ít người nghĩ tới. Trong quá trình này, các thầy cô không chỉ động viên mà còn hỗ trợ mua bút, sách vở, tài liệu tham khảo và trực tiếp bồi dưỡng kiến thức cho các em.

Thầy Gióng chia sẻ, thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhiều em học sinh thấy thầy cô trước cửa nhà là trốn ra phía sau; có khi đưa ra một bài toán nhưng phải hướng dẫn đi lại nhiều lần các em mới nắm được cách làm.

Những tấm gương lan tỏa tinh thần thi đua ái quốc ảnh 5

Thầy giáo Ma Văn Gióng, Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS Hồng Quang, tỉnh Tuyên Quang.

Để thực hiện việc đó, hầu như các thầy cô đều phải dạy ngoài thời gian lên lớp, tức là vào buổi tối. “Nhiều lúc rất mệt và không muốn cố gắng nữa, nhưng thấy học sinh đến với mình, lại thương các em, càng thêm quyết tâm không bỏ rơi học sinh” - thầy Gióng tâm sự.

Nhờ nỗ lực của thầy Gióng và đồng nghiệp, nhiều học sinh đã mang niềm vui, tự hào về cho ngôi trường vùng khó. Từ năm học 2016 đến nay, hơn 30 học sinh của thầy Gióng đã đạt giải cao cấp huyện và 3 học sinh đạt giải cấp tỉnh.

Với thầy Gióng, thành công đạt được không chỉ là những gương mặt đã bứt phá từ vùng đất khó để giành các giải thưởng cao, mà còn là những câu chuyện ấm lòng về các học sinh từ khó khăn trong cuộc sống, học lực nhưng từng bước đột phá dưới sự dìu dắt, động viên của thầy.

“Sứ mệnh của một người giáo viên không quan trọng là điểm số mà là làm sao để cho học sinh luôn có ước mơ, hy vọng. Nếu có ước mơ, hy vọng và nỗ lực phấn đấu, tin chắc các em sẽ đạt được những gì mình mong muốn” - thầy Gióng chia sẻ.

Những điển hình tiên tiến được vinh danh có thể khác nhau về công việc, hoàn cảnh, tuổi đời, nhưng đều có chung một tinh thần không ngại khó, ngại khổ, luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên bằng những việc làm tích cực, góp phần lan tỏa tinh thần thi đua ái quốc như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”.

Họ chính là những tấm gương tiêu biểu đang ngày ngày cống hiến, sáng tạo và truyền cảm hứng trên khắp các mặt trận khác nhau của đời sống ngày nay, là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa thi đua yêu nước của cả nước trong thời gian qua.