Cùng với diện tích cây trồng bị khô hạn tăng nhanh, hiện nay mực nước tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh cũng giảm nhanh do phục vụ sản xuất và thời tiết nắng nóng. Theo kiểm tra cho thấy, hồ chứa nhỏ phổ biến lượng nước trữ còn khoảng dưới 35% dung tích thiết kế, trong đó có 64 hồ cạn khô trơ đáy; các hồ chứa vừa và lớn phổ biến còn khoảng từ 40-60% dung tích thiết kế, một số hồ lớn còn dưới 40% như: Hồ Ea Súp thượng, huyện Ea Súp còn 26%; Hồ Buôn Triết, huyện Lắk còn 23%; hồ Buôn Hằng, huyện Krông Pắk còn 23% và nhiều đập dâng, trạm bơm không bảo đảm năng lực thiết kế do lượng dòng chảy giảm mạnh như trạm bơm Ea Rbin, huyện Lắk và các trạm bơm dọc sông Krông Pắk phải xây dựng đập tạm chặn dòng để bơm tưới.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương lo lắng cho biết: Toàn tỉnh có tổng số 782 công trình thủy lợi gồm: 118 đập dâng, 57 trạm bơm và 607 hồ chứa nước với tổng dung tích khoảng 650 triệu m3. Trong đó, Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk quản lý 340 công trình, các doanh nghiệp và một số đơn vị khác quản lý 161 công trình, trong đó 120 hồ chứa, 41 trạm bơm; các địa phương quản lý 281 công trình, trong đó 240 hồ chứa, 37 đập dâng, bốn trạm bơm. Do nắng nóng gay gắt kéo dài từ đầu mùa khô đến nay nên so với trung bình cùng kỳ nhiều năm, mực nước sông, suối, nước ngầm duy trì mức thấp hơn; lượng dòng chảy mặt thiếu hụt khoảng 50-70% so với trung bình nhiều năm, riêng sông Krông Pắk đến nay lượng dòng chảy còn không đáng kể, một số đoạn bị cạn khô do bơm tưới. Nhiều suối nhỏ trên địa bàn tỉnh bị cạn kiệt, sông Krông Nô mực nước xuống quá thấp; mực nước ngầm các tháng đầu năm 2020 phổ biến thấp hơn cùng kỳ năm 2019, cục bộ một số vùng do khoan giếng để khai thác nước tầng sâu đã làm cho lượng nước ở tầng nông giảm mạnh hoặc không còn nước.
Tình trạng nắng nóng và khô hạn kéo dài cũng khiến hơn 1.260 hộ dân ở các huyện Ea Súp, Krông Bông, Ea Kar, Ea H’leo, Cư M’gar và Lắk… cũng bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.
Theo dự báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, nếu tình hình thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài thì nguồn nước phục vụ chống hạn trên địa bàn thiếu hụt nhanh khiến cho tình trạng khô hạn ngày càng khốc liệt hơn. Dự kiến đến cuối vụ sản xuất đông xuân này, toàn tỉnh có khoảng 30.000 ha cây trồng bị thiếu nước tưới, gồm 5.000 ha lúa, 5.000 ha hoa màu và 20.000 ha cây lâu năm; trong đó diện tích bị mất trắng khoảng 2.000 ha; đồng thời có khoảng 2.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt. Tình trạng hạn hán, thiếu nước tập trung chủ yếu ở các huyện như Ea Kar, Cư M’gar, Buôn Đôn, Krông Búk, Krông Bông, Lắk, Ea Súp,...
Trong những ngày này, các cấp, các ngành, các địa phương ở tỉnh Đắk Lắk và nhân dân trong tỉnh đang tích cực triển khai các giải pháp để khắc phục tình trạng hạn hán, bảo vệ sản xuất và đời sống.
Dưới đây là một số hình ảnh mà phóng viên Nhân Dân điện tử ghi lại trên địa bàn huyện Ea Kar trong ngày 9-4, một trong những địa phương bị khô hạn nặng nhất tỉnh Đắk Lắk trong mùa khô năm nay.
Nhiều trạm bơm trên sông Krông Pắk không có nguồn nước để bơm chống hạn.
Nhiều kênh mương trên cánh đồng xã Ea Ô, huyện Ea Kar cạn kiệt nguồn nước.
Nhiều người dân ở huyện Ea Kar đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để khoan tìm nguồn nước cứu cây trồng nhưng vẫn không có nước.
Nhiều người dân buồn bã sau khi bỏ hàng chục triệu đồng ra khoan tìm nước cứu cây trồng nhưng không mang lại hiệu quả.
Nhiều diện tích lúa nước sắp thu hoạch cũng bị khô cháy.
Để cứu cây trồng, người dân phải đắp những đập dâng trên sông Krông Pắk để vét những giọt nước còn lại cứu cây trồng.
UBND huyện Ea Kar đã huy động các cấp, các ngành và các đơn vị cùng nhân dân tập trung mọi nguồn lực để bơm nước cứu cây trồng.
Nông dân huyện Ea Kar nạo vét kênh mương để dẫn nước cứu cây trồng.