Khí thế ra quân sản xuất đầu Xuân mới ở Bạc Liêu

NDO -

Ngay sau Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022, các cấp chính quyền, các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhất là các nhà máy điện gió, các công ty, nhà máy chế biến, xuất khẩu thủy sản trong tỉnh ra quân sản xuất đầu Xuân với sinh khí mới, quyết tâm đạt thắng lợi mới.

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Tấn Khởi, thị xã Giá Rai, Bạc Liêu giải quyết công ăn việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động nghèo địa phương.
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Tấn Khởi, thị xã Giá Rai, Bạc Liêu giải quyết công ăn việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động nghèo địa phương.

Bạc Liêu có bờ biển dài 56km, từ xã Vĩnh Trạch Đông (giáp tỉnh Sóc Trăng) đến cửa biển Gành Hào, huyện Đông Hải. Bạc Liêu cũng là tỉnh có tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế biển, nhất là phát triển năng lượng sạch, điện gió, điện khí và nghề nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Toàn tỉnh hiện có hơn 139.700 ha nuôi trồng thủy sản với sản lượng 200 nghìn tấn/năm. Ngoài ra, tỉnh hiện 36 công ty, nhà máy chuyên chế biến và xuất khẩu thủy sản…

Toàn tỉnh hiện có 139.780 ha nuôi trồng thủy sản với sản lượng 200 nghìn tấn/năm. Trong đó, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh được đánh giá là có nhiều ưu điểm vượt trội. Đây là mô hình có tỷ lệ thành công trên 70%, năng suất bình quân hơn 22 tấn/ha/năm, thời gian nuôi ngắn, kích cỡ lớn, chất lượng tôm bảo đảm... Mô hình này phát triển mạnh ở các địa phương ven biển như thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải.

Trò chuyện với phóng viên Báo Nhân Dân dịp đầu Xuân mới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều khẳng định, mũi nhọn kinh tế của tỉnh Bạc Liêu là phát triển thủy sản, trong đó nuôi tôm là chính. Thời gian gần đây tỉnh có rất nhiều cố gắng cung cấp kịp thời các chuỗi giá trị của ngành tôm để phát triển. Thường trực Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phục hồi kinh tế, nhất là giúp các doanh nghiệp, công ty sớm khôi phục lại sản xuất, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn người lao động tại địa phương… 

“Chúng tôi sẽ quy hoạch vùng nuôi tôm giống, tôm sạch. Đồng thời quy hoạch lại các nhà máy chế biến thủy sản, bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả cao. Ngoài ra, chúng tôi sẽ phát triển năng lượng điện gió. Hiện nay, với 56km bờ biển chúng tôi đã giao hết đất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng các dự án điện gió. Các nhà đầu tư đang tìm hiểu và có kế hoạch đầu tư xây dựng các dự án điện gió giai đoạn 2 ngoài khơi. Có thể nói, trong đại dịch Covid-19 vừa qua mà tỉnh Bạc Liêu đã đưa vào hoạt động 7 dự án điện gió. Đây là một kết quả rất đáng mừng. Nếu Thường trực Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh không có sự quyết tâm cao, không được các cấp, các ngành, các nhà đầu tư trong và ngoài nước ủng hộ, an tâm đầu tư vốn vào các dự án lớn nêu trên thì không thể có được thành tựu bước đầu rất đáng mừng như vậy”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều khẳng định. 

Đáng chú ý, tại Bạc Liêu, trong các ngành nghề thủy sản thì nuôi tôm được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Giá trị từ con tôm mang lại, chiếm 58% trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp và gần 21% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tỉnh Bạc Liêu đã quy hoạch, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tuyên truyền, vận động nhân rộng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đến các doanh nghiệp và người dân trong tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 4 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, Bạc Liêu hiện có hơn 30 công ty, doanh nghiệp nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, tập trung ở các phường, xã ven biển của tỉnh. Đồng thời, tỉnh còn có 36 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, trong đó hơn 20 công ty, nhà máy chế biến thủy sản tập trung tại địa bàn thị xã Giá Rai. 

Mục tiêu của tỉnh Bạc Liêu trong năm 2022 này phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tôm đạt một tỷ USD. Để đạt mục tiêu này, ngay sau Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022, tỉnh đã và đang quyết tâm đẩy mạnh sản xuất. Trong đó, đặc biệt chú trọng nghề nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và xuất khẩu thủy sản - một ngành kinh tế luôn được xác định mũi nhọn và quan trọng của tỉnh Bạc Liêu từ nhiều năm qua.

Những ngày đầu Xuân mới, chúng tôi trở lại thị xã thị xã Giá Rai - nơi tập trung nhiều công ty, nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu nhất của tỉnh Bạc Liêu. Trong thời gian qua có một số nhà máy có nhiều công nhân bị lây nhiễm Covid-19. Vì vậy, ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt, nhất là duy trì sản xuất, bảo đảm công ăn việc làm, thu nhập cho hàng chục nghìn công nhân lao động của địa phương.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu) Đỗ Minh Thắng, cho biết, hiện nay thị xã Giá Rai đã trở thành vùng xanh. Đảng bộ, chính quyền địa phương đã và đang tập trung khôi phục kinh tế. Đặc biệt, thị xã Giá Rai là nơi tập trung nhiều nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu là công nhân lao động nhất tỉnh Bạc Liêu. “Chúng tôi luôn xác định, ủng hộ doanh nghiệp chính là ủng hộ chính quyền, mới giải quyết được lao động, tạo việc làm ổn định cho nhân dân. Vì vậy, trong thời gian qua chúng tôi đã phối hợp các công ty, doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu xây dựng nhà ở, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người lao động an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Giá Rai nói. 

Do tình hình đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, để bảo vệ và duy trì sản xuất ổn định, lâu dài. Bước sang Xuân mới này, các công ty, nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu nói chung, thị xã Giá Rai nói riêng ý thức rất cao, đồng thời đã có các biện pháp phòng chống dịch; đẩy mạnh sản xuất, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế bền vững cho đơn vị, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động đã gắn bó nhiều năm nay với các công ty, đơn vị.

Theo giới thiệu của lãnh đạo chủ chốt thị xã Giá Rai, chúng tôi đến thăm Công ty chế biến xuất khẩu thủy sản Tấn Khởi, một doanh nghiệp lớn, nhiều năm liền được Thường trực Thị ủy và Ủy ban thị xã Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu) đánh giá làm ăn có uy tín, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động nghèo tại địa phương, luôn thực hiện tốt nộp ngân sách Nhà nước. 

“Trong thời gian qua các cấp chính quyền của tỉnh Bạc Liêu và thị xã Giá Rai luôn tạo mọi điều kiện giúp đỡ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Chúng tôi hy vọng bước sang năm 2022, đại dịch Covid-19 sớm kết thúc. Đồng thời, mong muốn nhận được sự hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền, đặc biệt ngành ngân hàng cần có chính sách tín dụng phù hợp giúp doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn…”, ông Nguyễn Tấn Khởi, Tổng Giám đốc Công ty Chế biến xuất khẩu thủy sản Tấn Khởi nói.

Ông Lê Chí Tôn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Bạc Liêu cho biết, với vai trò, trách nhiệm của mình, chúng tôi không chỉ là “mái nhà chung”, nơi tập hợp các doanh nghiệp, mà trong mấy năm qua luôn nỗ lực hết mình, đồng hành cùng các doanh nghiệp. Chúng tôi đã có nhiều ý kiến, kiến nghị đến Thường trực Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết hiệu quả cụ thể, thiết thực nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc, bức xúc của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, xây dựng quê hương giàu đẹp…