Cùng suy ngẫm

Khi hộ nghèo xin ra khỏi danh sách nghèo

Khi cuộc sống đã bớt đi những khó khăn, nhiều người thuộc diện hộ nghèo ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Bình nói riêng, các tỉnh miền trung nói chung đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo để dành sự hỗ trợ của Nhà nước cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn. Hành động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc này đang có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Diêm dân Phú Lộc, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) cần mẫn sản xuất muối. Ảnh: Hoàng Phương
Diêm dân Phú Lộc, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) cần mẫn sản xuất muối. Ảnh: Hoàng Phương

Mới đây ở Quảng Bình, anh Hồ Phình (47 tuổi) là một trong số ít đảng viên người Mã Liềng (dân tộc Chứt) ở xã nghèo Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa viết đơn xin thoát nghèo. Lá đơn của anh đã khích lệ người dân Mã Liềng noi theo để thoát nghèo.

Hồ Phình chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thường xuyên thiếu ăn. Năm 2019, tôi được Nhà nước hỗ trợ hai con bò cái sinh sản, sau đó gia đình tôi vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách để tiếp tục mua bò, lợn và cây giống về chăn nuôi, trồng rừng. Sau bốn năm cần cù, chịu khó học hỏi với quyết tâm thoát nghèo, đến nay, gia đình tôi đã trồng được 5ha rừng, nuôi 12 con bò lai, 10 con lợn thịt, 2 lợn nái và hơn 100 con gà. Nhờ vậy, kinh tế gia đình được cải thiện rõ rệt, thu nhập từ chăn nuôi, trồng rừng đủ để trang trải cuộc sống, trả hết nợ và lãi vay, nuôi các con ăn học”.

Trước Hồ Phình, một số hộ người Rục (dân tộc Chứt) ở bản Ón, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cũng tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo vì “gia đình đã biết cách trồng cây keo lai, nuôi trâu, bò chăn thả nghe theo hướng dẫn của cán bộ xã và bộ đội biên phòng nên đã có thu nhập”.

Mặc dù biết không còn là hộ nghèo thì đồng nghĩa với việc sẽ không còn nhận được các khoản hỗ trợ, bảo hiểm y tế cũng không còn được miễn giảm... nhưng anh Hồ Phình và nhiều hộ gia đình không quá băn khoăn vì điều đó nữa. Họ đã biết cách làm ăn để tạo lập cuộc sống.

Xã A Ngo, huyện Đakrông (Quảng Trị) là địa phương có 100% người dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống còn nhiều khó khăn nhưng đã có những hộ tự nguyện xin rút khỏi danh sách hộ nghèo của xã.

Theo chia sẻ của các hộ dân, họ cũng phải suy nghĩ, đắn đo khi quyết định không nhận sự hỗ trợ, miễn giảm của Nhà nước đối với hộ nghèo. Nhưng thấy gia đình đã có chút vốn, điều kiện sản xuất thuận lợi hơn nhờ có đất đai, trâu, bò và có sức khỏe, chịu khó, họ tin tưởng điều kiện kinh tế sẽ khấm khá hơn trong tương lai. Nghĩ vậy, sáu hộ dân trong xã A Ngo mạnh dạn viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình khẳng định, những hộ viết đơn xin thoát nghèo không hẳn vì họ đã hết khó khăn mà chứng tỏ người dân đã bắt đầu có ý thức vươn lên phát triển kinh tế gia đình, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước.

Điều đó cũng cho thấy thay đổi nhận thức, tư duy của người dân trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Đây được coi là tín hiệu vui trong công tác xóa đói, giảm nghèo của tỉnh. Người dân xin ra khỏi hộ nghèo để vươn lên bằng chính nghị lực và quyết tâm của mình nên cấp ủy, chính quyền địa phương rất ủng hộ và vẫn tiếp tục dành sự quan tâm, giúp đỡ để họ vững tâm hơn trên hành trình thoát nghèo, vươn lên làm chủ cuộc sống.

Với sự chủ động, tích cực vươn lên bằng nghị lực vượt khó của rất nhiều người, những lá đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo chắc chắn sẽ ngày càng nhiều hơn ở các địa phương, tạo thêm động lực cho những hộ gia đình nghèo khác cũng hướng tới, cùng nhau lan tỏa sự vượt khó để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn ở các vùng đất khó.