Khí hậu nóng lên đe dọa sự tồn tại của các sinh vật tại Nam Cực

Một nhóm các nhà khoa học người Mỹ và người Anh cho biết, một số loài cua biển đã sẵn sàng trở lại những vùng nước nông ở Nam Cực, đe dọa sự tồn tại của một số loài sinh vật như nhện biển khổng lồ và loài giun mềm giống như dải ruy- băng, vốn đã tiến hóa từ hàng chục triệu năm nay mà không bị sự đe dọa của các loài ăn thịt.

50 năm trước, nhiệt độ bề mặt nước biển quanh Nam Cực đã tăng lên từ 1 đến 2oC, cao hơn gấp hai lần mức tăng nhiệt độ trung bình trái đất.

Tại Hội nghị thường niên của Hội Tiến bộ Khoa học Mỹ tổ chức tại Boston, các nhà khoa học cảnh báo, sự nóng lên của khí hậu toàn cầu có thể gây biến đổi sinh thái, dẫn tới việc tuyệt chủng một số loài sinh vật.

Giáo sư Cheryl Wilga, trường đại học Rhode Island (URI), Mỹ nói: Những con cá mập sẽ mò đến Nam Cực nếu như nước biển tiếp tục ấm lên. Loài cua sẽ mò đến đầu tiên. Một khi đã đến đó, chúng sẽ ăn thịt các loài sinh vật tồn tại ở đây.

Giáo sư Wigla nói, sự xuất hiện của cá mập và các loài cá ăn sò, ăn động vật giáp xác, có thể dẫn đến sự thay đổi nghiêm trọng về số lượng và sự cân đối của các loài sinh vật tồn tại ở đây.

Loài tôm, giun biển và sao biển là những sinh vật có nguy cơ bị tiêu diệt lớn nhất.

Tiến sĩ Sven Thatje, thuộc Trung tâm Hải dương học quốc gia, Trường đại học Southampton, nước Anh nói: Các loài sinh vật sống ở các vùng nước nông tại Nam Cực hiện đã trở thành những sinh vật quý hiếm của trái đất. Chúng đã tồn tại và tiến hóa trong một môi trường rất lạnh trong suốt hơn mười triệu năm qua.

Ông nói tiếp: Nam Cực trở nên lạnh giá vào khoảng 40 triệu năm trước. Tất cả những loài động vật ăn thịt dưới đáy biển như cá mập và cua biến mất khỏi Nam Cực bởi vì chúng không thể chịu nổi môi trường quá khắc nghiệt. Giờ đây, khi trái đất ấm lên, rào cản đó được dỡ bỏ, những loài động vật ăn thịt có thể di chuyển đến Nam Cực. Gần đây, chúng tôi đã thấy sự có mặt của một số loài cua, đặc biệt là cua vua trên vùng rìa Nam Cực. Nếu nước biển tiếp tục ấm lên, chúng có thể tái xâm phạm những vùng nước nông của Nam Cực.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, chính quyền địa phương vùng Nam Cực cũng như cộng đồng quốc tế cần có hành động can thiệp kịp thời để bảo vệ cho khu vực cuối cùng còn giữ được môi trường nguyên sơ của trái đất.

Một loài giun ở Nam Cực.

Tiến sĩ Richard Aronson, Phòng thí nghiệm biển đảo Dauphin, Alabama nói: Chúng ta cần hành động ngay lập tức, tại Nam Cực cũng như tại nhiều nơi khác nữa để bảo vệ tính đa dạng của hành tinh.

Ông cho rằng cần có biện pháp ngăn chặn các loài sinh vật ở ngoài khu vực Nam Cực tiến vào vùng này theo những con tàu. Các hành động tại chỗ là kiểm soát sự lưu thông của những con tàu cũng như việc thải nước ra Nam Cực. Còn những hành động quốc tế là kiểm soát sự thải khí nhà kính.

Một số sinh vật sống dưới đáy Nam Cực là những loài lạ lùng nhất trên trái đất.

Môi trường cực lạnh và tối đã khiến các sinh vật ở đây phải vật lộn sinh tồn qua thời gian, dẫn tới những tiến hóa của loài cá như có các protein chống đông lạnh trong máu và sự sinh sôi nảy nở của các sinh vật biển kiếm thức ăn bằng cách lọc nước dưới đáy biển.

Các loài động vật di chuyển nhanh, ăn giáp xác như cua và cá mập là những sinh vật ăn thịt ở vùng nước nông, thường sống trong các vịnh bởi vì cơ thể của chúng khong chịu nổi môi trường cực lạnh.

Chính điều này đã dẫn tới sự thống trị đáy biển vùng Nam Cực của các sinh vật nhuyễn thể có tốc độ di chuyển chậm, tương tự như những loài được tìm thấy trong các đáy đại dương cổ, trước sự tiến hóa của các loài ăn thịt giáp xác.