Khi giải pháp giảm tác hại được áp dụng: Có thể giảm một nửa tỷ lệ hút thuốc ở nam giới

Hiện Việt Nam có 42,3% nam giới trưởng thành đang hút thuốc lá. Theo mô hình giả định từ chuyên gia, nếu áp dụng biện pháp giảm tác hại đã qua kiểm nghiệm khoa học, tỷ lệ này có thể giảm đi hơn một nửa, xuống mức 20,2%.
0:00 / 0:00
0:00
Khi giải pháp giảm tác hại được áp dụng: Có thể giảm một nửa tỷ lệ hút thuốc ở nam giới

Nhận định này được PGS, TS, bác sĩ Trần Khánh Toàn, giảng viên cao cấp bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Cai thuốc và giảm tác hại: Hai giải pháp bổ trợ để kiểm soát thuốc lá” mới đây.

Lợi ích kép nếu giải pháp giảm tác hại được áp dụng

Tại tọa đàm, PGS, TS, bác sĩ Trần Khánh Toàn chia sẻ, các giải pháp giảm tác hại bằng những sản phẩm thuốc lá mới với hàm lượng độc chất thấp hơn thuốc lá điếu thông thường cần được xem xét.

Theo Phó Giáo sư Toàn, nếu thực thi song song các biện pháp hỗ trợ cai thuốc lá và giảm tác hại cho những người chưa thể cai thuốc sẽ mang lại lợi ích kép.

Thứ nhất là lợi ích về mặt sức khỏe, hạn chế các yếu tố nguy cơ về bệnh tật và tử vong, kéo dài tuổi thọ, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho người chưa cai được thuốc lá.

Lợi ích thứ 2 là về mặt kinh tế, giúp giảm áp lực và gánh nặng cho hệ thống y tế đối với các bệnh do hút thuốc lá. Lợi ích thu được sẽ phục vụ cho các hoạt động an sinh xã hội khác.

Theo đó, Phó Giáo sư Toàn đưa ra giả định, nếu bắt đầu can thiệp áp dụng biện pháp giảm tác hại của thuốc lá điếu từ năm 2024, song song với việc cai thuốc, và giả định mỗi năm có khoảng 10% những người đang hút thuốc lá điếu chuyển sang sản phẩm thay thế và kèm theo điều kiện là những sản phẩm thay thế này giảm được 70% nguy cơ mắc các bệnh so với thuốc lá thông thường, kết quả thu được đó là mỗi năm có thể giảm được 1,5 nghìn tỷ đồng cho chi phí cho y tế điều trị các bệnh liên quan thuốc lá, đồng thời có thể giảm được 4.700 trường hợp tử vong do thuốc lá.

Cũng trên cơ sở đó, từ đây đến năm 2030, chúng ta có thể giảm tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở nam giới xuống dưới 30% theo mục tiêu quốc gia.

Kết quả giả định này của Phó Giáo sư Toàn cũng chính là mục tiêu mong muốn đạt được của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt ra cho các quốc gia thành viên, là sẽ giảm 30% số người hút thuốc lá hiện tại.

Khi giải pháp giảm tác hại được áp dụng: Có thể giảm một nửa tỷ lệ hút thuốc ở nam giới ảnh 1

Cơ hội không thể bỏ lỡ để giảm tỷ lệ tử vong do thuốc lá

Mặc dù là một trong những quốc gia thành viên WHO tham gia vào Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) sớm nhất và đã có những thay đổi tích cực trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, song Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ hút thuốc cao và được báo động hàng năm.

Theo thống kê cách đây 5 năm, chi phí mua thuốc lá và tổn thất do thuốc lá gây ra trên 54 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tỷ lệ bệnh tật và tử vong sớm do sử dụng thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật tại nước ta.

Tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm ở 5 nhóm bệnh thường gặp liên quan đến thuốc lá (gồm ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và phổi tắc nghẽn mạn tính) là hơn 23 nghìn tỷ đồng/năm. Theo thống kê tại Bệnh viện K, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), trong số hơn 8 triệu người chết mỗi năm trên toàn cầu, có khoảng 7 triệu ca tử vong là do sử dụng thuốc lá trực tiếp.

Thị trường thuốc lá tại Việt Nam đa dạng từ chủng loại có thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá tự cuốn… cho đến giá cả của sản phẩm trong nước, nước ngoài và kể cả thị trường buôn lậu. Hiện thị trường lậu thuốc lá điếu chiếm 22% tổng doanh thu ngành hàng.

Do đó, việc ban hành các biện pháp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá là vấn đề cần được chú trọng tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc giảm tỷ lệ sử dụng, theo các chuyên gia, cần phối hợp nhiều bộ, ngành và đi theo cơ chế thị trường và nhu cầu tiêu dùng.

Vì vậy, những biện pháp giúp giảm gánh nặng y tế từ hút thuốc lá bên cạnh giải pháp giảm tiêu thụ thuốc lá là cần thiết cho những người khó cai bỏ thuốc lá. Điều này góp phần ngăn chặn những tác động xấu đến sức khỏe cho cộng đồng, ở cả người hút thuốc và người không hút.

Đối chiếu với bối cảnh quốc tế, Phó Giáo sư Toàn cho hay, phần lớn các nước thành viên WHO đã đón nhận các giải pháp giảm tác tác hại bằng thuốc lá mới, và ban hành chính sách quản lý cụ thể trong hệ thống pháp luật.

Đến nay, dữ liệu đời thực hiện đang ghi nhận một số quốc gia có tín hiệu tích cực, như Thụy Điển gần chạm mục tiêu “quốc gia không khói thuốc” với tỷ lệ người hút thuốc hiện chỉ còn 5,6%. Nhật Bản từ quốc gia có tỷ lệ hút thuốc cao, sau 5 năm cho phép thuốc lá làm nóng, quốc gia này đạt mức giảm tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá điếu đến 42%, vượt xa mục tiêu 30% mà WHO đặt ra.

Từ những kết quả thực tiễn, Phó Giáo sư Toàn nhận định, cần xem xét nghiêm túc các sản phẩm mới để tận dụng những lợi thế như những quốc gia đã và đang áp dụng thành công. Điều kiện kèm theo để đạt được kết quả tương tự, chắc chắn phải là một hành lang pháp lý rõ ràng, quy định được thực thi chặt chẽ.