Khi công nhân "tăng ca" ngoài doanh nghiệp

Những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó về đơn hàng, phải cắt giảm lao động, lương thưởng… Không ít công nhân, người lao động đã tìm mọi cách vượt khó.
0:00 / 0:00
0:00
Chị Lê Thị Quyên (công nhân Công ty Nhựa Chợ Lớn) nhận hàng về may gia công tại phòng trọ.
Chị Lê Thị Quyên (công nhân Công ty Nhựa Chợ Lớn) nhận hàng về may gia công tại phòng trọ.

Sau giờ tan ca, chị Lê Thị Thùy Trang (35 tuổi, quê Phú Yên), công nhân Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân) không về nhà ngay mà bày mâm chả cá nhỏ ở khu chợ vỉa hè trên đường Hồ Học Lãm (phường An Lạc, quận Bình Tân) bán hàng kiếm thêm chút thu nhập. Niềm nở chào mời khách, chị Trang tâm sự, đã làm công nhân được chín năm, lương gần bảy triệu đồng/tháng. "Từ đầu năm 2022 đến nay, công ty không tăng ca, chỉ làm việc đến 16 giờ 30 phút, thu nhập giảm sút nên tôi tìm việc làm thêm. Có người nhà ở Phú Yên giới thiệu mối chả cá ngon, bảo đảm an toàn thực phẩm nên tôi lấy vài ký rồi ra chợ bán thử. Lúc đầu chỉ có chị em trong công ty mua ủng hộ, sau nhiều người ăn thấy ngon nên tôi mạnh dạn đặt thêm hàng, cứ sau giờ làm ở nhà máy, tôi lại ra chợ, kiếm thêm đồng ra đồng vào phụ gia đình", chị Trang nói. Chỉ còn ít ngày nữa, Trang cùng hơn 1.000 công nhân của Công ty Tỷ Hùng sẽ nghỉ việc do công ty không còn đơn hàng. Trang cho hay, bán chả cá sẽ thành nghề chính của chị, chờ sang năm tìm việc mới. "Dù khó khăn thế nào, vợ chồng tôi cũng quyết bám trụ thành phố, ai thuê mướn gì cũng nhận miễn sao lo được cho các con ăn học", Trang khẳng định.

Mặc chiếc áo của một hãng xe công nghệ ra bên ngoài bộ đồ công nhân Công ty Pouyuen (quận Bình Tân), anh Trần Văn Hạnh (40 tuổi, quê An Giang) trở thành nhân viên giao hàng sau khi rời nhà máy. "Công ty ít đơn hàng nên công nhân giảm việc, không tăng ca. Thu nhập không đủ nuôi vợ con, tôi đăng ký hãng xe ôm công nghệ để làm thêm. Từ chở khách, vận chuyển hàng hóa đến giao thức ăn… tôi đều nhận chạy. Nửa năm qua, tôi đều bắt đầu ra đường vào "ca ba" từ 17 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, thu nhập khoảng 100.000 đồng", anh Hạnh nói.

Vừa đút cơm cho con, vừa tranh thủ liên hệ với người quen để tìm việc làm thêm, chị Lý Kim Nhạn (25 tuổi, quê Kiên Giang), công nhân Công ty TNHH 3Q Vina (Phường 16, Quận 8) chuyên may quần áo xuất khẩu tâm sự, may mắn là công ty vẫn có đơn hàng, công nhân làm việc suốt tuần: Có việc đều đặn, thu nhập sáu triệu đồng/tháng cũng đủ để em nuôi con, trả tiền nhà trọ. Em đang tính dành dụm chút tiền để học thêm cái nghề phòng thân". Chị Lê Thị Quyên (40 tuổi, công nhân Công ty Nhựa Chợ Lớn) bộc bạch, nếu có tiền thưởng Tết Nguyên đán, chị sẽ mua thêm chiếc máy may để nhận hàng về gia công, kiếm thêm thu nhập. "Do công ty chỉ còn bố trí việc làm cho công nhân từ ba đến bốn ngày/tuần nên tôi phụ em dâu may gia công tại nhà. Tôi cố gắng tự tìm việc cho mình vì công ty cũng gặp khó, chờ đến khi đơn hàng khả quan hơn, hy vọng việc làm sẽ khởi sắc như trước".

Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ dành 140 tỷ đồng cho các chương trình trong dịp này. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Phạm Chí Tâm cho biết: Trong năm 2023, những khó khăn, thách thức của tình hình thế giới sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ tiếp tục có những khó khăn. Những doanh nghiệp ngành da giày, dệt may, gỗ... sẽ ít đơn hàng, giảm việc làm, thậm chí cắt giảm lao động ngay vào thời điểm cuối năm 2022 và cận Tết Nguyên đán năm 2023, làm ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, đời sống của công nhân lao động. Với phương châm "Tết đến với mọi đoàn viên, người lao động", Liên đoàn Lao động thành phố đề nghị các tổ chức công đoàn xây dựng phương án chi trả lương, thưởng Tết cho người lao động, các khoản phúc lợi khác trong dịp Tết Nguyên đán 2023; sớm thông báo công khai thời gian trả lương, thưởng và lịch nghỉ Tết của doanh nghiệp để người lao động an tâm sản xuất; Công đoàn thành phố chủ động phối hợp cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan quản lý nhà nước về lao động tại địa phương rà soát và nắm chắc danh sách doanh nghiệp đang khó khăn (nợ bảo hiểm xã hội, thường xuyên chậm trả lương hoặc đang nợ lương người lao động, doanh nghiệp thông báo không có khả năng chi trả lương, thưởng Tết…) để có phương án giải quyết và hỗ trợ chăm lo Tết kịp thời cho đoàn viên, lao động.

Cụ thể, chương trình "Tết sum vầy-Xuân tri ân" sẽ chăm lo cho 10.000 hộ gia đình đoàn viên công đoàn, người lao động tại các doanh nghiệp có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê đón Tết, kinh phí 1 triệu đồng/hộ; 5.000 hộ gia đình công nhân lao động không có điều kiện về quê đón Tết được tham gia chương trình "Gia đình công nhân vui Tết cùng thành phố" lần 2 sẽ được vui chơi, ăn uống miễn phí tại Công viên Văn hóa Ðầm Sen. Ngoài ra, còn có chương trình họp mặt, tặng quà cho đoàn viên nghiệp đoàn có hoàn cảnh khó khăn; phiên chợ nghĩa tình-Tết đoàn viên; tấm vé nghĩa tình; chương trình Tết cho em; họp mặt tặng quà đoàn viên nghiệp đoàn; thăm, tặng quà đoàn viên làm việc tại các đơn vị có môi trường làm việc khó khăn, xa thành phố... Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Lâm cho biết: Sở đã chỉ đạo Trung tâm Giải quyết việc làm thành phố tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp thiếu hụt lao động để có phương án kết nối doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với những lao động vừa phải nghỉ việc, nhanh chóng tạo việc làm phù hợp cho người lao động.