Khi bộ đội biên phòng “cắm bản”

Những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nhân dân biên giới phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Đồn Biên phòng Cồn Roàng (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) huy động kinh phí khoan giếng nước sạch tặng người dân bản Cà Roòng.
Đồn Biên phòng Cồn Roàng (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) huy động kinh phí khoan giếng nước sạch tặng người dân bản Cà Roòng.

Cùng với đó, chủ trương cử đảng viên đồn biên phòng về sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản đã góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.

Nhiều mô hình giúp dân hiệu quả

Khu vực biên giới tỉnh Quảng Bình có rất đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong số đó, các tộc người như: Sách, Mày, A Rem, Ma Coong (thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều) định cư ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa cách trở về giao thông, chưa có điện lưới quốc gia.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau như thiên nhiên khắc nghiệt, phong tục, tập quán, thói quen lao động sản xuất cho nên cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn biên giới vẫn còn khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số trên khu vực vùng núi, biên giới của tỉnh Quảng Bình còn cao, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn so với mức chung của tỉnh. Tại một số xã biên giới vẫn tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu như cúng ma, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…, gây ra nhiều hệ lụy nặng nề cho gia đình, xã hội.

Bám địa bàn, dựa vào dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình luôn trăn trở, đề xuất chỉ huy đơn vị triển khai các mô hình, chương trình hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống. Ở mỗi địa bàn, các đồn biên phòng có nhiều cách làm thiết thực khác nhau để hỗ trợ nhân dân.

Những ngày cuối năm 2022, trên cánh đồng Rục Làn, tổ công tác gồm bốn cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng lái máy cày, hỗ trợ người dân đồng bào Rục, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa làm ruộng để xuống giống vụ lúa đông xuân cho kịp thời vụ. Trước đây, đồng bào Rục chủ yếu dựa vào việc săn bắn thú rừng, làm rẫy dốc, thường xuyên chịu cảnh thiếu đói.

Quyết tâm giúp người dân làm quen với lao động sản xuất, chủ động được lương thực, hơn 10 năm về trước, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã huy động nguồn lực, nhân lực khai hoang, hướng dẫn đồng bào Rục trồng lúa nước. Những vụ mùa đầu tiên, Đồn Biên phòng Cà Xèng tập trung số đông cán bộ, chiến sĩ để giúp dân đảm nhận tất cả mọi công đoạn từ làm ruộng, gieo mạ… cho đến thu hoạch lúa. Những người lính kiên trì vận động người dân tham gia, rồi cầm tay chỉ việc để đồng bào Rục làm quen với cây lúa nước. Sau hơn 10 năm canh tác, người dân đã thành thạo và trồng đều đặn hai vụ lúa nước/năm ở cánh đồng Rục Làn rộng lớn.

Ngoài cánh đồng Rục Làn cho năng suất cao, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình duy trì bốn mô hình giúp nhân dân sản xuất lúa nước, ở các địa bàn khác nhau giúp dân từng bước tự chủ lương thực. Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết: “Chúng tôi xác định rõ, phải dựa vào dân để triển khai nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Nhưng muốn địa bàn biên giới bình yên cần phải nâng cao trình độ nhận thức, chăm lo cuộc sống cho nhân dân tốt hơn. Trên tinh thần đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã huy động các nguồn lực, động viên cán bộ, chiến sĩ các đơn vị triển khai giúp dân bằng các mô hình, chương trình phát triển kinh tế-xã hội hiệu quả, thiết thực nhất”.

Cùng với việc hỗ trợ người dân tạo sinh kế bền vững, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình còn chú trọng triển khai các công trình làm đổi thay bộ mặt các bản làng biên giới. Nổi bật nhất phải kể đến Chương trình “Ánh sáng vùng biên”, xây dựng hệ thống chiếu sáng trên các trục đường giao thông thôn, bản phục vụ nhân dân.

Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã huy động từ nguồn kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng và hơn 3.500 ngày công của cán bộ, chiến sĩ xây dựng, trao tặng để chính quyền địa phương quản lý, sử dụng 96 công trình “Ánh sáng vùng biên” với chiều dài hơn 90km.

Trong số đó, có 61 công trình được xây dựng ở địa bàn biên giới xa xôi, cách trở chưa có điện lưới quốc gia được sử dụng bằng đèn năng lượng mặt trời. Ngoài ra các đồn biên phòng còn triển khai hiệu quả các mô hình như: “Tiếng máy vùng biên”, “Công trình vệ sinh vì cộng đồng”, “Nhà tạp hóa vì cộng đồng”; Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi Đồn Biên phòng”...

Đưa đảng viên biên phòng về “cắm bản”

Cùng với việc triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình chú trọng tham mưu, tham gia phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở.

Tính đến nay, đang có năm cán bộ, đảng viên của các đồn biên phòng trực thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh được tăng cường về cơ sở giữ chức danh Phó Bí thư đảng ủy xã, 11 đồng chí tham gia cấp ủy các xã, phường biên giới và 41 đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ bản.

Ngoài ra, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phân công 370 đảng viên biên phòng phụ trách 1.525 hộ gia đình ở khu vực biên giới. Trên các cương vị khác nhau tại địa phương, cán bộ, đảng viên quân hàm xanh đã và đang phát huy vai trò, trách nhiệm, có nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, bảo đảm bình yên địa bàn.

Mỗi ngày, sau khi kết thúc ca trực tại Trạm Quân dân y bản 61, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Thiếu tá Lê Minh Tuấn (Đồn Biên phòng Cà Ròong) đều vào bản Tuộc để nắm bắt tình hình chung. Ngoài công tác chuyên môn, cán bộ quân y biên phòng còn được chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ phụ trách địa bàn, giữ chức danh Phó Bí thư chi bộ bản biên giới.

Trong thời gian qua, dưới sự tham mưu của cán bộ biên phòng, chi bộ đảng ở bản Tuộc đã duy trì sinh hoạt rất nền nếp, đưa ra nghị quyết để xây dựng bản làng ngày càng no đủ, văn minh. Cũng như nhiều bản làng khác của xã Thượng Trạch, bản Tuộc đã xóa bỏ hoàn toàn hủ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

“Chúng tôi thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến giống nòi. Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên bám địa bàn nắm thông tin các trường hợp có ý định vi phạm để báo cáo chỉ huy đơn vị, chính quyền địa phương có giải pháp ngăn chặn kịp thời” - Thiếu tá Lê Minh Tuấn chia sẻ.

Xã biên giới Thượng Trạch, huyện Bố Trạch nằm giữa vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, địa bàn định cư chủ yếu của người Ma Coong, vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Nhiều năm về trước, xã Thượng Trạch được xác định là một trong những địa bàn trọng điểm, khi đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn.

Thế nhưng cùng với những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng mà những năm gần đây, xã biên giới có nhiều khởi sắc. Ông Đinh Cu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thượng Trạch khẳng định: “Hiện nay, nhân dân không phụ thuộc quá nhiều vào rừng mà đã biết lao động sản xuất, tích lũy lương thực, chăm lo cho con em học tập.

Cùng với đó, các phong tục, tập quán lạc hậu đã bị loại bỏ khỏi đời sống sinh hoạt của người dân. Sự đổi thay ở địa phương khẳng định chủ trương đưa cán bộ, đảng viên bộ đội biên phòng sinh hoạt tại các chi bộ bản biên giới đang phát huy rất tốt hiệu quả”.

Bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh nằm giữa đại ngàn, chưa có điện lưới quốc gia, chưa có sóng điện thoại. Năm 2020, ở đây từng bị sạt lở đất, lũ quét khiến người dân hoang mang, lo lắng. Rất may, thời điểm phát hiện dấu hiệu sạt lở từ ngọn núi phía sau cụm dân cư, Thiếu tá Nguyễn Văn Sành, Đồn Biên phòng Làng Mô phụ trách địa bàn đang “cắm” tại bản, kịp thời vận động nhân dân sơ tán đến vị trí an toàn. Cán bộ biên phòng cắt rừng ra báo cáo chỉ huy đơn vị, chính quyền địa phương huy động lực lượng vào để hỗ trợ người dân di chuyển vật dụng, cắm lán trại ở vị trí tạm thời.

Sau khi nắm bắt tình hình, nguyện vọng của người dân, một khu tái định cư cho nhân dân bản Sắt đã được triển khai xây dựng. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô đóng góp hàng trăm ngày công hỗ trợ đồng bào, đồng thời xây dựng công trình điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời tặng người dân.

Giờ đây cuộc sống đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở bản Sắt đã có nhiều đổi thay. Ông Hồ Văn Tuấn, Bí thư Chi bộ bản Sắt cho biết: “Ở đây luôn có cán bộ, đảng viên biên phòng “cắm bản”, cho nên người dân rất yên tâm. Bằng tinh thần, trách nhiệm của người lính, các anh luôn bám sát địa bàn, cùng ban quản lý bản, chăm lo cho cuộc sống nhân dân” ■