Khép kín từ thiết kế đến sản xuất bao bì từ vật liệu tái chế

NDO -

Báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy, cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được tiêu thụ trên toàn thế giới; khoảng 8 triệu tấn nhựa được thải vào các đại dương mỗi năm, trong đó 40% nhựa được sản xuất là bao bì và bị loại bỏ sau một lần sử dụng. Do vậy, rất cần việc quản lý bao bì bền vững theo chu trình khép kín từ thiết kế và sản xuất bao bì từ vật liệu tái chế, thân thiện môi trường.

Lễ công bố hợp tác tuyên truyền, thúc đẩy quản lý bao bì bền vững.
Lễ công bố hợp tác tuyên truyền, thúc đẩy quản lý bao bì bền vững.

Chiều 8/12, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tổ chức lễ công bố Thỏa thuận hợp tác về tuyên truyền, phố biến nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và thúc đẩy quản lý bao bì bền vững.

Mục tiêu của Thỏa thuận hợp tác, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc thúc đẩy các sáng kiến, mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn; tái chế, tái sử dụng chất thải. Quản lý bao bì bền vững theo chu trình khép kín từ thiết kế, sản xuất bao bì từ vật liệu tái chế, thân thiện môi trường, cho đến các giải pháp thu gom, tái chế và tái sử dụng bao bì trong tương lai...

Phát biểu tại lễ công bố, Phó Tổng Cục trưởng Môi trường, Nguyễn Hưng Thịnh cho biết: Báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy, cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được tiêu thụ trên toàn thế giới; khoảng 8 triệu tấn nhựa được thải vào các đại dương mỗi năm, trong đó 40% nhựa được sản xuất là bao bì và bị loại bỏ sau một lần sử dụng.

Tại Việt Nam, theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc khoảng hơn 64 nghìn tấn/ngày, tương đương 23,6 triệu tấn/năm (tăng 46% so với năm 2010); chất thải rắn công nghiệp phát sinh khoảng 25 triệu tấn/năm. Ước tính, mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra tại Việt Nam, nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.

Để vừa phát triển kinh tế, vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm do chất thải bao bì nói riêng, trong những năm gần đây, xu thế thế giới đã chuyển sang tiếp cận giải pháp mô hình kinh tế tuần hoàn thay thế cho mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, hướng tới phát triển sản xuất và tiêu dùng bền vững, tái tạo tài nguyên theo chu trình khép kín, giảm thiểu tối đa phát thải ra môi trường, mang lại các giá trị về kinh tế, xã hội và môi trường.

Nhận thức rõ vấn đề này, Luật Bảo vệ Môi trường được Quốc hội Khóa 14 thông qua năm 2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường thông qua thể chế hóa chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, Luật cũng đã thể chế hóa quy định trách nhiệm mở rộng của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì có khả năng tái chế/khó có khả năng tái chế phải thu hồi với tỷ lệ và quy cách bắt buộc hoặc thông qua hợp đồng dịch vụ hoặc cơ chế đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu.

Đáng chú ý, Luật đã xác định cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ môi trường. Việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp, mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và bảo đảm phát triển bền vững; phát huy được vai trò của các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường chính là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay.

Để Thỏa thuận hợp tác nêu trên triển khai đạt kết quả cao, các đơn vị liên quan của Tổng cục Môi trường làm việc với đơn vị đầu mối của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam để đề xuất các hoạt động triển khai cụ thể ngay trong tháng cuối năm 2021. Trong đó, tập trung tuyên truyền những nội dung mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và đề ra các hoạt động cho năm tiếp theo. Bên cạnh đó, đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp chặt chẽ Tổng cục Môi trường, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các nội dung, quá trình triển khai và kết quả đạt được của Thỏa thuận hợp tác.

Như vậy, với sự tiên phong của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam trong các hoạt động này sẽ lan tỏa, tạo thành phong trào kết nối thêm nhiều doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp cùng hành động có trách nhiệm với vấn đề môi trường của đất nước, cùng nhau phát triển bền vững, Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh nhấn mạnh.

Cũng tại sự kiện này, Nestlé tại Việt Nam đã chính thức công bố Cam kết Trung hòa nhựa đến năm 2025, nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hướng tới một tương lai không có rác thải. Cụ thể, 100% bao bì của Nestlé sẽ có thể tái chế hoặc tái chế sự dụng vào năm 2025. Cam kết này song hành với tầm nhìn “Không bao bì nào của Nestlé, kể cả bao bì nhựa, bị chôn lấp hoặc trở thành rác thải”...