Nhiều đại biểu Quốc hội nhận định, đây là những nội dung đã được Ban soạn thảo nghiên cứu, thể hiện tương đối nổi bật. Tuy nhiên, để Luật thật sự hướng về cơ sở, tạo động lực cho các tập thể và cá nhân ở cơ sở ra sức thi đua yêu nước thì cần tiếp tục nghiên cứu để có những quy định phù hợp hơn nữa.
Nhiều đại biểu Quốc hội đồng ý với việc bổ sung danh hiệu thi đua xã, phường, thị trấn tiêu biểu. Tuy nhiên, một trong ba tiêu chí để được xét công nhận xã tiêu biểu là xã phải đạt chuẩn nông thôn mới… cần được tiếp tục nghiên cứu khi áp dụng đối với các xã biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Cơ quan soạn thảo cần sửa đổi để có các quy định phù hợp hơn. Liên quan nội dung này, có ý kiến đề nghị cần cân nhắc về số lượng cơ sở được khen thưởng trong cùng một đơn vị hành chính.
Theo đó, nên giới hạn tỷ lệ số lượng xã, phường, thị trấn, thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố trong cùng một đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được xét tặng danh hiệu tiêu biểu nhằm bảo đảm tính thống nhất trong việc áp dụng, tránh mỗi địa phương thực hiện theo cách thức khác nhau. Cụ thể ở đây, nếu không quy định tỷ lệ khen thưởng, có thể dẫn tới tình trạng có nơi sẽ khen thưởng nhiều, có nơi sẽ khen thưởng ít. Mặt khác, việc quy định tỷ lệ sẽ xác lập mục tiêu phấn đấu, cạnh tranh lành mạnh trong cùng một đơn vị hành chính.
Việc sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn khen thưởng huân chương tặng công nhân, nông dân có sáng kiến hoặc mô hình sản xuất mang lại giá trị cao, tiêu chuẩn đề ra còn rất khó và cao cũng như phạm vi ảnh hưởng của các sáng kiến. Cơ quan soạn thảo cần rà soát lại phạm vi ảnh hưởng, số lượng sáng kiến, qua đó tạo điều kiện để nông dân, công nhân tích cực tham gia các phong trào thi đua, tiếp cận với các danh hiệu thi đua. Đây là những người mà trong thực tế nhiều năm qua rất khó tiếp cận với các danh hiệu khen thưởng.
Việc quan tâm khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, học tập, công tác nhằm tạo động lực để những nhóm đối tượng này tiếp tục hăng say lao động, sáng tạo, tạo ra của cải vật chất là hoàn toàn hợp lý và cần sớm triển khai. Bên cạnh đó, có đại biểu Quốc hội đề nghị, cần chú ý ưu tiên khen thưởng những người đang công tác, sinh sống tại địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo, vùng biên giới.
Trong thực tế, để giữ vững chủ quyền của Tổ quốc, những người sinh sống, công tác tại đây gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ của mình. Vì vậy, rất cần Nhà nước ưu tiên trong việc xét khen thưởng để ghi nhận thành tích, công lao và sự cống hiến của họ.
Ngoài ra, tại cơ sở, còn có trường hợp cán bộ Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội có hàng chục năm công tác, cống hiến, có đủ điều kiện nhưng lại không phải đối tượng khen thưởng huân chương các loại. Vì vậy, cần quan tâm cụ thể hơn, kịp thời hơn đối với những cá nhân này.