Khát vọng nâng tầm nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam

Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam vừa tổ chức tọa đàm “Giải pháp nào để có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật chất lượng cao” và hội nghị giữa nhiệm kỳ (2020-2025). Cả hai sự kiện có quy mô và ý nghĩa quan trọng, quy tụ các nghệ sĩ nhiếp ảnh, hội viên trên cả nước để cùng nhìn lại và tìm ra những cách thức nâng cao chất lượng nhiếp ảnh, tiếp tục đóng góp cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tại tọa đàm về phát triển ảnh nghệ thuật chất lượng cao.
Các đại biểu tại tọa đàm về phát triển ảnh nghệ thuật chất lượng cao.

Tại tọa đàm “Giải pháp nào để có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật chất lượng cao”, gần 30 tham luận và nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết của lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, các nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà lý luận phê bình và nhà báo... đã cho thấy bức tranh toàn cảnh tương đối đầy đủ của nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam thời gian qua, cũng như những xu hướng mới đòi hỏi sự thay đổi để thích ứng và phát triển.

Theo bà Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, thay vì khái niệm “tác phẩm đỉnh cao” thì nên dùng cách nói giản dị hơn, cụ thể hơn để các nghệ sĩ dễ hình dung và phấn đấu, chẳng hạn như “tác phẩm phản ánh được sâu sắc, chân thực, sinh động cuộc sống, xứng tầm với sự phát triển của đất nước”. Nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh kỳ cựu cũng nhấn mạnh, trong những năm qua, mặc dù Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và nhiều tổ chức văn hóa văn nghệ khác đã trao nhiều giải thưởng, một năm hoặc hai năm một lần, hay nhiều giải thưởng nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, kỷ niệm các sự kiện lớn của các bộ, ban, ngành, địa phương…, nhưng hầu như các tác phẩm được trao giải rất mau chìm vào quên lãng. Thực trạng này có rất nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người.

Chia sẻ quan điểm này, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Phong (Gia Lai) nói về lối mòn trong sáng tác như hiện tượng các tác giả cứ duy trì chụp cảnh cũ, vật cũ, người cũ theo một mô-típ cũ, thậm chí gửi cả ảnh cũ dự thi. Lối mòn còn hiện diện ở cả khâu thẩm định ảnh, khi một số vị giám khảo nhiều cuộc thi biểu hiện rõ sở thích và gu cá nhân... Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Đức Tân (Hà Nội) cho rằng, để có tác phẩm hay cần chú trọng một giải pháp tổng thể cho mọi vấn đề. Đối với nghệ sĩ nhiếp ảnh, sở thích đi kèm với lao động và mục đích sống thì mới cho ra đời tác phẩm có giá trị lâu dài. Ông cũng phân tích sự cần thiết có bảo tàng nhiếp ảnh đối với việc lưu trữ, định giá, hội nhập...

Bên cạnh đó, cần khuyến khích phát triển các gallery, nhà sưu tập cá nhân tương tự như đối với mỹ thuật. Bàn về tác động của công nghệ, cụ thể là trí tuệ nhân tạo (AI) với nhiếp ảnh nghệ thuật, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lý Hoàng Long (Lâm Đồng) và nhà nghiên cứu lý luận phê bình Trần Quốc Dũng (Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ rõ tiềm năng rất lớn của AI trong hỗ trợ sáng tác, song không thể thay thế tư duy hay cảm xúc của con người và cần tách biệt rõ ràng với nhiếp ảnh truyền thống.

Mặt khác, nhiều tham luận thẳng thắn chỉ ra những “nút thắt” cần tháo gỡ của nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam đương đại, chẳng hạn như nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Kỳ Nam thấy phong trào nhiếp ảnh nở rộ khiến ảnh dàn dựng cũng “được mùa”, hàng loạt bộ ảnh na ná nhau ra đời, đánh mất dần tính sáng tạo, bản sắc. Bên cạnh đó, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Sĩ Minh, Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống cho rằng lý luận phê bình nhiếp ảnh hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu.

Điều này thấy rất rõ với số lượng 1.044 hội viên, nhưng số người làm công tác lý luận phê bình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện chỉ có tám người được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phong tước hiệu “Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh”, nhưng họ cũng chỉ làm tay ngang, còn lại một số người thỉnh thoảng viết với tâm lý “viết chơi”.

Nhà báo Trần Việt Văn (Báo Lao Động) khẳng định điểm mạnh của nhiếp ảnh Việt Nam là ảnh du lịch, phong cảnh, đời thường, song cũng nêu rõ những điểm yếu như thiếu tác giả có phong cách cá nhân riêng biệt, ít cập nhật các phong cách đương đại của thế giới như nhiếp ảnh ý niệm, cắt dán...

Để khắc phục những hạn chế, khó khăn hiện tại, mỗi đại biểu đều có những ý kiến theo góc nhìn, kinh nghiệm cá nhân, song đa số đều đồng tình với hướng giải pháp, trong đó nhấn mạnh chính bản thân nghệ sĩ phải có ý thức làm mới mình; thay đổi cách thức tổ chức trại sáng tác, tập huấn ảnh; chú trọng công tác thẩm định, lý luận phê bình; đổi mới cách thức công bố tác phẩm, triển lãm và xuất bản sách; huy động nhiều nguồn lực cho công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao... Về phía Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, cố gắng tạo mọi điều kiện để các tài năng có thể phát triển và mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Tiếp nối tọa đàm là hội nghị giữa nhiệm kỳ (2020-2025) của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, hội chuyên ngành Trung ương đầu tiên thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức hội nghị giữa nhiệm kỳ.

Theo báo cáo, hiện nay có 1.044 hội viên sinh hoạt tại 77 chi hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc thi và triển lãm quan trọng như: 2 cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế Việt Nam lần thứ 11 - năm 2021 (VN-21) và lần thứ 12 - năm 2023 (VN-23); 3 cuộc thi cấp khu vực: “Khoảnh khắc SEA Games 31”, “Phụ nữ trong cuộc sống”, “Khoảnh khắc từ trái tim”.

Hội còn phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức 3 cuộc thi ảnh cấp quốc gia là “Tổ quốc bên bờ sóng” năm 2021 và 2023, “Tự hào một dải biên cương” năm 2022; phối hợp Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức cuộc thi và triển lãm “Ảnh nghệ thuật Việt Nam 2022”; phối hợp các tỉnh, thành phố tổ chức 20 cuộc liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực. Các công tác khác như tập huấn nghiệp vụ, thi đua khen thưởng, xuất bản các ấn phẩm, lưu trữ, đối ngoại, kiểm tra giám sát... đều cơ bản hoàn thành và đạt một số thành tựu.

Tuy nhiên, hội nghị cũng đề cập đến những mặt còn yếu kém như khoảng trống lý luận phê bình, nhiều hoạt động chưa thực hiện được, một số hội viên còn sáng tác rập khuôn và thiếu sáng tạo, một số bộ phận trong cơ quan Hội yếu chuyên môn... Với những bài học kinh nghiệm và quyết tâm trong giai đoạn mới, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cũng đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian sắp tới nhằm phát triển chuyên nghiệp và toàn diện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sáng tác để phục vụ đất nước, nhân dân.

Đó là: tổ chức các hoạt động để tiến tới tổng kết 50 năm nhiếp ảnh Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước; tổ chức các hoạt động kỷ niệm của giới nhiếp ảnh và Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; xuất bản sách “Lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam (1869-2022); xây dựng đề án “Không gian sáng tạo và chuyển đổi số tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam tại Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh Việt Nam”; tăng cường hợp tác quốc tế với các tổ chức nhiếp ảnh của Hàn Quốc, Lào; từng bước số hóa kho tư liệu để hoàn thành công tác lưu trữ và trao đổi ảnh…