Khát vọng đổi mới của Đầm Hà

NDO - Với quyết tâm cao, nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, huyện miền núi Đầm Hà (Quảng Ninh) đã cán đích nông thôn mới nâng cao, tạo sự chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đến nay, Đầm Hà đã khoác lên mình diện mạo mới, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp và chất lượng cuộc sống của người dân từng bước được nâng lên.
0:00 / 0:00
0:00
Diện mạo của huyện Đầm Hà ngày càng mang dáng dấp của một đô thị văn minh, hiện đại.
Diện mạo của huyện Đầm Hà ngày càng mang dáng dấp của một đô thị văn minh, hiện đại.

Sau 13 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Đầm Hà đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Từ một huyện miền núi còn nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo là khá cao, có xã, thôn chiếm tới hơn 90%. Đến nay, cơ sở hạ tầng kinh tế của huyện đã được đầu tư đồng bộ, 3/3 xã vùng cao và 19/19 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; đời sống, sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn ngày càng được nâng cao.

"Khó vạn lần dân liệu cũng xong"

Một trong những kết quả quan trọng, nổi bật trong xây dựng nông thôn mới là xã đã huy động được sức dân hoàn thành tiêu chí về hạ tầng giao thông. Cùng nguồn vốn đầu tư của nhà nước và xã hội hóa, trong những năm qua, xã đã triển khai xây dựng được hàng chục công trình với tổng số tiền đầu tư hàng chục tỷ đồng như: sửa chữa, xây mới trụ sở Ủy ban nhân dân xã, trường tiểu học, bê-tông hóa tuyến đê Đầm Buôn-Xóm Giáo, xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư Trại Giữa-Yên Hàn và thôn Đầm Buôn, 6 tuyến đường giao thông liên thôn, liên xóm cùng 2 tuyến kênh mương phục vụ sản xuất của nhân dân.

Khát vọng đổi mới của Đầm Hà ảnh 1

Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xóm được đầu tư xây dựng tạo điều kiện cho giao thông thuận lợi và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Nếu như năm 2017 thu nhập bình quân đầu người trong xã chỉ đạt hơn 37 triệu/người/năm thì đến nay đã đạt hơn 60 triệu/người/năm, gấp gần 2 lần so với thời điểm đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, số hộ khá, giàu tăng, toàn xã không còn hộ nghèo.

Nếu như năm 2017 thu nhập bình quân đầu người trong xã chỉ đạt hơn 37 triệu/người/năm thì đến nay đã đạt hơn 60 triệu/người/năm, gấp gần 2 lần so với thời điểm đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, số hộ khá, giàu tăng, toàn xã không còn hộ nghèo.

Bí thư Đảng ủy xã Đầm Hà Hoàng Mỹ Linh chia sẻ: Xây dựng nông thôn mới không có đích cuối cùng mà mục tiêu chính là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đặc biệt, công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng phát triển kinh tế được xã xác định là điều kiện tiên quyết xây dựng thành công nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Vì thế xã đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm cao.

Khát vọng đổi mới của Đầm Hà ảnh 2

Mô hình nuôi gà bản kết hợp trồng ổi của người dân xã Quảng Tân đem lại giá trị kinh tế cao.

Công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng phát triển kinh tế được xã xác định là điều kiện tiên quyết xây dựng thành công nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

Bí thư Đảng ủy xã Đầm Hà Hoàng Mỹ Linh

Có thể thấy rõ, ngay khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, huyện Đầm Hà tập trung rà soát các hạng mục hạ tầng kinh tế-xã hội để có kế hoạch đầu tư phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của địa phương. Theo đó, huyện đã dành gần 6.000 tỷ đồng đầu tư cho các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, trong đó có sự đóng góp công sức, kinh phí rất lớn của người dân và doanh nghiệp.

Xác định giao thông đi trước mở đường, hàng loạt các công trình như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa xã, thôn đã được đầu tư xây dựng mới, đồng bộ, toàn huyện có 383/383km đường giao thông được trải nhựa và bê-tông hóa, trong đó đường xã, liên xã 42,42km, đường thôn, liên thôn 138,61km, đường ngõ xóm 84,61km; dành nguồn lực đầu tư hệ thống xử lý nước thải, rác thải và hình thành các vùng sản xuất tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản, chăn nuôi...

Là xã vùng cao, giao thông đi lại khó khăn, dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng đường giao thông từ trung tâm huyện đi xã Quảng Lâm với tổng chiều dài hơn 7,5km có tổng kinh phí đầu tư 100 tỷ đồng được hoàn thành trong niềm phấn khởi của người dân trên địa bàn. Tuyến đường đã khắc phục tình trạng xuống cấp nghiêm trọng trước đây và tạo điều kiện thuận lợi đi lại, giao thương, trao đổi hàng hóa của người dân trên địa bàn.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quảng Lâm Trần Văn Khôi vui mừng chia sẻ: Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ tạo liên kết vùng miền trên địa bàn đã tạo điều kiện giao thông thuận lợi, giúp người dân và doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất, trao đổi giao thương hàng hóa, mở ra cơ hội phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương.

Khát vọng đổi mới của Đầm Hà ảnh 3

Nhiều tuyến đường giao thông liên xã được đầu tư đồng bộ, hiện đại, xanh, sạch, đẹp.

Hạ tầng giao thông, đô thị, dịch vụ của huyện có bước phát triển đột phá, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối giữa huyện đến xã, đến thôn, các vùng sản xuất và các điểm du lịch đã góp phần đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế của nhiều vùng miền trên địa bàn huyện và các vùng lân cận. Điều này không chỉ làm thay đổi bộ mặt nông thôn của huyện Đầm Hà mà còn hiện thực hóa khát vọng nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là người dân ở khu vực nông thôn, miền núi.

Có thể khẳng định, bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, quyết liệt trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, đời sống của nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là ở khu vực nông thôn ngày càng khởi sắc; luồng gió xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng lại ở các nội dung tiêu chí của đề án mà đã trở thành phong trào có sức lôi cuốn mạnh mẽ bắt đầu từ lòng dân. Đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Khát vọng đổi mới

Xác định lấy phát triển kinh tế làm đòn bẩy để xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện Đầm Hà đã quyết liệt trong thực hiện việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; thực hiện đúng quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng và chế biến thủy sản, đồng thời xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung áp dụng công nghệ cao phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Khát vọng đổi mới của Đầm Hà ảnh 4

Mô hình nuôi dê sinh sản và thương phẩm ở xã Quảng Tân đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

Phát huy thế mạnh của địa phương ven biển, huyện Đầm Hà xác định đúng hướng đi cho phát triển sản xuất là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tăng cường các hoạt động liên kết trong sản xuất.

Nhiều mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế như: mô hình liên kết với người dân nuôi gà bản của hợp tác xã Tuyền Huyền; trồng cây ăn quả, cây dược liệu tại xã Đầm Hà, Đại Bình, Quảng An, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Đầm Hà; Dự án Khu phức hợp sản xuất tôm công nghệ cao của Tập đoàn Việt-Úc với công suất 8 tỷ con tôm giống/năm; Dự án sản xuất giống cá biển công nghệ cao của hợp tác xã Bắc Việt đạt 5,5 triệu con giống/năm…

Chương trình phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương đạt kết quả tốt, đến nay có 28 sản phẩm OCOP của huyện được nghiên cứu sản xuất phục vụ nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh.

Khát vọng đổi mới của Đầm Hà ảnh 5

Mô hình trồng dưa công nghệ cao ngày càng được nhân rộng trên địa bàn huyện Đầm Hà.

Anh Nguyễn Ngọc Tân ở thôn Bình Hải, xã Tân Bình chia sẻ, từ khi được sự hỗ trợ, động viên của chính quyền xã, gia đình anh quyết định thu hẹp diện tích canh tác từ hơn 2ha nuôi tôm quảng canh xuống còn gần 1ha nuôi tôm công nghiệp và mô hình này cho thu nhập kinh tế ổn định hơn rất nhiều, mỗi năm thu hoạch khoảng 20 tấn tôm và lợi nhuận thu về từ 1 đến 2 tỷ đồng.

Năm 2023, giá trị sản xuất ngành nông-lâm-thủy sản của huyện Đầm Hà tăng gấp 7 lần so với năm 2010, tăng 1,5 lần so với thời điểm huyện được công nhận nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 đạt gần 75 triệu đồng/người/năm, cao gấp 4 lần so với năm 2010.

Năm 2023, giá trị sản xuất ngành nông-lâm-thủy sản của huyện Đầm Hà tăng gấp 7 lần so với năm 2010, tăng 1,5 lần so với thời điểm huyện được công nhận nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 đạt gần 75 triệu đồng/người/năm, cao gấp 4 lần so với năm 2010.

Từ những định hướng và mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả đã tạo cho người nông dân của huyện Đầm Hà bước tiến dài trong chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp, sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Bức tranh nông thôn của huyện ngày càng bừng sáng và có sự chuyển biến tích cực.

Khát vọng đổi mới của Đầm Hà ảnh 6

Xã Đầm Hà là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Đầm Hà.

Thời gian tới, Đầm Hà tiếp tục xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với nâng cấp đô thị văn minh, hiện đại, trong đó lấy người dân làm chủ thể, là trung tâm của chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, quyết tâm đưa Đầm Hà trở thành một miền quê đáng sống với tiêu chí văn hóa, hạnh phúc được đặt lên hàng đầu.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đầm Hà Hoàng Vĩnh Khuyến

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đầm Hà Hoàng Vĩnh Khuyến cho biết: Phát huy những kết quả đã đạt được và duy trì, nâng cao chất của huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên của Quảng Ninh và cả nước, thời gian tới, Đầm Hà tiếp tục xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với nâng cấp đô thị văn minh, hiện đại, trong đó lấy người dân làm chủ thể, là trung tâm của chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, quyết tâm đưa Đầm Hà trở thành một miền quê đáng sống với tiêu chí văn hóa, hạnh phúc được đặt lên hàng đầu.

Cùng với các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, huyện Đầm Hà luôn quan tâm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống sinh hoạt của nhân dân. Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ngày càng được đầu tư, đáp ứng nhu cầu giao lưu, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa của các tầng lớp nhân dân.

Khát vọng đổi mới của Đầm Hà ảnh 7

Người dân ngày càng được tiếp cận các ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất và bảo vệ môi trường.

Khát vọng đổi mới vươn lên của Đầm Hà hôm nay dù còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng với quyết tâm cao, sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân với một tâm thế mới, khát vọng mới, niềm tin mới chắc chắn huyện Đầm Hà ngày càng phát triển bền vững, xứng đáng là miền quê đáng sống nơi vùng đông bắc của Quảng Ninh.