Tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận có chiều dài hơn 51km, nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương) và điểm cuối là nút giao An Thái Trung. Công trình được đầu tư bằng hình thức PPP do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, có sự tham gia vốn đối ứng của nhà nước.
Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận sẽ đưa vào lưu thông 2 chiều trên tuyến chính không thu phí từ 7 giờ 30 phút ngày 30/4/2022, dự kiến trong 60 ngày với tốc độ tối thiểu 60km/giờ, tối đa 80km/giờ. Đây là thời gian để chủ đầu tư triển khai các bước thử nghiệm vận hành, kiểm soát tải trọng, đánh giá các khâu kỹ thuật trước khi chính thức đưa vào thu phí hoàn vốn cho dự án.
Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung. Dự án khởi công lần đầu từ tháng 11/2009. Sau gần 10 năm đình trệ với 2 lần thay đổi nhà đầu tư, 3 lần thay đổi tổng mức đầu tư, 4 lần lùi thời hạn hoàn thành và đến hết năm 2018, dự án chỉ mới hoàn thành được hơn 10% khối lượng.
Tháng 3/2019, Chính phủ chuyển cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông vận tải sang UBND tỉnh Tiền Giang; liên danh các nhà đầu tư đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành dự án thông qua doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần BOT Trung Lương-Mỹ Thuận.
Tập đoàn Đèo Cả đã nhập cuộc với quyết tâm cao, nhanh chóng thực hiện một loạt biện pháp để tái khởi động dự án, như: kiện toàn năng lực quản trị điều hành, chuyển văn phòng làm việc từ Thành phố Hồ Chí Minh về đặt tại hiện trường dự án, loại nhà đầu tư 0 đồng, nhà thầu kém năng lực; bố trí nhân sự giàu kinh nghiệm để tổ chức vận hành… Đồng thời, lập đồng hồ đếm ngược ngày thông tuyến, gắn trách nhiệm cho mình và cho cơ quan nhà nước về các mốc tiến độ của dự án để công khai cho người dân giám sát.
Với quyết tâm làm việc “3 xuyên: xuyên đêm, xuyên Tết, xuyên dịch”, hơn 1.500 cán bộ, kỹ sư, công nhân thay ca nhau, ngày đêm bám sát hiện trường, biến thách thức thành cơ hội, biến sự hoài nghi thành động lực để hoàn thành dự án.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, việc khánh thành đoạn cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận với chiều dài 51,5km, quy mô 4 làn xe có ý nghĩa rất quan trọng. Đây cũng là bước khởi đầu để phấn đấu từ nay đến cuối năm 2022, hoàn thành tiếp 361km đường cao tốc trên tuyến bắc-nam; phấn đấu đến 2025 hoàn thành toàn tuyến cao tốc bắc-nam từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau.
Đưa vào sử dụng tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận hôm nay chính là hiện thực lời hứa của Chính phủ với hơn 20 triệu đồng bào vùng đồng bằng sông Cửu Long, góp phần tạo ra động lực và không gian phát triển mới cho Tiền Giang và các tỉnh lân cận trong khu vực; hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, phát triển bền vững khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để phát huy hiệu quả của tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu, thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương trong khu vực cần hành động quyết liệt, tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà thầu, bồi thường giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công các đoạn, tuyến cao tốc kết nối trong khu vực theo quy hoạch.
Trong đó, một số công trình đặc biệt quan trọng là tuyến cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ dài 23km (tổng mức đầu tư khoảng 4.800 tỷ đồng) và cầu Mỹ Thuận 2 (tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng) trong năm 2023. Phấn đấu tháng 10/2022, đoạn cao tốc Cần Thơ-Cà Mau dài 109km, tổng mức đầu tư hơn 27.000 tỷ đồng có thể khởi công và hoàn thành vào cuối năm 2025.
Song song đó, khởi công đoạn cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng với chiều dài 191km, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng hơn 52.000 tỷ đồng, hoàn thành năm 2025. Đầu tư đoạn cao tốc An Hữu-Cao Lãnh dài 27km, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng; chuẩn bị đầu tư đoạn cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh dài 27km, dự kiến tổng mức đầu tư 4.700 tỷ đồng...
Như vậy, trong 5 năm tới, sẽ đầu tư hơn 100 nghìn tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Đây là ưu tiên rất lớn của Đảng, Nhà nước để phát triển khu vực này.
“Tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận hoàn thành, khắc phục được rất nhiều khó khăn, vướng mắc đã khẳng định sự đúng đắn của việc giao địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền; là bài học về sàng lọc, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực (tài chính, công nghệ, thiết bị…) và kinh nghiệm để đầu tư có hiệu quả, rút ngắn tiến độ thi công. Những bài học, cách làm mới này cần được sớm tổng kết, đánh giá, nhân rộng”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Tiền Giang và các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, các nhà đầu tư, nhà thầu ưu tiên dành nguồn lực, tập trung cao cho công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng, bảo đảm nguồn cung vật liệu, phối hợp các bộ, ngành liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Nghiên cứu mô hình, cách làm tại dự án để nhân rộng trong quá trình triển khai các dự án có điều kiện tương tự, góp phần thu hút nguồn lực xã hội nhằm thực hiện tốt mục tiêu hoàn thành mục tiêu 3.000km đường cao tốc vào năm 2025; 5.000km vào năm 2030…