Khẳng định hiệu quả hoạt động của mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp

NDO -

Năm 2018, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) được thành lập theo Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ nhằm thực hiện chủ trương tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của nhà nước và chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, khắc phục tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong quản lý doanh nghiệp nhà nước của các bộ, địa phương. Sau 5 năm đi vào hoạt động, việc tiếp tục thực hiện mô hình Ủy ban là cơ quan thuộc Chính phủ như Thông báo số 40-TB/TW của Bộ Chính trị là hết sức cần thiết. Phóng viên Báo Nhân Dân đã phỏng vấn Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh về vấn đề này.

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh.

Những kết quả khả quan

Phóng viên: Việc thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước; thực hiện tách chức năng chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong định hướng sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. So với những mục tiêu đề ra, Ủy ban đã đạt được những kết quả nổi bật gì sau 5 năm đi vào hoạt động, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Anh: Sau 5 năm thành lập và hoạt động, dưới sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực phấn đấu của Ủy ban và các doanh nghiệp trực thuộc đã đem lại những kết quả khả quan.

Đánh giá chung, thống nhất của các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình tổng kết việc thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về Đề án Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo Thông báo số 40-TB/TW ngày 14/9/2017 cho thấy, Ủy ban đã thực hiện cơ bản đầy đủ chức năng, nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu nhà nước quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Những kết quả nổi bật có thể tóm lược trong các nhóm vấn đề lớn: Ủy ban đã hoàn thành xử lý hầu hết công việc chuyển giao từ các bộ còn xử lý dở dang, phức tạp, vướng mắc, tồn đọng qua nhiều thời kỳ.

Tiếp nhận vai trò Cơ quan Thường trực và Chủ tịch Ủy ban làm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương. Đến nay, công tác xử lý các tồn tại, yếu kém của nhiều dự án, doanh nghiệp đã có những tiến triển quan trọng và đạt nhiều kết quả tích cực.

Tăng cường kiểm tra, giám sát về tài chính doanh nghiệp; đốc thúc doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư lớn, quan trọng; chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước với mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.

Ủy ban làm đầu mối tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về đầu tư; quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước; sắp xếp lại, xử lý đất đai; quản lý, sử dụng tài sản công; cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Chủ động đề xuất và phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều nghị quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã tồn tại từ nhiều năm để thúc đẩy tiến độ nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Ủy ban đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty chủ động triển khai chiến lược chuyển đổi số doanh nghiệp; thực hiện vai trò dẫn dắt trong xây dựng hạ tầng số, phát triển kinh tế số.

Có thể nói sau 5 năm đi vào hoạt động, Ủy ban đã đạt được những thành tích, kết quả quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ được giao; ngày một chuyên nghiệp hơn trong việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh

Những kết quả nêu trên đã khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả của việc thành lập Ủy ban là cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp và vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong việc thúc đẩy tiến trình đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước của Đảng và Nhà nước.

Việc tiếp tục phát huy mô hình Ủy ban là cơ quan thuộc Chính phủ như Thông báo số 40-TB/TW của Bộ Chính trị là hết sức cần thiết; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Ủy ban để phù hợp hơn với mô hình, điều kiện thực tế hoạt động Ủy ban hiện nay và hệ thống thể chế, pháp luật có liên quan.

Phóng viên: 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban hiện chiếm gần 63% vốn chủ sở hữu và tổng tài sản chiếm gần 65,3% so với toàn bộ khối doanh nghiệp nhà nước. Một trong những nội dung được dư luận xã hội quan tâm là kết quả hoạt động của các doanh nghiệp này ra sao sau khi được chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ các bộ chuyên ngành về Ủy ban, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Anh: Sau 5 năm chuyển về Ủy ban, 19 tập đoàn, tổng công ty đều sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển liên tục, ổn định.

Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 và tình hình bất ổn trên thế giới gần đây, tổng vốn nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty vẫn được bảo toàn, phát triển cả về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước; giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động cũng tăng lên; góp phần vào phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Năm 2023, tổng vốn chủ sở hữu (hợp nhất) của 19 tập đoàn, tổng công ty khoảng 1,17 triệu tỷ đồng. Tổng tài sản hợp nhất hơn 2,45 triệu tỷ đồng, tăng 14,2 nghìn tỷ đồng so với năm 2022.

Các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục thể hiện vai trò nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực; tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước; góp phần bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô và xây dựng, phát triển hệ thống kết nối hạ tầng, tạo động lực phát triển cho các ngành và cả nền kinh tế; góp phần bảo đảm an sinh xã hội đất nước.

Tiếp tục hoàn thiện mô hình Ủy ban là cơ quan thuộc Chính phủ

Phóng viên: Để triển khai thực hiện định hướng tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty trong thời gian tới có vai trò quan trọng của cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Ủy ban sẽ làm gì để sát cánh, đồng hành với doanh nghiệp bứt phá và phát triển bền vững trong chặng đường tiếp theo?

Ông Nguyễn Hoàng Anh: Nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đối với Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty trong những năm tiếp theo rất nặng nề và có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các chiến lược của Đảng và Nhà nước đề ra.

Do đó, Ủy ban sẽ hết sức nỗ lực, nghiêm túc, quyết liệt, đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo định hướng tiếp tục hoàn thiện mô hình Ủy ban là cơ quan thuộc Chính phủ như Thông báo số 40-TB/TW của Bộ Chính trị.

Phối hợp các cơ quan quản lý khác để chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện chính sách, quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

Tăng cường, tạo sự chủ động cho doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tích cực phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả; về nguyên tắc, không can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp.

Đồng thời, nghiên cứu, góp ý, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định của Luật số 69/2014/QH13 nhằm đẩy mạnh phân công, phân cấp cho Ủy ban và các doanh nghiệp để tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Ủy ban sẽ tiếp tục cải thiện phương thức làm việc; xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý nội bộ bảo đảm thống nhất, hiệu quả; nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ, ưu tiên tuyển dụng cán bộ có trình độ chuyên môn sâu về ngành nghề kinh tế, kỹ thuật, đầu tư về Ủy ban để đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ được giao.

Chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ các nhóm giải pháp. Trong đó, chú trọng bảo đảm các cân đối lớn cho nền kinh tế, cho nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động; thực hiện đúng tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư lớn, trọng điểm.

Tăng cường phối hợp với các bộ, cơ quan quản lý nhà nước, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương trong quá trình chỉ đạo hoạt động của doanh nghiệp theo đúng chiến lược, kế hoạch, nhiệm vụ được giao.

Đề xuất sửa đổi các quy định để có thể điều tiết được các nguồn vốn đầu tư giữa các doanh nghiệp nhà nước; kết nối hoạt động kinh doanh giữa các tập đoàn, tổng công ty theo chuỗi; điều động, bổ sung cán bộ có chuyên môn, năng lực giữa các doanh nghiệp với nhau và giữa Ủy ban với các doanh nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!