Phó Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Thế Hùng cho biết, từ đầu năm đến nay, tuyến kè cứng bờ biển Cửa Đại, với chiều dài 714 m nằm giữa hai khách sạn Fusione Alya và Sunrise bị sóng biển gây sạt lở nhiều điểm. Mới đây, sau trận mưa lớn kéo dài vào đầu tháng 4 đã làm tuyến kè xuất hiện thêm hai vị trí nứt gãy hoàn toàn, gây đe dọa đến an toàn của tuyến kè này. Đặc biệt, tại vị trí có tuyến cáp điện ngầm cấp điện cho xã đảo Cù Lao Chàm, đoạn thân kè tại vị trí này đã bị hư hỏng và sụt lún hoàn toàn, có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn tuyến cáp điện này.
Trước tình hình trên, UBND TP Hội An đã chỉ đạo Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng Hội An hợp đồng với Trung tâm Trắc địa công trình và địa chính khảo sát địa hình nhằm tìm kiếm và phát hiện các lỗ rỗng, hố ngầm bên dưới tấm lát thân kè để có cơ sở đánh giá tính ổn định của công trình và đề ra phương án gia cố, sửa chữa phù hợp.
Đoàn công tác của tỉnh và các chuyên gia khảo sát thực địa tuyến kè sạt lở.
Mới đây, đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Nam cùng các chuyên gia của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã khảo sát thực trạng sạt lở của tuyến kè nhằm tìm ra nguyên nhân và giải pháp sửa chữa tuyến kè trước mùa mưa bão năm 2018. Hiện tại, UBND TP Hội An đã cho lắp đặt biển báo nguy hiểm tại khu vực toàn tuyến kè này để người dân địa phương và du khách biết và đề phòng.
Theo lãnh đạo TP Hội An, phương án sửa chữa tuyến kè Cửa Đại được chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ đưa ra giải pháp khắc phục các vị trí sụt lún cục bộ trên toàn tuyến như: tháo dỡ các khối xếp và hệ đầm đã lún sụt, trải vải địa kỹ thuật, làm lớp đá dăm… Giai đoạn 2, đơn vị thi công sẽ xây dựng mới các kè mỏ hàn tạo bãi bồi, giảm sóng nước chân kè bằng đá hộc; đồng thời xây dựng các tuyến đê giảm sóng; với tổng kinh phí đầu tư sửa chữa toàn tuyến kè này khoảng 27 tỷ đồng.
Nhiều điểm trên tuyến kè bị sạt lở nghiêm trọng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, UBND tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng TP Hội An làm việc với các đơn vị tư vấn có kinh nghiệm, có năng lực chuyên môn về đê kè và các công trình thủy để nghiên cứu xử lý. Trước mắt, tỉnh sẽ xử lý sạt lở, sụt lún cát ở tuyến kè. Còn lâu dài phải thực hiện các giải pháp tạo bãi, rồi làm các mỏ hàng nuôi bãi để giữ ổn định vùng bờ, giảm năng lượng sóng khi vào đến bờ kè.
Tại buổi làm việc của UBND tỉnh Quảng Nam với các chuyên gia của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (sáng 20-4), bước đầu đã đưa ra được nguyên nhân khiến sạt lở tuyến kè. Hiện tại, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp chống sạt lở tuyến kè, cả trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, trong lúc chờ giải pháp tổng thể và kinh phí tài trợ từ Ngân hàng phát triển châu Á, tỉnh Quảng Nam đã giao cho các đơn vị tư vấn, nghiên cứu giải pháp cấp thiết chống tình trạng sạt lở và chậm nhất đến ngày 10-5-2018, phải có giải pháp. Sau khi có giải pháp, sẽ tập trung triển khai thi công khẩn cấp để hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2018.