Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ ngày 11/12, các tỉnh Bắc Bộ rét đậm. Vùng núi có nơi từ 4 đến 7oC; vùng núi cao có nơi xấp xỉ 0oC, có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá. Tại các tỉnh miền núi Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, thời tiết lạnh giá. Các tỉnh này đang có tổng đàn đại gia súc khá lớn, là tài sản có giá trị đối với các hộ dân vùng cao. Tính đến tháng 12/2021, ba tỉnh có tổng đàn trâu, bò, ngựa hơn 359 nghìn con, trong đó, Cao Bằng hơn 200 nghìn con, Thái Nguyên có hơn 89 nghìn con, Bắc Kạn có gần 70 nghìn con.
Những vùng được coi là “rốn rét”, tập trung số lượng đàn đại gia súc lớn, như các huyện Pác Nặm, Ba Bể, Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn); Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng); Phú Lương, Định Hóa, Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên)... Thời tiết còn kèm mưa nhỏ những ngày qua là nguyên nhân dễ gây cước chân, đe dọa tính mạng của đàn đại gia súc. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) Hoàng Văn Ngôn cho biết, huyện có tổng đàn đại gia súc hơn 17 nghìn con. Trong đó, số gia súc nguy cơ bị đói, rét nhiều là ở các thôn vùng cao, xa trung tâm, địa hình chia cắt, thiếu ruộng nước, nên người dân không có rơm để tích trữ làm thức ăn cho gia súc.
Huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng), nơi có đỉnh Phja Oắc, Phja Đén thường xuyên có băng giá vào mùa đông cũng đang nhiều nỗi lo. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyên Bình, Hoàng Thị Hòa cho biết, qua công tác kiểm tra đầu tháng 12, còn một số hộ lơ là, chủ quan, che chắn chuồng trại chưa đúng hướng dẫn, vẫn còn hộ thả rông trâu, bò khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp. Đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện triển khai các đoàn kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các hộ chăn nuôi khắc phục tình trạng này.
Ngay từ tháng 10, các tỉnh đã sớm ban hành phương án phòng, chống đói rét cho đàn gia súc. Các địa phương, đơn vị tiếp tục cụ thể hóa thành các giải pháp cụ thể. Trọng tâm là vận động người dân thu gom phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ; thân, lá cây ngô, ngọn lá mía, dây khoai lang, lá sắn, cây lạc… làm thức ăn cho trâu, bò. Hướng xử lý, chế biến để dự trữ và nâng cao giá trị dinh dưỡng của thức ăn; tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng; gia cố, che chắn chuồng trại. Thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc-xin định kỳ, vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại, các hộ nên sử dụng các loại vật liệu, như: bạt, bao tải, tấm ni-lông... để che chắn chuồng trại, giữ nền chuồng sạch và khô ráo. Khi nhiệt độ xuống dưới 12oC, nên đưa trâu, bò vào nơi nuôi nhốt, bổ sung thức ăn là tinh cám ngô, sắn, gạo; dùng chăn cũ, bao tải đay cuốn quanh cơ thể gia súc để giữ ấm; sử dụng củi, trấu để đốt sưởi.
Ông Hoàng Mạnh Công, xóm Chảo, xã Động Đạt, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) cho biết: Gia đình tôi luôn duy trì từ năm đến bảy sào cỏ Vie-06, hơn 40 khóm chuối và hai sào ngô đông làm thức ăn cho bò trong mùa đông, hằng ngày, thu hoạch về băm nhỏ, trộn với cám ủ chua cho bò ăn no, uống đủ nước. Khi rét đậm xuất hiện từ ngày 27/12, tôi dùng bạt quây kín chuồng để giữ ấm, nên bò vẫn sinh trưởng, phát triển tốt.
Những ngày rét đậm này, UBND xã Động Đạt dùng hệ thống loa truyền thanh đã được lắp đặt đến tất cả 20 xóm để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp chống đói, rét cho gia súc.
Trong thời tiết giá rét 6oC, bà La Thị Sỹ, xóm Tân Thịnh, xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) đang khoác “áo” chống rét cho con bê 3 ngày tuổi. Bà Sỹ chia sẻ: “Đàn trâu, bò là tài sản lớn, nên khi trời rét đậm, sáng nào tôi cũng nấu cháo ngô, cho trâu, bò ăn; che chắn kỹ chuồng, vệ sinh nền chuồng khô, ráo. Gia đình còn trồng cỏ voi và giữ lại 3.000 m2 cây ngô đã hái bắp để chủ động nguồn thức ăn cho trâu, bò”.
Từ đầu tháng 12, ngành chức năng, chính quyền các huyện của ba tỉnh bắt đầu triển khai kiểm tra công tác phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc. Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Thái Nguyên, Lê Thị Quỳnh Hương cho biết: “Các đoàn công tác xuống tận xóm, thôn, bản kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc phòng, chống đói, rét cho gia súc. Qua đó đánh giá ý thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa được nâng lên rõ rệt. Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng các tổ công tác của các huyện, xã bám sát địa bàn, đến từng gia đình đôn đốc, hỗ trợ, giúp đỡ người dân che chắn chuồng trại kín gió, hướng dẫn kỹ thuật dự trữ, chế biến thức ăn cho gia súc, đồng thời giám sát chặt chẽ dịch bệnh, không để gia súc chết đói, chết rét do chủ quan”.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động, chính quyền các địa phương còn huy động, hỗ trợ giúp nhân dân chống rét cho đại gia súc. Từ đầu năm 2021, Huyện đoàn Pác Nặm (Bắc Kạn) đã huy động nhiều nguồn lực và đóng góp kinh phí để mua gần 4.000 m2 bạt giúp gần 100 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn che chắn chuồng trại, chống rét cho trâu, bò. Tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo các huyện, thành phố rà soát, cập nhật tổng hợp các hộ chăn nuôi có nguy cơ ảnh hưởng của rét đậm, rét hại để lên phương án hỗ trợ. Tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo UBND các huyện hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, gia đình bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19, gia đình chính sách, dân tộc thiểu số gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho vật nuôi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, UBND tỉnh yêu cầu cơ quan chuyên môn, địa phương chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và đề xuất các biện pháp, giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh phù hợp với điều kiện thực tiễn sản xuất.