Sạt lở làm mất đất, mất nhà của người dân
Gần 10 năm qua, gia đình ông Mai Văn Tia, ngụ xã Bảo Thuận (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) đã phải 3 lần di dời nhà để “chạy” sạt lở. Từ diện tích đất hơn 10.000m2, giờ gia đình ông chỉ còn khoảng 1.000 m2 và có nguy cơ bị cuốn trôi xuống biển do sạt lở.
Ông Tia cho biết: “Trước đây khu vực này không bị sạt lở nên người dân sống bằng nghề trồng hoa màu trên giồng cát ven biển. Tuy nhiên, thời gian gần đây liên tục bị sạt lở làm mất nhà, không còn đất canh tác nên người dân phải đi làm thuê, làm mướn sinh sống. Gia đình tôi cố bám trụ lại vì không còn chỗ khác để di dời”.
Tại khu vực biển Cồn Ngoài (ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận) dài khoảng 12km, do tác động của biến đổi khí hậu nên thời gian gần đây xuất hiện nhiều điểm sạt lở. Theo thống kê, hiện tại có 3 điểm sạt lở với chiều dài khoảng 5km, ăn sâu vào đất liền hàng trăm mét.
Sạt lở khu vực Cồn Ngoài (xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). |
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bảo Thuận, Khổng Minh Tặng, cho biết, ấp Thạnh Hải có 68 hộ dân, trong đó 31 hộ bị ảnh hưởng bởi sạt lở bờ biển, nhiều nhà dân phải di dời vào đất liền.
Trung bình hằng năm, biển xâm thực vào đất liền khoảng 100m. Đến nay, người dân đã mất 21ha đất sản xuất. Chính quyền địa phương chỉ vận động người dân làm kè tạm để bảo vệ tài sản, đất đai và rất mong muốn nhà nước sớm đầu tư làm bờ kè kiên cố để bảo vệ tài sản của người dân.
Gia đình ông Mai Văn Tia (ngụ xã Bảo Thuận) phải 3 lần di dời nhà do sạt lở bờ biển. |
Tại tỉnh Tiền Giang, tình trạng sạt lở đê biển, bờ sông, kênh rạch có xu hướng ngày một gia tăng về số lượng, quy mô và cả tốc độ. Những ngày gần đây, mưa to kết hợp với triều cường tiếp tục gây sạt lở bờ kênh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Nghiêm trọng nhất là đoạn sạt lở lớn ven kênh Ba Rài thuộc ấp Hội Trí (xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy) làm 20m đường bị sụp xuống kênh, giao thông qua tuyến đường này bị ách tắc.
Tình hình sạt lở khu vực này đang có nguy cơ tiếp diễn khi triều cường dâng cao. Mới đây, tại xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cũng xảy ra đoạn sạt lở dài 20m, lấn sâu hơn 5m, hở hàm ếch, xoáy sâu vào tuyến đường chính, gây ảnh hưởng nghiêm trọng giao thông của người dân qua khu vực.
Ông Nguyễn Minh Cảnh (ngụ xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy) cho biết, tuyến đường cặp kênh Ba Rài được xem là tuyến giao thông quan trọng của xã. Mỗi ngày, người dân trong và ngoài khu vực qua lại rất nhiều. Việc vận chuyển hàng hóa, trái cây của người dân qua các điểm sạt lở gặp nhiều khó khăn. Những nơi sạt lở lớn, người dân phải đi vòng, tốn nhiều thời gian. Chính quyền địa phương vừa gia cố đoạn này thì lại sạt lở đoạn khác.
Theo Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, Nguyễn Thị Lạc, thời gian qua, tình hình sạt lở diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người dân. Cụ thể, trong năm 2021 có 52 điểm sạt lở và từ đầu năm 2022 đến nay có 18 điểm sạt lở. Nguyên nhân sạt lở do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự thay đổi của dòng chảy…
Tập trung khắc phục sạt lở
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, hiện nay, trên địa bàn các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và thị xã Cai Lậy xảy ra 93 điểm sạt lở với chiều dài 4.195m, cần khoảng 69 tỷ đồng để khắc phục. Trong đó, 52 điểm sạt lở lớn và nguy hiểm vượt quá dự phòng ngân sách cấp huyện cần phải được xử lý khẩn cấp để bảo vệ vườn cây ăn trái, tính mạng, tài sản của người dân.
Các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đang trình Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang xem xét, chi hơn 51 tỷ đồng xử lý các điểm sạt lở cấp thiết này. Đối với 41 điểm sạt lở vừa và nhỏ các huyện, thị xã thì sử dụng nguồn dự phòng ngân sách cấp huyện để xử lý.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đã đề ra nhiều biện pháp như: thực hiện tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng dân cư nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc phòng ngừa sạt lở; trồng lục bình, cây chắn sóng, trồng cỏ dọc bờ kênh, rạch để hạn chế sạt lở…
Đồng thời, địa phương chủ động huy động các nguồn lực để xử lý sạt lở, trong đó, các giải pháp di dời nhà ở, di dời công trình… ưu tiên thực hiện để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Còn tại tỉnh Bến Tre, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài 138km. Trong đó, sạt lở bờ sông có 104 điểm với chiều dài 118,2km; sạt lở bờ biển có 8 điểm với chiều dài 19,4km. Trung bình hằng năm biển lấn sâu vào trong đất liền từ 10 đến 15m làm mất 120ha đất và 100ha rừng phòng hộ ven biển.
Tỉnh Bến Tre được đầu tư xây dựng bờ kè kiên cố tại khu vực bờ biển Ba Tri. |
Ông Nguyễn Văn Điền, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre cho biết, tỉnh có chiều dài bờ biển 65km, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nước biển xâm thực làm mất đất, thiệt hại hoa màu, ảnh hưởng đời sống của người dân.
Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp kè mềm, kè cứng để khắc phục sạt lở tại các địa phương ven biển. Tại khu vực Cồn Ngoài, Trung ương đã hỗ trợ tỉnh xây dựng hoàn thành hơn 1,2km/5km kè cứng chống sạt lở. Hiện còn hơn 3,8km bờ biển nơi đây đang bị sạt lở chưa được đầu tư làm kè.
Tỉnh Bến Tre đầu tư xây dựng kè mềm tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. |
Ban đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ kinh phí khoảng 100 tỷ đồng để triển khai xây dựng đoạn kè còn lại nhằm khắc phục sạt lở bờ biển, khép kín tuyến kè đã được đầu tư trước đó để tăng khả năng, hiệu quả ngăn sạt lở, bảo vệ lâu dài.