Khẩn trương giải quyết bất cập ở khu Ký túc xá Thăng Long (Hà Nội)

Suốt hàng chục năm sau khi chính thức hoạt động, khu Ký túc xá Thăng Long (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn trong tình trạng nhập nhèm trong công tác quản lý và sử dụng. Nhiều căn hộ được các chủ đầu tư bán trái quy định hoặc sử dụng sai mục đích; ban quản lý không kiểm soát được nhân khẩu, hộ khẩu của toàn bộ cư dân; cư dân không được đăng ký tạm trú và thường trú; công tác phòng cháy không được kiểm soát; tình trạng xuống cấp về hạ tầng xảy ra ở mức độ đáng lo ngại...
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều bất cập trong quản lý, vận hành hoạt động tại khu Ký túc xá Thăng Long.
Nhiều bất cập trong quản lý, vận hành hoạt động tại khu Ký túc xá Thăng Long.

Dự án khu Ký túc xá sinh viên do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Thăng Long (Công ty Thăng Long) làm chủ đầu tư được UBND thành phố Hà Nội cho phép nghiên cứu, lập dự án tại Văn bản số 2853/UB-KH&ĐT ngày 13/11/1998 và chấp thuận cho phép đầu tư xây dựng tại Quyết định số 6994/QĐ-UB ngày 15/12/2000. Tổng diện tích đất thực hiện Dự án là 8.553m2, bao gồm các hạng mục chính: Xây dựng 4 tòa nhà ký túc xá (5 tầng); 3 tòa nhà ký túc xá kết hợp dịch vụ (3 tầng); hệ thống đường giao thông, điện, trạm cấp và xử lý nước nội bộ cùng với khuôn viên cây xanh...

Trong quá trình triển khai, chủ đầu tư đã hợp tác với một đơn vị khác là Công ty Sông Đà 1 (chủ đầu tư thứ phát) và đã bàn giao 514 m2 đất trong dự án cho đơn vị này để xây dựng 2 tòa nhà 10 tầng. Cho đến nay, toàn bộ khu ký túc xá đang vận hành hoạt động 12 tòa nhà với nhiều công năng khác nhau. Trong đó, chỉ có 2 tòa nhà (tổng số 56 căn hộ) là hoạt động đúng chức năng cho sinh viên thuê. Các khu nhà còn lại, bên cạnh diện tích sử dụng cho hoạt động văn phòng, kinh doanh, sinh hoạt cộng đồng... đều đã được bàn giao cho các nhà đầu tư (thực chất là các cá nhân mua để ở thông qua hình thức góp vốn xây dựng).

Riêng 2 tòa nhà 10 tầng trên diện tích 514m2 đã bàn giao lại cho Công ty Sông Đà tự quản lý. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện có 193 căn hộ tại các tòa nhà A1, A2, A3, A4, A5, B1, B2, B4, B5, B6 chủ đầu tư đã bàn giao cho các hộ dân sử dụng. Nhiều hộ dân sinh sống tại đây cũng không phải là những nhà đầu tư góp vốn từ ban đầu mà đã mua bán qua nhiều chủ sở hữu khác nhau. Sau hơn 20 năm chính thức hoạt động, toàn bộ khu Ký túc xá Thăng Long với các tòa nhà chung cư, văn phòng, mặt bằng kinh doanh và dịch vụ đã xuất hiện tình trạng xuống cấp cục bộ. Có tòa nhà có dấu hiệu không bảo đảm an toàn phòng cháy; công tác bảo đảm an ninh trật tự cũng bị buông lỏng…

Không chỉ Ban quản lý khu ký túc xá mà cả chính quyền địa phương cũng không nắm được nhân thân của hàng trăm nhân khẩu, hộ khẩu đang cư trú tại 2 tòa nhà nêu trên. Do không đúng thành phần được ở ký túc xá cho nên những người dân ở đây không được đăng ký tạm trú tại địa bàn. Họ không được hưởng bất kỳ chính sách gì dành cho công dân địa phương. Nhiều trẻ em đến tuổi đến trường hoặc chuyển cấp phải đi tìm khắp nơi để xin học; có những người nghỉ hưu lên ở với con cháu cũng không thể chuyển bảng lương cũng như các sinh hoạt khác về địa bàn...

Tại Kết luận thanh tra số 409/KL-TTTP (P3) ngày 12/3/2007 của Thanh tra thành phố Hà Nội, Dự án khu Ký túc xá Thăng Long tồn tại nhiều vi phạm. Cụ thể, chủ đầu tư là Công ty Thăng Long chưa làm đủ thủ tục theo quy định của Luật Công ty năm 1991; Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2003 và Điều lệ Công ty; thay đổi thành viên sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan chức năng; trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư đã giao đất cho chủ đầu tư thứ phát thu tiền chênh lệch đồng thời chuyển giao 139 căn hộ cho nhà đầu tư sử dụng làm nhà ở là sai mục đích và trái với quy định tại dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Đối với chủ đầu tư thứ phát (Công ty Sông Đà 1) có vi phạm khi đã huy động vốn từ nhà đầu tư thu tiền chênh lệch; để nhà đầu tư mua bán, sử dụng căn hộ không đúng mục đích...

Kết luận cũng chỉ rõ, việc chủ đầu tư không thực hiện đúng mục tiêu, mục đích của Dự án khu Ký túc xá Thăng Long đã vi phạm quy định tại khoản 11 Điều I Quyết định 6994/QĐ-UB ngày 15/12/2000 của UBND thành phố Hà Nội, đã làm thay đổi cơ bản mục đích sử dụng đất, gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách. Trên cơ sở đó, Kết luận kiến nghị UBND thành phố yêu cầu Công ty Thăng Long hoàn thiện các thủ tục thay đổi bổ sung sáng lập viên, tổ chức công ty; các chủ đầu tư thu hồi các quyết định bàn giao căn hộ cho nhà đầu tư; nộp vào ngân sách các khoản tiền thu trái quy định...

Tuy nhiên, cho đến nay, Công ty Thăng Long chỉ hoàn thiện báo cáo về thay đổi sáng lập viên và tổ chức bộ máy lãnh đạo công ty. Chủ đầu tư thứ phát (Công ty Sông Đà 1) gần như không thực hiện trách nhiệm gì đối với 2 tòa nhà (B4, B5) do đơn vị này quản lý cũng như cư dân sinh sống tại đó. Việc thu hồi các quyết định bàn giao nhà như Kết luận kiến nghị cũng chưa được thực hiện. Công tác quản lý, vận hành cũng như bảo đảm phòng cháy, an ninh trật tự, an sinh xã hội còn nhiều bất cập.

Cho đến năm 2022, sau khi chủ đầu tư là Công ty Thăng Long hoàn thiện cơ cấu tổ chức (sau 17 lần thay đổi), Ban lãnh đạo mới của đơn vị này mới tiến hành kiểm tra, rà soát những vấn đề Kết luận Thanh tra nêu cũng như những bất cập đang tồn tại ở khu ký túc xá. Ông Nguyễn Quang Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết: Sau khi rà soát, hiện trạng sử dụng các căn hộ ở khu ký túc xá không có sự thay đổi so với Kết luận Thanh tra. Cho đến nay, dự án vẫn chưa được nghiệm thu hoàn công và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Toàn bộ 193 căn hộ đã bàn giao cho nhà đầu tư nên chúng tôi không có căn cứ làm việc với các hộ dân. Trong khi đó, nhiều hộ dân đang sinh sống cũng không phải nhà đầu tư ban đầu mà đã đổi qua nhiều chủ. Thậm chí, còn có dấu hiệu một số đối tượng “nhảy dù” chiếm dụng căn hộ trái phép...

Theo ông Đảm Đức Tâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thăng Long, đơn vị này không nắm được nhân thân, số lượng, lai lịch... của khoảng 1/3 cư dân hiện đang sống tại ký túc xá. “Chúng tôi đã gửi văn bản lên cơ quan chức năng và chính quyền địa phương về thực trạng khu ký túc xá và đề nghị có văn bản hướng dẫn phương án giải quyết, nhưng cho đến nay không có cơ quan nào phản hồi”, ông Tâm cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết: Công ty Thăng Long có văn bản gửi Sở Xây dựng đề nghị hướng dẫn phương án xử lý, tuy nhiên, đơn vị không gửi kèm tài liệu liên quan. Mặt khác, do đơn vị chưa khắc phục các vi phạm như nội dung Kết luận thanh tra cho nên Sở không có cơ sở để hướng dẫn.

Đối với các nội dung bảo đảm quyền lợi cho các hộ dân hiện đang sinh sống tại khu ký túc xá, chúng tôi cũng đã đặt lịch làm việc với UBND quận Cầu Giấy. UBND quận đã giao cho UBND phường Dịch Vọng Hậu làm việc với phóng viên. Khi chúng tôi liên hệ với UBND phường Dịch Vọng, lãnh đạo đơn vị này cho biết chưa nắm được nội dung làm việc và đề nghị được lùi thời gian cung cấp thông tin.

Hiện nay, cả chủ đầu tư và cư dân khu Ký túc xá Thăng Long đều phải “kêu cứu” các cơ quan chức năng để tìm hướng giải quyết thực trạng hàng trăm hộ dân phải sống tạm bợ gữa Thủ đô.