Chính sách kịp thời, nhân văn
Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định cụ thể điều kiện người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương ngừng việc, trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất, kinh doanh cùng mức cho vay, thời hạn cho vay, thời hạn giải ngân, hồ sơ, trình tự, thủ tục vay vốn…
Nhìn nhận về chính sách này, các doanh nghiệp đánh giá cao một số điểm mới trong quy định. Đơn cử như quy định cho vay không có tài sản bảo đảm với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động sẽ giúp nhiều doanh nghiệp vượt khó trong bối cảnh dịch bệnh. Theo anh Võ Hoài Nam, Giám đốc một công ty du lịch có trụ sở chính tại Hà Nội, đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát trở lại vào đúng kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 đã làm ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của doanh nghiệp, khi hầu hết khách hủy tour trong cả tháng 5 và đầu tháng 6-2021. “Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, chúng tôi đã kịp thời xoay chuyển để lên kế hoạch “sống chung với dịch”, đưa hoạt động du lịch trở lại theo một phương thức mới, vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch vừa đáp ứng nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, hoạt động của công ty vẫn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó đáng kể là chi phí nhân sự. Vì vậy khi nghe tin được vay với lãi suất 0% và không cần tài sản bảo đảm, tôi tin tưởng chính sách này của Chính phủ sẽ hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay” - anh Võ Hoài Nam chia sẻ.
Chị Bùi Hoài Thu, Giám đốc Công ty chuyên tổ chức sự kiện Phố Hoa (Hà Nội) cũng chia sẻ, công ty cũng đang chịu sức ép khá lớn về việc trả lương cho người lao động. Do đó, chị Thu nhìn nhận chủ trương cho vay lãi suất 0% và không cần tài sản bảo đảm để trả lương cho người lao động là đúng đắn và cấp thiết. Đồng thời bày tỏ mong muốn gói hỗ trợ sớm được triển khai để các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 sớm được tiếp cận.
Khẩn trương giải ngân gói 7.500 tỷ đồng
Theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, các thủ tục hành chính thực hiện chính sách đều được đơn giản hóa và rút ngắn tối đa thời gian giải quyết hồ sơ.
Cụ thể, theo Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, nếu gói 62.000 tỷ đồng trước đây (theo Nghị quyết 42) có những tiêu chí chặt chẽ, nhiều thủ tục, thời gian xem xét, có khi phải đợi cả tháng, nhanh cũng phải 10 ngày. Nhưng nay với Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg vừa ban hành sẽ rút ngắn thời gian chỉ còn 4 ngày xét thủ tục và thêm 3 ngày để giải ngân. Tức là tối đa 7 ngày có thể tiền hỗ trợ sẽ đến tay người dân. Ngoài ra, đối với việc hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, mức cho vay vốn cao hơn mức hỗ trợ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ. Trình tự, thủ tục thực hiện chính sách này được kế thừa việc thực hiện theo quy định tại Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời điều chỉnh việc thực hiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính và thời gian thực hiện. Tuy nhiên bỏ điều kiện chứng minh về doanh thu hoặc tài chính của doanh nghiệp, không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trao đổi với phóng viên, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Huỳnh Văn Thuận cho biết, ngay sau khi Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg được ban hành, ngày 8/7/2021, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai ngay chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. “Việc triển khai này chúng tôi nhằm nhanh chóng đưa chính sách đi vào cuộc sống, một cách nhanh nhất, chính xác và hiệu quả; trên tinh thần “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”” - ông Huỳnh Văn Thuận nhấn mạnh.
Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội cũng nêu rõ, theo quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nguồn vốn để Ngân hàng Chính sách xã hội cho người sử dụng lao động vay là 7.500 tỷ đồng từ nguồn vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Khi nhận được nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ thực hiện giải ngân ngay cho người sử dụng lao động đủ điều kiện theo quy định để giúp họ khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất, góp phần phục hồi kinh tế.
Trên thực tế, trong quy định của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, tất cả các điều kiện vay vốn, đối tượng vay vốn và quy trình thủ tục, các mẫu biểu chủ sử dụng lao động phải nộp… đã rất cụ thể, rõ ràng, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ căn cứ vào các quy định đó để thực hiện. Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Huỳnh Văn Thuận khẳng định “Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ thực hiện các quy định cho vay trên tinh thần thủ tục ngắn gọn nhất để nhanh chóng giúp người sử dụng lao động đủ điều kiện tiếp cận được gói hỗ trợ này”.
Có thể thấy, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là đợt dịch bùng phát lần thứ tư tấn công vào khu công nghiệp, khu chế xuất và ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, khiến hàng nghìn doanh nghiệp điêu đứng. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp đều mong muốn chính sách hỗ trợ của Chính phủ về cho vay với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất nhanh chóng đi vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp đủ sức vực dậy, phục hồi sản xuất.