Khẩn trương dọn dẹp trường lớp, bảo đảm việc dạy và học

Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ lớn sau bão khiến nhiều khu vực trên địa bàn ở các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình ngập lụt, chia cắt với bên ngoài. Nhiều trường học bị ngập úng, học sinh không thể đến trường, gây gián đoạn việc dạy và học. Trước tình hình đó các cấp, ngành tại các địa phương đã khẩn trương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khắc phục hậu quả mưa, bão, bảo đảm việc dạy và học.
Giáo viên Trường THCS Lạc Vân, xã Lạc Vân, huyện Nho Quan dọn dẹp vệ sinh sẵn sàng đón học sinh trở lại trường.
Giáo viên Trường THCS Lạc Vân, xã Lạc Vân, huyện Nho Quan dọn dẹp vệ sinh sẵn sàng đón học sinh trở lại trường.

Tích cực vệ sinh trường lớp

Trong đợt mưa lũ vừa qua, toàn tỉnh Hà Nam có sáu trường mầm non, 12 trường tiểu học, 12 trường trung học cơ sở và ba trường trung học phổ thông bị ảnh hưởng, ngập sâu trong nước lũ, khiến 14.486 học sinh phải nghỉ học tạm thời từ 5-12 ngày. Trong đó, huyện Thanh Liêm có số trường bị ngập lụt nhiều nhất 10 trường và huyện Kim Bảng chín trường.

Những ngày qua, việc khắc phục hậu quả thiên tai nói chung, việc vệ sinh trường lớp nói riêng được các trường học trên địa bàn tỉnh Hà Nam khẩn trương thực hiện với phương châm bảo đảm an toàn mới cho học sinh trở lại lớp học.

Là một trong 10 trường bị ngập lụt ở huyện Thanh Liêm, Trường mầm non xã Thanh Nghị sau một tuần chìm trong bùn nước, đến nay, nước đã bắt đầu rút nhưng tất cả phòng học, bàn ghế bị bùn phủ dày đặc. Để sớm đón học sinh trở lại học tập, Ban Giám hiệu nhà trường huy động tất cả thầy cô và lực lượng chức năng đến dọn dẹp, vệ sinh, khử khuẩn trường lớp.

Cô Phạm Thị Huệ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ chiều 16/9, khi nước rút dần, Ban Giám hiệu đã huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên có mặt cùng các đơn vị chức năng tổng vệ sinh trường, lớp. Các thầy cô ưu tiên việc làm ngay, gác lại việc dọn dẹp của gia đình để tổng vệ sinh trường học, sớm đón học sinh trở lại trường.

Nhà trường tiến hành thau bể nước ngầm (là nguồn nước sạch đã bị ngập nước nhiều ngày) bảo đảm khi học sinh quay trở lại học có nước sạch để sử dụng. Ban Giám hiệu nhà trường đã liên hệ với Trạm Y tế xã Thanh Nghị đến khử khuẩn phòng học và đồ dùng học tập bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B. Đến thời điểm hiện tại, công việc vệ sinh phòng học đã cơ bản hoàn tất.

Theo báo cáo từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Liêm, huyện là địa phương chịu ảnh hưởng bão lũ dài ngày nhất tỉnh Hà Nam. Do nước sông Đáy lên cao trên mức báo động 3 hơn 1m kéo dài trong nhiều ngày, lại xuống chậm hơn các sông khác, đã có 10 trường học bị ngập sâu, tập trung ở năm xã và thị trấn vùng Tây Đáy của huyện khiến khoảng 5.000 học sinh phải nghỉ học từ 6-12 ngày.

Ông Đỗ Văn Bính, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Liêm cho biết: Phòng chỉ đạo các nhà trường nước đã rút, tranh thủ trời nắng, huy động lực lượng tiến hành tổng dọn vệ sinh trường lớp, kiểm tra hệ thống điện, thau rửa nguồn nước.

Với mong mỏi sớm đưa các em học sinh quay lại trường học, ngành giáo dục tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các nhà trường, nước rút đến đâu các nhà trường tập trung huy động các lực lượng tích cực dọn vệ sinh trường lớp; bảo đảm điều kiện cần thiết để việc dạy và học trở lại bình thường. Đến ngày 23/9, các trường bị ngập lụt sau đợt mưa bão vừa qua trên địa bàn tỉnh đã đón học sinh trở lại học tập.

Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam cho biết: Sở đã ban hành các văn bản gửi tới các cơ quan, đơn vị, trường học trong ngành giáo dục để hướng dẫn, chỉ đạo việc tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão, chủ động tổ chức dạy và học trong điều kiện thời tiết bất thường.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chỉ đạo các cơ sở giáo dục thống kê tình hình thiệt hại về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, sách giáo khoa và đồ dùng học tập của nhà trường và học sinh; rà soát, lập danh sách các học sinh hoàn cảnh khó khăn để có phương án hỗ trợ sách giáo khoa, các điều kiện cần thiết khác để học sinh yên tâm đến trường...

Khẩn trương dọn dẹp trường lớp, bảo đảm việc dạy và học ảnh 1

Trường mầm non Gia Thịnh, huyện Gia Viễn bị ngập nặng.

Bảo đảm an toàn cho thầy và trò

Tại Trường trung học cơ sở Lạc Vân, xã Lạc Vân, huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình), năm học này nhà trường có 285 học sinh. Từ ngày 11/9, hoàn lưu bão số 3 với lượng mưa lớn khiến mực nước ngoài đê Hoàng Long dâng cao, 150 học sinh của trường sinh sống ở bốn thôn ngoài đê bị ngập sâu trong nước và bị cô lập. Nhà trường đã nhanh chóng có phương án cho học sinh nghỉ học theo sự chỉ đạo của ngành giáo dục để bảo đảm an toàn và chủ động di dời toàn bộ tài sản, phương tiện dạy học.

Cô Đinh Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Lạc Vân cho biết, ngày 12/9 nước tiếp tục dâng cao tràn vào trường, có nơi trong trường ngập sâu gần 1m. Những ngày qua, nhà trường bám sát diễn biến của nước lũ để chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch dạy bù cho học sinh bảo đảm kế hoạch học tập của năm học khi đón học sinh quay lại trường.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nho Quan Phạm Văn Khương cho biết, khi nước rút, phòng yêu cầu các nhà trường bảo đảm các điều kiện an toàn cho việc đi lại của học sinh và công tác tổ chức dạy và học; bám sát tình hình ngập lụt, nếu thời gian phải nghỉ học kéo dài, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến. Những đơn vị có học sinh phải nghỉ học do mưa lũ, lên phương án kèm cặp, dạy bù cho học sinh.

Tại huyện Gia Viễn, một số cơ sở trường học thuộc khu vực ngoài đê sông Hoàng Long trên địa bàn xã Gia Thịnh bị ngập sâu trong nước, ngành giáo dục của huyện khẩn trương khắc phục sự cố; theo dõi sát sao các cơ sở giáo dục, nhất là các cơ sở giáo dục bị ngập và thiệt hại nặng.

Đồng thời, thường xuyên liên lạc với phụ huynh học sinh, thông báo nghỉ học và khi nhà trường hoạt động trở lại; gia đình thực hiện tốt các biện pháp trông giữ, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ trong thời gian nghỉ tại nhà.

Ông Đinh Văn Phụng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Viễn cho biết, do ảnh hưởng của mưa lũ, có hai cơ sở giáo dục trên địa bàn thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh bị ngập nặng, khiến nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và nhiều hạng mục khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại hơn 400 triệu đồng. Phòng đã yêu cầu các nhà trường kiểm tra lại hệ thống điện, cửa kính, đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị dạy học, đồ dùng bếp ăn, vệ sinh lớp học khi nước rút dần.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình ban hành công văn yêu cầu các đơn vị chủ động ứng phó với cơn bão; đồng thời, khẩn trương khắc phục hậu quả do bão gây ra, dọn dẹp vệ sinh môi trường, kiểm tra lại hệ thống lưới điện và các thiết bị trước khi sử dụng, có giải pháp khắc phục cây xanh bị gió bão làm nghiêng hoặc bị đổ gây mất an toàn.

Trong trường hợp đặc biệt, chưa bảo đảm điều kiện an toàn để học sinh trở lại trường thì các đơn vị báo cáo xin ý kiến cơ quan quản lý trực tiếp và cấp ủy, chính quyền địa phương để có phương án tiếp tục cho học sinh nghỉ học.

Để bảo đảm việc học tập của học sinh theo đúng chương trình, thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện tốt kế hoạch phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm nay; rà soát toàn bộ các trường, các điểm trường ở các vùng khó khăn có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ, chủ động xây dựng phương án tổ chức sinh hoạt, học tập cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Đối với trẻ nhỏ khi không thể đến trường, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình trong việc hướng dẫn chăm sóc nuôi dưỡng bảo đảm an toàn; đối với học sinh các cấp học cần tập trung xây dựng kế hoạch triển khai dạy học trực tuyến đi đôi với việc hướng dẫn học sinh tự học ở nhà.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình Phan Thành Công cho biết, trong đợt này, tỉnh có 86/477 cơ sở giáo dục đã chủ động cho học sinh nghỉ học đến khi nước rút, trong đó có 64 trường phải cho tất cả học sinh nghỉ học, 22 trường có một bộ phận học sinh phải nghỉ học.

Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Lĩnh, Phó Trưởng khoa Sức khỏe môi trường-Y tế trường học (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình) cho biết, để bảo đảm sức khỏe, an toàn cho học sinh khi quay trở lại trường học, đơn vị đã cử cán bộ phụ trách công tác y tế trường học tại các địa phương để hướng dẫn trực tiếp quá trình dọn dẹp, vệ sinh môi trường, khử khuẩn trong và sau mưa lũ; tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh; cấp phát Cloramin B; củng cố hệ thống y tế học đường, kiểm tra chất lượng nước sinh hoạt tại các nhà trường.

Năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 477 cơ sở giáo dục, với hơn 264.000 học sinh các cấp từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông. Ngoài việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học để phục vụ năm học mới, vấn đề bảo đảm an toàn cho học sinh được tỉnh Ninh Bình đặt lên hàng đầu.

Những giải pháp thiết thực trong việc phòng chống tai nạn, bảo đảm an toàn cho học sinh trong mùa mưa bão sẽ giúp ngành giáo dục giảm những thiệt hại khi có mưa bão xảy ra, qua đó, góp phần ổn định, tránh xáo trộn việc dạy và học tại các cơ sở giáo dục.