“Khan chỗ, cháy vé” tàu xe dịp cao điểm Tết

Chỉ còn hơn 20 ngày nữa, cả nước sẽ bước vào kỳ nghỉ lễ có ý nghĩa quan trọng nhất đối với người lao động và thời gian nghỉ kéo dài nhất trong năm - Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Đến thời điểm này, theo đánh giá của các cơ quan quản lý, tình hình vận tải, tàu xe tương đối “nóng” do vé tàu xe ở nhiều chặng đã khan chỗ và giá tăng từng ngày.
0:00 / 0:00
0:00
Bến xe Nước Ngầm sẵn sàng phục vụ hành khách dịp cao điểm Tết Nguyên đán.
Bến xe Nước Ngầm sẵn sàng phục vụ hành khách dịp cao điểm Tết Nguyên đán.

Các đơn vị vận tải hàng không, đường bộ và đường sắt đang rà soát, tính toán để lên phương án tăng chuyến, nối toa, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân một cách tốt nhất.

Hàng không tăng tần suất bay đêm

Ngày 16/1, Vietnam Airlines Group (gồm các hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) thông báo tiếp tục tăng thêm hơn 66.200 ghế, tương đương hơn 310 chuyến bay nội địa trong giai đoạn cao điểm Tết.

Đợt tăng chuyến này nâng tổng số chuyến bay toàn mạng nội địa và quốc tế của Vietnam Airlines Group trong dịp cao điểm Tết lên gần 2,64 triệu ghế, tương đương 12.374 chuyến bay.

Các chuyến tăng cường hầu hết tập trung tại những đường bay “vàng” giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đi Đà Nẵng, Hải Phòng, Quy Nhơn, Huế, Đà Lạt, Cam Ranh, Phú Quốc,... Các chuyến bay vừa phục vụ nhu cầu về nhà đoàn viên, vừa đáp ứng nhu cầu du xuân dịp Tết của hành khách.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tổng số chuyến bay dịp Tết Nguyên đán năm nay dự kiến đạt hơn 34 nghìn chuyến, tăng khoảng 16% so với cùng kỳ Tết năm 2023 và 22% so với lịch bay thường lệ hiện tại; trong đó, chuyến bay nội địa dự kiến đạt hơn 24.500 chuyến, tăng khoảng 28% so với lịch bay nội địa bình thường đang khai thác.

Bên cạnh đó, Cục đã có văn bản chỉ đạo cho phép khai thác các chuyến bay đêm và bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp cao điểm Tết.

Mới đây, hãng hàng không Vietjet đã tiếp nhận bốn tàu bay “thuê ướt” vào đội tàu 103 chiếc của hãng trước đợt cao điểm Tết nhằm mang lại nhiều cơ hội bay với chi phí hợp lý cho khách hàng.

“Khan chỗ, cháy vé” tàu xe dịp cao điểm Tết ảnh 1

Hành khách chờ lấy hành lý tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.

Trong vòng nửa tháng đầu năm 2024, hãng Bamboo Airways cũng đón hai tàu bay Airbus A320 để phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán. Việc bổ sung tàu bay mới cũng như tăng tải khai thác đã truyền tải thông điệp nỗ lực ổn định hoạt động giữa bối cảnh hãng quyết liệt tái cấu trúc.

Hãng hàng không Vietravel Airlines dự kiến cung ứng 132 nghìn chỗ, các chặng bay nội địa tăng hơn 35% số ghế cung ứng so với lịch khai thác ngày thường. Hãng tăng tần suất chặng Thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội thêm ba chuyến/ngày; ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trung bình các chặng bay thuận chiều hiện đạt 93-95%, trong đó chặng Thành phố Hồ Chí Minh-Quy Nhơn/Đà Nẵng vào các ngày cận Tết đạt hơn 97%.

Theo báo cáo sơ bộ của các hãng hàng không, trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán (từ 25/1 đến 24/2/2024, tức từ ngày 15 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng), nhiều đường bay có tỷ lệ đặt vé cao, một số chặng gần như đã kín chỗ.

Dịp Tết Nguyên đán năm nay, hành khách có xu hướng đặt vé bay có ngày khởi hành sớm hơn so các năm trước. Giá vé dịp Tết vẫn mở bán linh hoạt theo tình hình thị trường với đa dạng mức giá và tuân thủ quy định giá trần nội địa.

Các hãng khuyến cáo hành khách cẩn trọng và cảnh giác trước hành vi lừa đảo bán vé máy bay giá rẻ để tránh trường hợp vừa mất tiền vừa vỡ kế hoạch di chuyển dịp Tết.

Giải thích việc giá vé máy bay dịp lễ, Tết đều “neo” ở mức rất cao, Bộ Giao thông vận tải nhận định, giá vé máy bay (cả quốc tế và nội địa) hiện nay thực hiện theo cơ chế linh hoạt với nhiều dải giá từ thấp đến cao, tùy tình hình thị trường (cung-cầu), điều kiện vé, thời điểm xuất vé, chất lượng dịch vụ,…

Bộ cũng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng quy định về kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá, không để xảy ra tình trạng tăng giá vé trái quy định; chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ nhu cầu bay đêm trên các đường bay nội địa.

Xe khách, tàu hỏa đủ năng lực đáp ứng

Trong khi vé máy bay đắt đỏ và khan hiếm thì tàu hỏa những ngày cao điểm cũng ở tình trạng “cháy vé”, nhất là những chặng “nóng” như Hà Nội-Vinh, Hà Nội-Quảng Bình.

Anh Nguyễn Hồng Phương (quê ở Vinh, Nghệ An) cho hay: “Mấy hôm trước, gia đình tôi tìm mua vé tàu về quê trước Tết nhưng thấy đều hết chỗ, đang tính đi xe khách về quê thì nhận được thông tin ngành đường sắt tăng cường thêm tàu về Vinh những ngày cao điểm Tết, tôi lập tức lên đặt mua và may mắn, cả nhà đã có vé tàu về quê”.

Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, đường sắt tăng thêm 3.500 chỗ bổ sung vào các đôi tàu SE1/SE2, SE5/SE6, SE9/SE10, TN3/TN4 chạy tuyến Thống Nhất.

Ngành cũng đang áp dụng nhiều chính sách ưu đãi như giảm giá cho các đối tượng chính sách, đoàn viên công đoàn, sinh viên,… để thu hút khách đi tàu.

Ngành liên tục cập nhật để linh hoạt tăng chuyến tàu khách các cung chặng ngắn như Hà Nội đi Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng và ngược lại, Sài Gòn đi Nha Trang, Phan Thiết, Đà Nẵng và ngược lại…

Riêng dịp Tết, ngành cung ứng khoảng 400 chuyến, với hơn 200 nghìn chỗ, gồm các tàu chiều Thành phố Hồ Chí Minh đi Hà Nội giai đoạn 10 ngày trước Tết và chiều ngược lại 15 ngày sau Tết.

Giá vé toàn tuyến cao nhất khoảng 3 triệu đồng/vé, thấp nhất khoảng 2 triệu đồng/vé. Điểm cộng của đường sắt năm nay là chất lượng, dịch vụ đổi mới mạnh mẽ, nhưng giá vé không tăng nhiều, chỉ tăng nhẹ ngày cao điểm và giảm mạnh ở chiều rỗng, thời gian thấp điểm.

Vận tải đường bộ được dự báo cũng nhộn nhịp và sôi động trong dịp Tết, lượng khách qua các bến xe lớn của Hà Nội như: Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát, Gia Lâm,… tăng khoảng 200-300% so với ngày thường.

Tại bến Giáp Bát, các ngày cao điểm đạt khoảng 18.000 lượt khách/ngày, tăng 300% so ngày thường; dự kiến 950 lượt xe/ngày. Bến Mỹ Đình cũng đạt hơn 18.000 lượt/ngày (hơn 350%), dự kiến hơn 900 lượt xe/ngày,… Thời gian qua, thị phần đường bộ của xe khách liên tỉnh bị chia sẻ mạnh do sự phát triển “bùng nổ” của các loại hình khác như hàng không, đường sắt, xe hợp đồng limousine, xe cá nhân,...

Hiện tại, phương tiện vận tải tại các bến đang hoạt động bình quân khoảng 30-50% hệ số trọng tải phương tiện, vì vậy lượng xe về cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách.

Đến nay, các bến xe ở Hà Nội mới nhận được đề xuất tăng phụ thu chiều rỗng của một vài nhà xe với mức tăng không đáng kể.

Hơn nữa, do kỳ nghỉ Tết kéo dài tới 7 ngày, các đối tượng lao động khác nhau nên khung thời gian di chuyển được phân bổ đều, không dồn dập như các kỳ nghỉ thông thường khác.

Tuy lượng khách qua bến xe những ngày Tết có tăng mạnh nhưng vẫn nằm trong khả năng cung ứng của các doanh nghiệp vận tải liên tỉnh và chắc chắn không xảy ra tình trạng người dân thiếu phương tiện về quê đón Tết.

Dự kiến, lượng xe dự phòng tăng cường cả đợt phục vụ lễ, Tết khoảng 2.500 xe, các tuyến buýt kế cận với tần suất cao cũng giúp giảm tải lượng khách liên tỉnh đi các tuyến ngắn.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, theo kế hoạch, Bến xe miền Tây sẽ phục vụ cao điểm 10 ngày trước và 10 ngày sau Tết; các ngày sát Tết, lượng khách dự kiến tăng rất cao, riêng ngày 28 tháng Chạp ước đạt 62 nghìn lượt khách, tăng 2,4 lần, lượng xe tương ứng 1.950 xe qua bến, tăng khoảng 40% so cùng kỳ. Thống kê của đơn vị quản lý bến, có 2.200 lượt xe phục vụ cao điểm Tết, hoàn toàn đủ năng lực đáp ứng giải tỏa hành khách.

Bến xe miền Đông mới (thành phố Thủ Đức) dự báo, lượng hành khách bắt đầu tăng từ ngày 23 đến 28 tháng Chạp. Trong 20 ngày phục vụ Tết Nguyên đán, bến xe dự kiến đón 106 nghìn lượt khách, với 6.490 lượt xe qua bến, tăng khoảng 20% so với dịp Tết năm trước.

Tại Bến xe miền Tây (quận Bình Tân), do đặc điểm các tuyến có cự ly ngắn, lượng hành khách thường tập trung đi lại vào các ngày sát Tết, dự báo có hơn 30.500 xe và hơn 782 nghìn lượt hành khách qua bến. Giá vé tuyến miền Tây sẽ tăng không quá 40% so với ngày thường, thời gian tăng giá chủ yếu trong sáu ngày cao điểm (bốn ngày trước Tết và hai ngày sau Tết).