Đây là cơn bão đầu mùa, tuy hiện cường độ bão đã có xu hướng giảm, nhưng diễn biến còn phức tạp, có thể đạt cấp cao nhất 11-12, giật cấp 15 trên biển.
Trong những ngày qua, thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và các bộ, ngành, địa phương đã chủ động triển khai các phương án ứng phó, Ban Chỉ đạo đã ban hành các công điện. Tối qua, Thủ tướng đã có Công điện số 564/CĐ-TTg về phòng, chống bão.
Cuộc họp này có sự tham dự của 16 tỉnh, thành phố phía bắc tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, tính đến 6 giờ 30 sáng 2/7, đã hướng dẫn: 59.967 tàu/269.462 người chủ động di chuyển phòng tránh bão, trong đó, đến 12 giờ ngày 1/7, tất cả các tàu đã thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Về thiệt hại ban đầu tính đến 19 giờ tối 1/7, có 2 tàu/8 lao động của tỉnh Quảng Trị bị chìm. Hiện 8 ngư dân đã được cứu an toàn.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, ngày 2 và 3/7, ở Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 50-150 mm, riêng khu vực Đông Bắc có nơi trên 200 mm. Từ ngày 4 đến 7/7, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp, ở Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to.
Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao sự chủ động chuẩn bị ứng phó bão số 1 của các bộ, ngành, địa phương. “Các địa phương đã triển khai nghiêm túc tất cả các nhiệm vụ theo các bước đã quy định một cách bài bản”.
Các bộ, ngành đã vào cuộc kịp thời, tích cực. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng yêu cầu, tuyệt đối không được chủ quan, dự báo chính xác, bám sát diễn biến để kịp thời cảnh báo cho các địa phương. Phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 1. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo và thông tin kịp thời về diễn biến bão, mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để các địa phương, cơ quan có liên quan và người dân biết, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Các địa phương ven biển tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, đặc biệt là các tàu thuyền hoạt động ở khu vực Vịnh Bắc Bộ. Bảo đảm an toàn các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, các trọng điểm đê biển xung yếu hoặc đang thi công.
Các tỉnh khu vực Vịnh Bắc Bộ quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến. Tăng cường tối đa, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, nhất là công an, quân đội; hạn chế thấp nhất, không để xảy ra các tai nạn đáng tiếc do thiên tai.
Đề phòng hoàn lưu bão, Phó Thủ tướng nhắc: “Cần chú ý kiểm soát chặt chẽ tàu bè, nhất là tàu khách du lịch, chỉ cho hoạt động nếu bảo đảm an toàn. Đồng thời, chủ động thông tin, tuyên truyền và có biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch và người dân trên các đảo, khu vực ven biển, cửa sông".
Đối với các tỉnh miền núi phía bắc, cần chủ động rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra sạt lở, chia cắt. “Các địa phương phải nắm chắc tình hình, có phương án sẵn sàng, bám sát dự báo”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải bảo đảm an toàn cho người dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở.
Về các hồ chứa, nhấn mạnh yêu cầu “an toàn là hàng đầu”, Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu xả lũ; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống. Các bộ, ngành và địa phương phải phối hợp thật tốt trong công tác điều hành các hồ chứa. Do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai năm nay dự báo sẽ có nhiều diễn biến cực đoan, khó lường, gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt là các cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn phải chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống thiên tai.
“Trước tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến bất thường, cực đoan thì chúng ta phải thích ứng trong hành động, từ lãnh đạo, chỉ đạo đến khâu dự báo”, Phó Thủ tướng yêu cầu phải rà soát, hoàn thiện kịch bản, quy trình điều hành khi bắt đầu có thông tin dự báo thiên tai, bảo đảm cung cấp thông tin thông suốt từ Trung ương đến địa phương một cách chặt chẽ, hiệu quả, phù hợp với mức độ thiên tai.