Đây là một trong những chương trình chính, khởi động chuỗi sự kiện Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 9 năm 2022, do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt và Công ty TNHH Vietnam Silk House tổ chức. Ngoài ra còn có sự kiện trình diễn thời trang lụa và thổ cẩm Tây Nguyên.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt Tôn Thiện San gợi mở, đến “Thiên đường Tây Nguyên”, nhân dân và du khách được chìm đắm trong không gian văn hóa bản địa, với những ngôi nhà truyền thống của các dân tộc; những nghệ nhân dệt thổ cẩm, đan lát, đẽo tượng gỗ; được thưởng lãm và hình dung nếp sống của đồng bào dân tộc Tây Nguyên và chiêm ngưỡng hàng nghìn hiện vật gắn với đời sống cư dân bản địa, sự kết hợp tinh tế của tơ lụa và thổ cẩm lần đầu tiên được dệt tay bởi người đồng bào dân tộc Tây Nguyên…
Tại không gian triển lãm “Thiên đường Tây Nguyên”, nhà sưu tập Đặng Minh Tâm (sinh năm 1958, ngụ thành phố Đà Lạt; nguyên cán bộ ngành công an, đã nghỉ hưu) đã đưa 5.400 hiện vật trong “gia tài” hơn 30 nghìn hiện vật và cổ vật của khoảng 20 dân tộc bản địa Tây Nguyên, được ông kỳ công sưu tầm trong hơn 44 năm qua để phục vụ công chúng thưởng lãm, tìm hiểu, trải nghiệm.
Ông chia sẻ: “Tôi rong ruổi khắp các buôn làng để sưu tầm, trước hết là thỏa sự đam mê văn hóa độc đáo, huyền bí của các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Qua trưng bày, giới thiệu, tôi mong muốn mọi người yêu quý hơn con người và văn hóa Tây Nguyên”.
Hàng nghìn hiện vật tại không gian “Thiên đường Tây Nguyên”, được trưng bày thành nhiều nhóm, gồm nhạc cụ, công cụ phục vụ sản xuất và đời sống, dụng cụ săn bắn, trang phục thổ cẩm truyền thống, cùng những món đồ về văn hóa tín ngưỡng, nghi thức và lễ hội của các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên.
Nhà sưu tập Đặng Minh Tâm trải lòng: “Với gia tài hơn 30 nghìn hiện vật, ở đó mỗi hiện vật là một câu chuyện văn hóa, tôi muốn viết lại tất cả những gì mình biết, mình hiểu thành sách, để có thể giúp ích cho thế hệ mai sau có cơ sở tìm hiểu, nghiên cứu”.
Tôi từng đọc được bút tích của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh tại “Đà Lạt, 16 giờ, ngày 21/4/2018” ghi rằng: “Tôi biết ở Việt Nam có hai người. Ở miền bắc (Hòa Bình) có một anh chuyên sưu tập văn hóa Mường. Ở miền nam (Lâm Đồng) có Đặng Minh Tâm sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên. Có lẽ, không bao lâu nữa, ai muốn tìm hiểu Tây Nguyên thì phải gặp Tâm thôi”.
Tại không gian triển lãm “Thiên đường Tây Nguyên” có những ngôi nhà truyền thống của dân tộc bản địa Tây Nguyên được phục dựng, tái hiện nguyên bản, gồm nhà dài của người Ê Đê, nhà sinh hoạt hằng ngày của người Cơ Ho Cil; nhà rông người Ba Na Rơ Ngao, Xê Đăng phục vụ công chúng tham quan.
Không gian mở cửa miễn phí đến hết ngày 31/1/2023.
Một số hình ảnh tại sự kiện:
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận thực hiện nghi thức khai mở không gian triển lãm “Thiên đường Tây Nguyên”. |
Nhà dài của người Ê Đê. |
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tham quan không gian văn hóa “Thiên đường Tây Nguyên”. |
Trong không gian nhà dài của người Ê Đê. |
Lối vào không gian triển lãm “Thiên đường Tây Nguyên”. |
Tái hiện nguyên bản nhà rông người Ba Na Rơ Ngao. |
Những chiếc ché của văn hóa rượu cần Tây Nguyên. |
Vật dụng sinh hoạt và săn bắt. |
Điệu kèn bầu của người Tây Nguyên. |
Trống cái da trâu là báu vật của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. |
Nghệ nhân dùng đục tạc tượng gỗ. |
Sắc màu thổ cẩm Tây Nguyên. |
Tượng gỗ dân gian có vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa, tâm linh của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. |
Du khách khám phá không gian trưng bày cây nêu. |
Hoa văn và nghệ thuật điêu khắc dân gian trên cây nêu của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. |
Một góc không gian triển lãm “Thiên đường Tây Nguyên”. |