“Hồn quê làng Việt” là chương trình khám phá Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vào mỗi mùa hoa gạo do Bảo tàng phối hợp với Công ty Du lịch Bền vững Việt Nam (S.T.I.D) thực hiện.
Nghệ nhân làm hoa giấy. |
Chương trình đưa khách tham quan khám phá tòa nhà Bác Cổ, một công trình gần 100 tuổi mang dấu ấn kiến trúc Đông Dương với những chi tiết gợi cho chúng ta về hình ảnh kiến trúc Việt xưa, mặc dù đã rất quen với nhiều người nhưng những chi tiết, hoa văn kiến trúc chắc hẳn không phải ai cũng biết và hiểu sâu sắc hết.
Mùa này, tòa nhà trở nên rực rỡ hơn với nét kiến trúc châu Âu hòa quyện cùng những nét văn hóa bản địa, xen lẫn sắc hoa thắm đỏ, rực một góc trời của cây gạo cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Khách tham quan trải nghiệm cùng hoa gạo tại Bảo tàng. |
Cùng với tòa nhà Bác Cổ, du khách còn được chiêm ngưỡng và khám phá những tinh hoa của làng quê Việt Nam thông qua những hiện vật trưng bày, đặc biệt là các bảo vật quốc gia. Đó là Cây Hương đá chùa Tứ Kỳ (thế kỷ 17) - biểu tượng của sự kết nối giữa trời và đất, giữa cõi âm và cõi dương… để cầu mong những điều tốt đẹp nhất đối với con người với bao câu chuyện gắn với phong tục, lối sống, tâm linh của làng quê xưa.
Cây Cầu đá có niên đại Thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 18); Trống đồng Ngọc Lũ và Chuông Vân Bản (linh khí, nhạc khí không thể thiếu trong nghi lễ, tôn giáo của người Việt).
Không gian làng quê ở Bảo tàng. |
Đặc biệt, có bốn buổi tối cuối tuần trong mùa hoa gạo năm nay, những khách tham quan may mắn đăng ký trước sẽ có cơ hội được trải nghiệm “Thanh âm Đồng Cổ” trong kiến trúc tòa nhà Bác Cổ về đêm, cùng cây gạo, cây đa, các bảo vật quốc gia… lung linh hơn dưới ánh đèn.
Các chuyên gia cũng sẽ chia sẻ, bật mí về kỹ thuật đúc trống đồng của ông cha ta cách ngày nay hàng nghìn năm, về thanh âm và cách đánh trống đồng.
Một số hình ảnh trong chương trình tại Bảo tàng:
Khách tham quan trải nghiệm “Thanh âm Đồng Cổ”. |
Chuyên gia chia sẻ về trống đồng. |
Nghe thuyết minh về cây hương đá chùa Tứ Kỳ. |
Cây Cầu đá có niên đại Thời Lê Trung Hưng. |