Khai thác, vận hành hiệu quả công trình thủy lợi trong mùa mưa, bão

Diễn biến bất thường của thời tiết và nhu cầu chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sử dụng đất từ nông nghiệp sang các mục đích khác khiến cho việc điều hành hệ thống công trình thủy lợi, đặc biệt là tiêu úng trong mùa mưa, bão gặp nhiều khó khăn. Ở nhiều nơi, nhiều công trình thủy lợi không phát huy hiệu quả thiết kế, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình điều tiết nước...
0:00 / 0:00
0:00
Trạm bơm Nhân Trạch, xã Hoằng Ðạo, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) vận hành tiêu úng.
Trạm bơm Nhân Trạch, xã Hoằng Ðạo, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) vận hành tiêu úng.

Ðợt mưa lớn kéo dài vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua làm ngập úng cục bộ ở nhiều nơi. Ðể hạn chế thấp nhất thiệt hại do ngập lụt gây ra, các địa phương đã khẩn trương triển khai công tác tiêu úng trong bối cảnh nhiều trạm bơm, công trình thủy lợi xuống cấp nghiêm trọng.

Các trạm bơm cũ "gồng mình" tiêu úng

Trạm bơm Nhân Trạch nằm trên địa bàn xã Hoằng Ðạo, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), có nhiệm vụ tưới cho hơn 1.120ha và tiêu cho hơn 1.490ha lúa, hoa màu của huyện Hoằng Hóa và các vùng lân cận. Vào mùa khô, khi mực nước sông Mã xuống thấp, thời gian bơm chỉ đạt được bốn đến năm giờ mỗi ngày, không thể đẩy nước trực tiếp bằng kênh Nam xuống tạo nguồn cho các trạm bơm khác.

Về mùa lũ, trạm bơm Nhân Trạch là nơi tiêu chủ yếu cho cả vùng phía nam sông Lạch Trường gồm bốn xã, thị trấn của huyện Hoằng Hóa. Do phụ thuộc vào triều cường cho nên để tiêu úng kịp thời, bảo đảm an toàn cho sản xuất và dân sinh thì phải dùng hệ thống bơm động lực. Trạm bơm xây dựng từ năm 1990. Qua 32 năm vận hành, cho đến nay trạm xuống cấp nặng, các máy bơm đời cũ thường xuyên hư hỏng trục, bi, cánh... khiến hệ thống bơm hiện chỉ đạt 45% công suất thiết kế.

Công ty Bắc Sông Mã hiện đang quản lý 100 trạm bơm, trong đó có đến 70 trạm được xây dựng từ năm 1970 và năm 1990. Những trạm bơm này máy móc, thiết bị đã xuống cấp, máy bơm đều là đời cũ, công nghệ lạc hâu, thường xuyên hư hỏng, gây khó khăn trong quá trình quản lý, vận hành. Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Sông Mã Nguyễn Văn Hưng cho biết, toàn hệ thống công trình thủy lợi xuống cấp, công nghệ, máy móc thiết bị lạc hậu cộng với giá dịch vụ thủy lợi vẫn chưa được điều chỉnh tăng nên công ty khá khó khăn về tài chính. Tuy nhiên công ty vẫn ưu tiên dành nguồn lực cho công tác vận hành các công trình khi có mưa lớn, ngập úng xảy ra.

Nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, hệ thống thủy lợi Hải Dương hình thành hai vùng rõ rệt. Vùng tiêu chủ động bằng động lực trực tiếp ra sông Thái Bình và sông Luộc và vùng tiêu vào trục chính Bắc Hưng Hải. Là một tỉnh cuối hệ thống, về mùa lũ, sông trục chính Bắc Hưng Hải phải chứa đựng toàn bộ lượng nước tiêu từ huyện Gia Lâm (Hà Nội), hai huyện Thuận Thành và Gia Lương (Bắc Ninh), toàn bộ diện tích nội đồng của tỉnh Hưng Yên và diện tích của 7 huyện, thành phố thuộc tỉnh Hải Dương. Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hải Dương (Công ty Thủy lợi Hải Dương) hiện đang quản lý 278 trạm bơm, trong đó có 47 trạm bơm chuyên tiêu, hơn 50% các trạm bơm thiết kế vận hành từ hơn 30 năm về trước. Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi Hải Dương Trần Minh Thắng cho biết, đơn vị luôn chỉ đạo sát sao, linh hoạt trong điều hành từng hệ thống công trình sát với diễn biến thời tiết để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán và mưa úng gây ra. Cụ thể vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 3, lượng mưa lớn kéo dài làm hơn 4.000ha đất nông nghiệp ngập úng. Ðể tiêu úng, đơn vị đã vận hành hết công suất hơn 500 máy bơm, nhờ đó đã cứu được 3.000ha lúa và các cây trồng khác. Tuy nhiên, về lâu dài, các trạm bơm cũ cần sớm được nâng cấp, để vận hành an toàn tuyệt đối trước diễn biến bất thường của thời tiết diễn ra ngày một cực đoan.

Hiện nay, phần lớn các trạm bơm tưới, tiêu trong cả nước được xây dựng và đưa vào khai thác từ những năm cuối thế kỷ trước, đến nay máy móc, thiết bị đã cũ, lạc hậu, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thoát nước phục vụ sản suất nông nghiệp và tốc độ phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ.

Khai thác, vận hành hiệu quả công trình thủy lợi trong mùa mưa, bão ảnh 1

Lãnh đạo Công ty Thủy lợi Hải Dương phân tích bản đồ mưa trên hệ thống.

Ứng dụng công nghệ trong quản lý, khai thác thủy lợi

Ðể khắc phục những khó khăn do hệ thống được thiết kế, khai thác từ lâu, nhiều đơn vị thủy nông đã áp dụng công nghệ vào vận hành hệ thống và đã mang lại hiệu quả cao trong công tác điều tiết nước, nhất là tiêu úng…

Bão số 3 gây ra mưa lớn trên diện rộng ở nhiều tỉnh phía bắc vào các ngày cuối tháng 8. Tại tỉnh Hải Dương, mưa diễn ra vào ban đêm với cường độ tập trung lớn khiến hàng nghìn ha lúa ngập nhanh, thế nhưng nhờ ứng dụng công nghệ để cập nhật và theo dõi diễn biến thời tiết theo tuần, ngày, đã giúp cho đơn vị này nắm bắt, kịp thời tiêu úng và đã cứu được hơn 3.000ha lúa. Chủ tịch Công ty Thủy lợi Hải Dương Trương Mạnh Tiến cho biết, máy đo mưa sẽ cập nhật lượng mưa 10 phút/1 lần giúp cho các đơn vị nắm bắt diễn biến, cường độ của mưa, so sánh với tần suất mưa thiết kế để đưa ra những quyết định kịp thời trong công tác điều hành tiêu úng (gạn tháo, vận hành bơm điện,…), hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa úng gây ra đối với sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Ðồng thời, việc đo mưa tự động thay thế cho hình thức đo thủ công, đặc biệt phát huy tác dụng trong điều kiện mưa bão lớn, mưa ban đêm, giúp cán bộ không phải trực tiếp đo mưa mà vẫn có thông tin kịp thời phục vụ công tác điều hành tưới tiêu.

Ngoài ra, đơn vị này có ứng dụng bản đồ nhiều lớp, bao trùm tương đối đầy đủ các thông tin của đơn vị, từ địa giới hành chính đến nhân sự và đặc biệt là hệ thống công trình: hồ chứa, trạm bơm, cống, kênh mương... giúp đơn vị lưu trữ thông tin an toàn và dễ dàng tra cứu thông tin cần thiết trong các lĩnh vực: hành chính, kế hoạch, kỹ thuật,... Thông tin bản đồ giúp cho việc xác định vị trí công trình nhanh gọn, chính xác. Các thông tin có thể được cập nhật, hiệu chỉnh nhanh chóng, kịp thời bảo đảm phù hợp với hiện trạng công trình giúp cho việc lập kế hoạch tu sửa, cải tạo công trình nhanh gọn, chính xác, bảo đảm phục vụ tốt cho điều tiết nước.

Ðầu tư đồng bộ hệ thống công trình thủy lợi, trong đó việc nhiều đơn vị đang đi đầu trong việc áp dụng khoa học công nghệ (trang web điều hành; bản đồ mưa; máy đo mưa…) đang là giải pháp quan trọng để sử dụng hiệu quả nguồn nước, điều tiết tiêu úng kịp thời, tiết kiệm điện năng trạm bơm tiêu thụ, là hết sức cần thiết để bảo đảm an toàn cho sản xuất và dân sinh, nhất là trong mùa mưa bão hiện nay. Cục trưởng Công trình (Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Hồng Khanh cho biết: Hiện nay, Tổng cục Thủy lợi đang tổ chức xây dựng bản đồ thủy lợi; bản đồ trực tuyến cảnh báo nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ngập lụt, úng. Sau khi nhiệm vụ được hoàn thành, hằng năm kết hợp với kết quả thực hiện các nhiệm vụ đặc thù khác sẽ cung cấp các thông tin đầy đủ nhất, cảnh báo nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cũng như ngập lụt, úng trên phạm vi cả nước. Ðây sẽ là công cụ công nghệ hữu hiệu phục vụ công tác điều hành sản xuất nông nghiệp trên phạm vi toàn quốc.