Khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa ở Thừa Thiên Huế

NDO - Ngày 13/11, tại Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế về quy hoạch, bảo tồn, quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân di dời, giải phóng mặt bằng khu vực Kinh thành Huế.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tham quan tại Di tích lầu Kiến trung (Đại nội Huế).
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tham quan tại Di tích lầu Kiến trung (Đại nội Huế).

Cùng dự có lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông và các ban, bộ, ngành của Trung ương. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế, có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương và đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh.

Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Cố đô

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết: 10 tháng vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 7-7,5%. Tổng lượng khách khoảng 2,6 triệu lượt, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 824 nghìn lượt, gấp 6 lần so với cùng kỳ; tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 5.600 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ.

Khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa ở Thừa Thiên Huế ảnh 1

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương phát biểu tại buổi làm việc.

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hướng tới mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh...

Đồng chí Nguyễn Văn Phương cho biết, theo đánh giá của UNESCO, công tác bảo tồn di sản Cố đô Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và khu vực, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ.

“Những kết quả quan trọng ấy được thể hiện trên các mặt: Bảo tồn, trùng tu di tích; bảo tồn văn hóa phi vật thể; bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di sản; hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu khoa học trong công tác bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực; phát huy giá trị di sản…”, đồng chí Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.

Khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa ở Thừa Thiên Huế ảnh 2
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa thăm và làm việc tại Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế.

Đồng chí Nguyễn Văn Phương khẳng định, đầu tư, quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa là việc làm thường xuyên của tỉnh trong thời gian qua. Mục tiêu lớn nhất là, đưa cả tỉnh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Tỉnh đã ban hành các nghị quyết để hướng tới mục tiêu này, trong đó, có mô hình về bảo tồn, phát huy các giá trị về văn hóa.

Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện các nguồn đầu tư về văn hóa, di tích theo cơ chế của Quốc hội đã thông qua. Hiện tỉnh đang giải phóng vành đai Kinh thành Huế; đề nghị cần có thêm danh mục duy tu, bảo tồn hệ thống Kinh thành Huế; xây dựng một bảo tàng mới tại khu vực nội thành.

Báo cáo với Đoàn công tác, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho rằng, trung tâm đã và đang trùng tu hàng trăm công trình di tích thời gian qua; phục hồi được nhiều bản nhã nhạc cung đình; tăng cường công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế và trong nước. Trung tâm cũng đã đẩy mạnh giao lưu văn hóa; lưu giữ nhiều tư liệu quan trọng; nghiên cứu khoa học gắn với công tác trùng tu, sưu tầm; xây dựng quản lý văn hóa trùng tu bằng công nghệ thông tin.

Khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa ở Thừa Thiên Huế ảnh 3

Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế Hoàng Việt Trung báo cáo tại buổi làm việc.

Theo ông Hoàng Việt Trung, hiện nay, Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai đạt nhiều kết quả tích cực, nhận được sự đồng thuận của người dân, sự ủng hộ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Qua đó, đã tháo gỡ nhiều vướng mắc và tạo thuận lợi trong công tác di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khi triển khai thực hiện dự án.

Kết quả nổi bật của Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng di tích Kinh thành Huế gồm 11 khu vực với khoảng 5.190 hộ dân; tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng khoảng 2.005 tỷ đồng. Giai đoạn 2, (từ 2023-2025) tiếp tục di dời khoảng 1.287 hộ dân, tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng khoảng 664 tỷ đồng.

Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng di tích Kinh thành Huế gồm 11 khu vực với khoảng 5.190 hộ dân; tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng khoảng 2.005 tỷ đồng. Giai đoạn 2, (từ 2023-2025) tiếp tục di dời khoảng 1.287 hộ dân, tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng khoảng 664 tỷ đồng.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung triển khai các thủ tục để phê duyệt giai đoạn 2 dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã có Tờ trình gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị thẩm tra đề xuất điều chỉnh, bổ sung và mở rộng phạm vi áp dụng của Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế (giai đoạn 2).

Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản thẩm tra đối với nội dung này, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt cho phép điều chỉnh, bổ sung và mở rộng phạm vi áp dụng của Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện giai đoạn 2 dự án này…

Khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa ở Thừa Thiên Huế ảnh 4

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa kiểm tra công tác trùng tu di tích Cố đô Huế.

Tạo sự đồng thuận trong cộng đồng

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến, kiến nghị, đề xuất cũng đã làm rõ hơn những khó khăn, tồn tại hạn chế; đề ra các giải pháp để thực hiện tốt hơn nữa công tác quy hoạch, bảo tồn, quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân di dời, giải phóng mặt bằng khu vực Kinh thành Huế.

Khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa ở Thừa Thiên Huế ảnh 5

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao những nỗ lực, cách làm hay, sáng tạo, những bài học kinh nghiệm của tỉnh Thừa Thiên Huế trong công tác giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử của di tích Kinh thành Huế. Nổi bật là công tác tuyên truyền, vận động nhân dân di dời, giải phóng mặt bằng.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh đã thực hiện rất tốt công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị di tích Cố đô Huế. “Càng nghiên cứu sâu, cá nhân tôi cũng như đoàn công tác càng tự hào về vùng đất Thừa Thiên Huế. Mong rằng, Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển hơn nữa về văn hóa”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, yếu tố quyết định là vai trò, tạo sự đồng thuận nhất trí cao của cộng đồng, người dân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của địa phương và Kinh thành Huế. Vấn đề này, tỉnh Thừa Thiên Huế đang làm tốt, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của của người dân, được Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, đồng chí lưu ý với lãnh đạo tỉnh, công tác bảo tồn văn hóa cần phải kiên định, kiên trì và bền bỉ; làm tới đâu, nghiên cứu sâu tới đó. Tiếp tục đưa hình ảnh văn hóa Huế ra bên ngoài cũng đồng nghĩa với việc đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa ở Thừa Thiên Huế ảnh 6
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Công tác bảo tồn văn hóa cần phải kiên định, kiên trì và bền bỉ; làm tới đâu, nghiên cứu sâu tới đó.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa

Huế đã gìn giữ hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa với nhiều cách làm hay, nhiều mô hình hiệu quả, nên tiếp tục phát huy hơn nữa trong thời gian tới; thực hiện hiệu quả các chiến lược chung, các nghị quyết về văn hóa, chương trình chấn hưng văn hóa, quan tâm tới công tác bảo tồn và phát huy văn hóa… với mục tiêu góp phần sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

“Chủ trương cần phải quyết liệt và đồng bộ hơn nữa, các đơn vị, địa phương rút kinh nghiệm từ giai đoạn trước để thực hiện giai đoạn tiếp theo bền vững và tốt hơn. Quan trọng nhất là phải được lòng dân, địa phương tiếp tục quan tâm. Kết hợp hài hòa giữa nguồn lực ngân sách của Trung ương cùng với nỗ lực của địa phương và sự đồng tình ủng hộ, cố gắng của người dân. Có như vậy, chúng ta mới hoàn thành được. Và chính người dân cũng sẽ có cơ hội tham gia vào quá trình giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, Thừa Thiên Huế cần tiếp tục tuyên truyền quảng bá những giá trị lịch sử của di tích, việc bảo tồn các di tích, giá trị ẩm thực, văn hóa con người Huế, việc ứng xử của người dân với lịch sử. Bảo tồn các giá trị di sản cần đồng bộ hơn; phải rà soát các nội dung cần tập trung lãnh đạo quản lý đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng và phục hồi văn hóa; kiên quyết chống các biểu hiện, các hành vi xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch.

Khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa ở Thừa Thiên Huế ảnh 7

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa tặng quà cho Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch phải hài hòa, chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và văn hóa, lấy văn hóa là điểm sáng để phát triển; chú trọng đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác văn hóa; tạo sự đồng tình ủng hộ của người dân, sự đồng hành của chính quyền trong lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.