Khai thác đất trái phép làm vật liệu san lấp ở Thái Nguyên

NDO -

NDĐT - Việc san lấp mặt bằng, xây dựng đường giao thông, công trình... trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cần lượng đất làm vật liệu san lấp rất lớn. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh mới có một mỏ đất được cấp phép khai thác, dẫn đến tình trạng khai thác đất trái phép diễn ra ở nhiều nơi. Chính quyền các địa phương cần tăng cường quản lý, đồng thời cần đơn giản thủ tục cấp phép khai thác đất nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển.

Một điểm khai thác đất trái phép làm vật liệu san lấp ở phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên.
Một điểm khai thác đất trái phép làm vật liệu san lấp ở phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên.

Từ một huyện thuần nông, thời gian qua, cơ cấu kinh tế của huyện Phú Bình có sự dịch chuyển tích cực, tỷ trọng nông - lâm nghiệp - thủy sản giảm còn 20% trong khi cơ cấu kinh tế, công nghiệp - dịch vụ và xây dựng phát triển mạnh, cần lượng đất lớn để làm vật liệu san lấp tạo mặt bằng. Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn huyện chưa có mỏ đất nào được cấp phép khai thác làm vật liệu san lấp.

Điều đó dẫn đến việc khai thác đất trái phép để làm vật liệu diễn ra ở nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường, thất thoát nguồn thu ngân sách, hư hỏng đường giao thông nông thôn, gây bức xúc trong nhân dân.

Có những thời điểm, đất làm vật liệu san lấp được bán với giá cao, mỗi ô-tô chừng năm khối đất, bán được hơn 100 nghìn đồng. Vì thế, thực tế tại thị trấn Hương Sơn, các xã: Kha Sơn, Tân Hòa, Bảo Lý, chúng tôi thấy nhiều điểm, vị trí khai thác đất trái phép. Có điểm đào đồi, bãi, hạ thấp ruộng... để lấy đất bán làm vật liệu san lấp.

Một người dân ở xóm Tây Bắc, xã Kha Sơn bức xúc: Việc ô-tô vận chuyển đất làm vật liệu san lấp lưu thông trên địa bàn thời gian vừa qua có nguy cơ làm mất an toàn giao thông nông thôn, ô nhiễm môi trường, đường thôn, xóm, trục chính được đầu tư xây dựng từ chương trình nông thôn mới xuống cấp, hư hỏng.

Tình trạng khai thác đất trái phép làm vật liệu san lấp cũng diễn ra ở các huyện: Võ Nhai, Đồng Hỷ, Đại Từ, thị xã Phố Yên. Tuy nhiên, việc ngăn chặn gặp nhiều khó khăn.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Bình Dương Ngọc Yên cho biết: Việc khai thác đất làm vật liệu diễn ra ở một số xã trên địa bàn, các điểm này ở tận các thôn, xóm, việc khai thác chủ yếu diễn ra vào buổi trưa, chiều tối, thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, Phòng Tài nguyên và Môi trường chỉ có một cán bộ làm công tác quản lý về tài nguyên nên chính quyền cấp xã không vào cuộc ngăn chặn thì khó quản lý.

Năm 2017, chính quyền các cấp ở huyện Phú Bình đã xử phạt 100 triệu đồng đối với các hành vi khai thác đất trái phép, vận chuyển quá tải, gây ô nhiễm môi trường. Gần đây, có trường hợp bị phạt 36 triệu đồng, chính quyền các xã Tân Hòa, Bảo Lý xử phạt bốn, năm triệu đồng với một số trường hợp. Cảnh sát giao thông xử lý một số trường hợp vận chuyển đất quá tải.

Từ đầu năm 2018 đến nay, UBND huyện Phú Bình ban hành chỉ thị, nhiều văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng của huyện, chính quyền các xã tăng cường quản lý địa bàn, kiên quyết xử lý vi phạm, ở đâu để xảy ra khai thác đất thì Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm, nên thời gian gần đây tình trạng khai thác đất trên địa bàn huyện Phú Bình tạm thời lắng xuống.

Là người tham mưu cho UBND huyện và trực tiếp chỉ đạo ngăn chặn khai thác đất trái phép, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Bình Dương Ngọc Tuyên nhận định: Nếu lực lượng chức năng và chính quyền xã lơi lỏng, thời gian tới, tình trạng khai thác đất trái phép sẽ bùng phát vì nhu cầu cần đất làm vật liệu san lấp là rất lớn.

Nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm đất làm vật liệu san lấp, khai thác đất trái phép, đến nay, huyện Phú Bình đã quy hoạch 24 mỏ và điểm mỏ đất vào diện thăm dò, khai thác, sử dụng và đã đấu giá thăm dò một mỏ. Tuy nhiên, ông Tuyên cho biết: Thủ tục, quy trình cấp phép khai thác đối với mỏ đất cũng như đối với mỏ khoáng sản như vàng, sắt. Từ khâu đầu tiên đến khi được cấp phép khai thác một mỏ đất mất 21 tháng, có những mỏ chỉ rộng vài nghìn m2, vài nghìn khối đất cũng phải làm đầy đủ các thủ tục, theo quy trình, liên quan đến nhiều sở, ngành nên không có đơn vị, doanh nghiệp nào tham gia đấu giá thăm dò, khai thác.

Điều đó lý giải vì sao mặc dù nhu cầu đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là rất lớn, nhưng đến nay mới chỉ có một mỏ đất được cấp phép khai thác. UBND huyện Phú Bình và nhiều huyện khác trên địa bàn đề nghị cấp có thẩm quyền rút ngắn thời gian, thủ tục, hoặc phân cấp cho cấp huyện được tổ chức đấu giá thăm dò, khai thác, cấp phép khai thác đất làm vật liệu san lấp nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, ngăn chặn khai thác trái phép, bảo vệ hạ tầng giao thông ở nông thôn và chống thất thu cho ngân sách.