Khai mạc vòng đàm phán cuối cùng về thỏa thuận đa dạng sinh học toàn cầu

NDO -

Ngày 14/3, đại diện của 164 nước thành viên Liên hợp quốc đã có mặt ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ để tiến hành vòng đàm phán cuối cùng về một hiệp ước đầy tham vọng nhằm ngăn chặn và đảo ngược sự thu hẹp môi trường sống của các loài động vật nguy cấp.

Ảnh chụp một phần của dự án phục hồi vùng đất ngập nước ven hồ Điền Trì ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, ngày 14/10/2021. (Ảnh: Reuters)
Ảnh chụp một phần của dự án phục hồi vùng đất ngập nước ven hồ Điền Trì ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, ngày 14/10/2021. (Ảnh: Reuters)

Đây là lần đầu tiên trong 2 năm qua các nhà đàm phán nhóm họp trực tiếp. Vòng đàm phán được coi là cơ hội cuối cùng để các bên thảo luận chi tiết về “khung đa dạng sinh học toàn cầu hậu 2020”, với mục tiêu bảo vệ các loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm gián đoạn các cuộc đàm phán, đồng thời khiến Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về đa dạng sinh học COP15 ở Côn Minh, Trung Quốc - nơi thỏa thuận đa dạng sinh học toàn cầu dự kiến được thông qua - bị trì hoãn 3 lần so với kế hoạch ban đầu là tháng 10/2020.

Tâm điểm của các cuộc đàm phán là lời kêu gọi của Liên hợp quốc thúc giục các quốc gia cam kết đưa 30% lãnh thổ của mình vào diện bảo tồn vào năm 2030.

Bên cạnh đó, các nhà đàm phán sẽ hướng tới việc tăng cường ngân sách cho các khu bảo tồn, cũng như thúc đẩy cải cách trợ cấp nông nghiệp - vốn được coi là nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học.

Trong bài phát biểu khai mạc, bà Elizabeth Maruma Mrema, Thư ký điều hành Công ước về Đa dạng sinh học (CBD) đã kêu gọi các nhà đàm phán thể hiện sức mạnh của tinh thần hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương thông qua chính những hành động của mình tại phiên họp.