Trưng bày chuyên đề “Đảng Cộng sản Việt Nam - Từ Đại hội đến Đại hội” được Bảo tàng Lịch sử quốc gia cùng với Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng thực hiện và khai mạc ngày 19-1-2021 tại Hà Nội nhân kỷ niệm lần thứ 91 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2021) và chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã giới thiệu gần 300 tư liệu, hình ảnh, hiện vật, câu trích cho người xem những thông tin hữu ích qua ngôn ngữ trưng bày hiện đại.
Những chặng đường lịch sử
Từ khi chuẩn bị cho việc thành lập Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: “… Đảng có vững kách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt”. “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, kách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin”. (Đường Kách mệnh, 1927)
Sau Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng trong mùa xuân Canh Ngọ 1930, Đảng đã trải qua 12 kỳ Đại hội. Đại hội lần thứ nhất của Đảng họp ở Macau (Trung Quốc, tháng 3-1935). Khi đó, Đảng mới có khoảng 600 đảng viên và chỉ có 13 đại biểu dự họp Đại hội. Trong bối cảnh khó khăn, bị khủng bố khốc liệt, Đảng chủ trương: “Củng cố hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến địa phương, từ trong nước đến nước ngoài”. Kể từ đó, mỗi kỳ Đại hội tổng kết một chặng đường lịch sử, ghi nhận những thành tựu, rút ra những bài học. Trong mỗi Đại hội, Đảng nhấn mạnh những trọng tâm công tác và đề ra đường lối, chủ trương để lãnh đạo trong giai đoạn tiếp theo. Đọc lại những chủ đề của từng Đại hội có thể thấy rõ từng bước vận động, phát triển của Đảng cùng với đất nước.
Đại hội XIII của Đảng sẽ diễn ra từ ngày 25-1 đến 2-2, với chủ đề: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết: “Với phương châm: Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển, Đại hội không chỉ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng mà còn nhìn lại 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021-2026, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 (kỷ niệm tròn 100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Vì vậy, đây chắc chắn cũng sẽ là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta, có ý nghĩa định hướng tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập và phát triển đất nước”.
Nhấn mạnh chủ đề Xây dựng Đảng
Để chuyển tải tinh thần “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” được nhấn mạnh trong Đại hội XIII sắp tới, buổi trưng bày đã giới thiệu sâu nội dung tự phê bình, cầu thị và kiên quyết làm cho Đảng trong sạch vững mạnh xuyên suốt trong cả quá trình đấu tranh, trưởng thành của Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (bút danh Trí Cường, Nhà xuất bản Dân chúng phát hành tại Hà Nội, ngày 20-7-1939,) viết trong tác phẩm Tự chỉ trích: “Để tạo được sự thống nhất tư tưởng, mỗi đảng viên cần nhận rõ nguyên tắc phê bình trong Đảng. Đảng còn trẻ nên còn nhiều khuyết điểm, sai lầm, nhưng Đảng sẽ luôn luôn tự chỉ trích thành thật và mạnh dạn, không phải là làm yếu Đảng, mà để Đảng ngày càng thống nhất tư tưởng và hành động”.
Bài viết Tự phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh (bút danh C.B, Báo Nhân Dân, số 9, ra ngày 20-5-1951), chỉ rõ: “…Cần phải nâng cao tinh thần phê bình và tự phê bình trong công tác xây dựng đảng và chính quyền để ngày càng trong sạch, vững mạnh:
“Dao có mài, mới sắc.
Vàng có thui, mới trong.
Nước có lọc, mới sạch.
Người có tự phê bình, mới tiến bộ. Đảng cũng thế”.
Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, làm trong sạch Đảng hôm nay Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”.
Xem trưng bày chuyên đề “Đảng Cộng sản Việt Nam - Từ Đại hội đến Đại hội” thêm tự hào về truyền thống cũng như thấy rõ trách nhiệm và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới.