Khai mạc triển lãm nghệ thuật tương tác đa giác quan Van Gogh lần đầu tiên tại Việt Nam

NDO - Tối 9/12, Triển lãm nghệ thuật tương tác đa giác quan Van Gogh lần đầu tiên tại Việt Nam đã được khai mạc tại trung tâm thương mại Gigamall, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một trong những hoạt động chính trong khuôn khổ Tuần lễ du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 3.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm bên cánh đồng hoa hướng dương. Van Gogh có niềm đam mê mãnh liệt với loài hoa này.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm bên cánh đồng hoa hướng dương. Van Gogh có niềm đam mê mãnh liệt với loài hoa này.

Với không gian triển lãm rộng 3.800 m2 bao gồm trong nhà và ngoài trời, triển lãm là sự kết hợp giữa những kiệt tác nghệ thuật của danh họa Van Gogh và công nghệ hiện đại. Triển lãm nghệ thuật tương tác đa giác quan Van Gogh là sự kết hợp ngoạn mục của kiệt tác nghệ thuật nhân loại và công nghệ hàng đầu thế giới.

Lần đầu tiên, công chúng Việt Nam có thể “bước vào” cuộc đời, thế giới hội họa, thậm chí tái hiện tác phẩm của người họa sĩ thiên tài Vincent Van Gogh thông qua các màn chiếu kỹ thuật số, công nghệ thực tế ảo, 3D mapping với hàng loạt tương tác mới lạ cùng âm nhạc kinh điển.

Triển lãm được thiết kế tỉ mỉ với bản quyền từ Bảo tàng Van Gogh Hà Lan và tư vấn từ các bảo tàng lừng danh khắp thế giới như Pháp, Mỹ.

Triển lãm giới thiệu số lượng kỷ lục hơn 900 tác phẩm, kiến tạo hành trình tham quan độc nhất vô nhị với 16 “điểm đến”.

Khai mạc triển lãm nghệ thuật tương tác đa giác quan Van Gogh lần đầu tiên tại Việt Nam ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu trong buổi khai mạc triển lãm.

Có thể kể đến “Hành lang tương tác” - nơi du khách bước qua bóng gương ảo ảnh để quay trở về 133 năm về trước; “Vincent’s Land” - nơi lắng đọng câu chuyện cuộc đời; hay “Vincent’s Art” - không gian trưng bày hơn 150 tác phẩm tiêu biểu; Vincent’s Field với những đóa hướng dương ngập tràn…

Khai mạc triển lãm nghệ thuật tương tác đa giác quan Van Gogh lần đầu tiên tại Việt Nam ảnh 2

Khách tham quan chụp ảnh bên chân dung họa sĩ Van Gogh.

Điểm nhấn đặc sắc nhất của hành trình thưởng lãm mang tên Vincent’s Life và Vincent’s Soul.

Tại đây, khách tham quan có thể tương tác đa giác quan, xem đoạn video cuộc đời Van Gogh dài 7 phút, thưởng thức màn trình chiếu những tác phẩm kinh điển trong khoảng 20 phút.

Khai mạc triển lãm nghệ thuật tương tác đa giác quan Van Gogh lần đầu tiên tại Việt Nam ảnh 3

Bạn trẻ trải nghiệm công nghệ tại triển lãm.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Tuần lễ Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua có hàng loạt các sự kiện văn hóa, du lịch, tour du lịch khuyến mãi… để xúc tiến, quảng bá hình ảnh thương hiệu du lịch thành phố đến với du khách, nhằm kích cầu du lịch nội địa và quốc tế, góp phần tăng trưởng ngành du lịch và kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Khai mạc triển lãm nghệ thuật tương tác đa giác quan Van Gogh lần đầu tiên tại Việt Nam ảnh 4

Triển lãm là điểm "check- in" lý tưởng của các bạn trẻ.

Việc tổ chức triển lãm nghệ thuật tương tác đa giác quan Van Gogh sẽ giúp người dân, du khách tiếp cận được những nghệ thuật đỉnh cao, công nghệ đỉnh cao, qua đó lan tỏa tình yêu nghệ thuật đến với người dân.

Triển lãm nghệ thuật tương tác đa giác quan Van Gogh đã diễn ra hơn 80 quốc gia, thu hút khoảng 15 triệu người đến tham quan.

Vincent Van Gogh là một họa sĩ theo trường phái Ấn tượng, các tác phẩm của ông - nổi tiếng vì vẻ đẹp, cảm xúc và màu sắc - có ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật thế kỷ 20. Van Gogh sinh ngày 30/3/1853 tại Groot-Zundert, Hà Lan. Van Gogh từ nhỏ đã bắt đầu học vẽ, ông vốn nghiêm túc, ít nói và hay suy nghĩ.

Năm 1885, ông bắt đầu thực hiện tác phẩm được coi là kiệt tác đầu tiên của mình, "Potato Eaters."

Năm 1886, ông chuyển đến Paris, và sống với em trai Theo, người điều hành một phòng trưng bày tranh nhỏ. Tại đây ông được gặp nhiều danh họa hậu ấn tượng khác, bao gồm Émile Bernard và Paul Gauguin.

Các bức họa của Van Gogh ngày càng trở nên tươi sáng hơn khi ông phát triển một phong cách đã được hiện thực hóa hoàn toàn trong thời gian ở Arles, miền nam nước Pháp vào năm 1888. Trong giai đoạn này, ông mở rộng chủ đề bao gồm cây ô-liu, cánh đồng lúa mì và hoa hướng dương.

Với tinh thần nhiệt tình này, ông đã thuyết phục được Paul Gauguin, một nghệ sĩ mà ông đã gặp ở Paris, đến ở cùng mình. Nhưng chỉ sau 2 tháng, vì bất đồng quan điểm tình bạn giữa Van Gogh với Gauguin chấm dứt sau một cuộc cự cãi. Trong cơn nóng giận, Van Gogh đã dùng dao cạo cắt đứt một phần tai trái của chính mình.

Tháng 4 năm 1889 - tháng 5 năm 1890, Van Gogh điều trị bệnh tâm thần tại Saint-Rémy, các bức tranh của ông đan xen giữa khủng hoảng và kiểm soát bản thân. Trong 2 tháng cuối đời, ông thể hiện rõ ràng sự cô đơn của ông qua những bức họa cuối cùng. Vào ngày 27/7/1890, ông đã tự bắn vào ngực mình bằng khẩu súng lục và sau đó tiếp tục hoàn thành bức tranh chân dung Adeline Ravoux, và mất hai ngày sau đó.