Ngày hội có chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao-Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”.
Đỗng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự và phát biểu ý kiến.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hoá-Thể thao và Du lịch; Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên; Trịnh Việt Hùng, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên.
Phát biểu khai mạc Ngày hội, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Đất nước ta có một nền văn hóa đặc sắc, vô cùng quý giá được hình thành và kết tinh trong hệ thống di tích, di sản, trong văn hóa của mỗi dân tộc tạo nên sự thống nhất trong đa dạng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa, của di sản văn hóa dân tộc đối với sự phát triển đất nước: Người khẳng định “Văn hóa soi đường quốc dân đi”.
Tiếp tục thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương của Đảng, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021; việc tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II là minh chứng cụ thể trong việc triển khai, thực hiện các quan điểm mà Đảng đã đề ra.
Phát biểu ý kiến tại Lễ khai mạc, đồng chí Đỗ Văn Chiến nêu rõ: Văn hóa các dân tộc thiểu số là di sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa của dân tộc Dao được kết tinh từ cuộc sống lao động sản xuất, trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển; phong phú, đa dạng, thống nhất trong nền văn hóa Việt Nam.
Đồng bào dân tộc Dao vừa là chủ thể sáng tạo vừa là người thụ hưởng; với những bộ trang phục đặc sắc, những làn điệu Páo Dung đằm thắm, ngọt ngào, cùng với điệu múa, tiếng sáo, tiếng thanh la, tù và trầm lắng... tạo nên cốt cách, tâm hồn, tình cảm, nền tảng tinh thần của dân tộc Dao, hòa quyện trong nét đẹp văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc anh em nên lưu giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau.
Giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc nói chung, dân tộc Dao nói riêng phải xuất phát từ yếu tố tự thân, thực hiện tốt việc trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến biểu dương các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên của các dân tộc, nhất là bà con dân tộc Dao trên mọi miền đất nước đã khắc phục mọi khó khăn, hội tụ về tỉnh Thái Nguyên để gặp gỡ, giao lưu tình cảm, thể hiện tài năng, sức sáng tạo, làm nên một lễ hội đặc sắc, lan tỏa trong cộng đồng, góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Dao.
Đồng chí đề nghị, quá trình tổ chức Ngày hội phải gắn chặt với triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị, nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.
Giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc nói chung, dân tộc Dao nói riêng phải xuất phát từ yếu tố tự thân, thực hiện tốt việc trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các cấp, các ngành, trực tiếp là ngành văn hóa tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền ban hành chính sách cụ thể khuyến khích, hỗ trợ đồng bào giữ dìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; phát huy tài nguyên văn hóa gắn với du lịch để văn hóa vừa là yếu tố tinh thần, vừa tạo thêm được thu nhập của người dân.
Tại Lễ khai mạc, hơn 1000 nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên đồng bào dân tộc Dao đã thể hiện chương trình nghệ thuật với chủ đề “Giấc mơ Mặt trời” với 3 chương: “Gọi non ngàn thức giấc”, “Những cung bậc núi rừng” và “Khúc tự tình xứ núi” đậm bản sắc dân tộc Dao.
Các chương được phân thành 12 cảnh, nêu đậm lịch sử kiến tạo từ xa xưa của địa bàn vùng núi cao, nơi có đồng bào dân tộc Dao cư trú, ôn lại truyền thống anh hùng của nhân dân các dân tộc miền núi trong công cuộc bảo vệ chủ quyền xây dựng đất nước, trong đó có đồng bào dân tộc Dao. Từ đó, nâng cao niềm tự hào, ý thức tự lực, tự cường, tình yêu đối với quê hương, đất nước của đồng bào dân tộc Dao.
Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II diễn ra từ ngày 6-8/10 với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, giàu bản sắc dân tộc.