Khai mạc Lễ hội Không tiền mặt - Cashless Day 2024

NDO - Chiều tối 14/6, Lễ hội Không tiền mặt - Cashless Day 2024 chính thức khai mạc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) mang đến những trải nghiệm mới mẻ nhất về công nghệ thanh toán không tiền mặt cho người dân. Dự khai mạc lễ hội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Thành Long.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Lễ hội Không tiền mặt - Cashless Day 2024. (Ảnh: QUANG ĐỊNH)
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Lễ hội Không tiền mặt - Cashless Day 2024. (Ảnh: QUANG ĐỊNH)

Lễ hội Không tiền mặt - Cashless Day 2024 do Ngân hàng Nhà nước, Báo Tuổi Trẻ phối hợp Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia - NAPAS tổ chức. Đây là một trong những hoạt động chính của Chương trình Ngày không tiền mặt năm 2024.

Phát biểu khai mạc, Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Lê Thế Chữ chia sẻ, lễ hội là sự kiện đặc biệt, góp phần đưa các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt đi vào đời sống.

Sự kiện này được tổ chức theo mô hình xã hội không tiền mặt thu nhỏ. Người dân Thành phố và du khách được trải nghiệm thanh toán không tiền mặt qua thẻ, ví điện tử…, đồng thời tận hưởng các dịch vụ, sản phẩm mới nhất.

“Song song đó, chương trình cũng có tiệc âm nhạc sôi động. Dịp này, Ban Tổ chức cũng chính thức khởi động Tháng khuyến mãi tập trung "Shopping Season", có những mặt hàng khuyến mãi 100%”, ông Lê Thế Chữ thông tin.

Khai mạc Lễ hội Không tiền mặt - Cashless Day 2024 ảnh 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng các đại biểu trải nghiệm thanh toán bằng công nghệ xác thực sinh trắc học tại gian hàng Napas. (Ảnh: QUANG ĐỊNH)

Chia sẻ về những lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt, Thứ trưởng Công thương Phan Thị Thắng khẳng định, thanh toán không dùng tiền mặt giúp nâng cao hiệu quả thanh toán trong nền kinh tế, thúc đẩy không tiền mặt, an toàn; lưu thông hàng hóa không tiền mặt, nâng cao quản lý nhà nước trong hoạt động thuế…

Bà Phan Thị Thắng cho biết, trong lĩnh vực quản lý ngành công thương còn dư địa. Thương mại điện tử và dịch vụ công chiếm 20-25% trong 10 năm qua, đạt 20,5 tỷ USD năm 2023.

Do đó, Bộ Công thương có nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến; ban hành khung pháp lý, tuyên truyền người dân khuyến khích không tiền mặt qua sự kiện Tuần lễ không tiền mặt, Ngày mua sắm quốc gia…

Thứ trưởng Bộ Công thương cũng nêu thực tế, thương mại điện tử chỉ chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng cả nước. Chỉ số này còn thấp so với trung bình của thế giới là 19,4%. Trong khi đó, thanh toán không tiền mặt chỉ chiếm 50% trong thương mại điện tử, nên tiềm năng thương mại điện tử và thanh toán không tiền mặt thương mại điện tử là rất lớn.

Bà Phan Thị Thắng khẳng định: “Trong thời gian tới, Bộ Công thương tạo điều kiện thúc đẩy và để người dân tin tưởng mua sắm không tiền mặt, bảo vệ tuyệt đối người tiêu dùng, bởi thanh toán không tiền mặt vừa là xu thế tất yếu, vừa là động lực nâng cao chất lượng cuộc sống người dân".