Năm nay, Chương trình "Ngày không tiền mặt - 16/6” năm 2024 do Báo Tuổi trẻ phát động chính thức bước sang năm thứ 6 với chủ đề “Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, bảo mật”.
Qua 5 năm triển khai “Ngày không tiền mặt”, chương trình này đã truyền tải, lan tỏa thông điệp, giá trị tích cực của thanh toán không tiền mặt, góp phần định hình và củng cố thói quen, hành vi sử dụng các phương thức, phương tiện thanh toán không tiền mặt an toàn, tiện lợi, góp phần tạo nên chuyển biến rõ nét về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của người dân, doanh nghiệp và toàn nền kinh tế.
Tại buổi họp báo, Ban tổ chức công bố nội dung, các hoạt động Ngày không tiền mặt 2024, công bố Tháng khuyến mãi tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày khuyến mãi tập trung toàn quốc Cashless Day 16.6…
Bên cạnh các hoạt động như lễ hội ngày không tiền mặt, sự kiện năm nay có nhiều điểm mới với chương trình giao lưu, tư vấn kỹ năng tài chính an toàn (tư vấn cho học sinh-sinh viên các kỹ năng về quản lý chi tiêu, kiểm soát tiền, đầu tư tài chính, các mini game thử thách quản lý tài chính); ngoài ra còn có minigame hiến kế giao dịch an toàn; hoạt động chạy bộ…
Với chủ đề “Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, bảo mật” với quy mô khoảng hơn 300 khách mời đến từ Trung ương và địa phương..., hội thảo tập trung thảo luận và tìm giải pháp: Nhằm nâng cao hơn nữa khả năng bảo mật, an toàn của hệ thống, đảm bảo an toàn trong thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng và các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số nói chung; Nâng cao nhận thức, bảo vệ tốt hơn cho người dân khi tham gia thanh toán không dùng tiền mặt cũng như các giao dịch ngân hàng trên nền tảng số..
Ban tổ chức công bố các hoạt động Ngày không tiền mặt năm 2024. |
Tại họp báo công bố chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt 2024, các lãnh đạo tham dự còn trình bày những kết quả trong phát triển thanh toán không dùng tiền mặt thời gian qua, vai trò của truyền thông, giáo dục tài chính trong thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số ngân hàng; định hướng thời gian tới.
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, toàn ngành ngân hàng tập trung nỗ lực lớn cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp lý và tổ chức triển khai thực hiện; tăng cường ứng dụng các công nghệ mới, đổi mới mô hình kinh doanh, hoạt động hợp tác để sáng tạo và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ an toàn, bảo mật, tiện ích, đem lại nhiều giá trị gia tăng và trải nghiệm vượt trội cho khách hàng, góp phần tăng tốc đi tới một xã hội không tiền mặt.
Hạ tầng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt như Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử liên tục được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng tiện ích, nâng cao năng lực xử lý, phục vụ tốt nhu cầu của các thành viên hệ thống và qua đó đáp ứng tốt nhu cầu và kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng. Nhiều phương thức, dịch vụ thanh toán mới, an toàn, tiện lợi, giá dịch vụ hợp lý, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân, doanh nghiệp đã được ngành ngân hàng cung ứng ra thị trường.
Theo Vụ Thanh toán, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt có sự tăng trưởng mạnh mẽ, cụ thể: Số lượng giao dịch thanh toán qua kênh Internet và Mobile bình quân giai đoạn 2021-2023 lần lượt tăng trưởng ở mức 52% và 103,3%; tăng trưởng về số lượng và giá trị thanh toán qua phương thức QR Code đạt hơn 170%;
Đến hết 2023, Việt Nam có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân và có 87,08% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán; Về mở tài khoản qua phương thức eKYC, 40 ngân hàng báo cáo đã triển khai chính thức với gần 35 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động…
Số liệu 4 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 cho thấy, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt có mức tăng trưởng khá: Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 57,11% về số lượng và 39,49% về giá trị; qua kênh Internet tăng 47,48% về số lượng và 30,20% về giá trị; qua kênh điện thoại di động đạt tăng 59,26% về số lượng và 35,91% về giá trị.
Giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 14,15% về số lượng và giảm 7,84% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt.
Góp phần vào sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt không thể không nói đến vai trò của truyền thông, giáo dục tài chính.
Tại họp báo, bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, các chương trình truyền thông giáo dục tài chính mà Ngân hàng Nhà nước thực hiện thời gian qua đã có sự lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng, được đông đảo các tầng lớp công chúng đánh giá cao vì tính thiết thực, độ hấp dẫn và sự sáng tạo.
“Thông qua các chương trình truyền thông này, nhận thức và thói quen của người dân về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đã thay đổi rõ nét, nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, từ đó góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.” - bà Lê Thị Thúy Sen cho biết thêm.