Khai mạc Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ năm

NDO -

Tối 19-8, theo giờ Hà Nội, diễn ra Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ năm. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự phiên khai mạc của hội nghị và tham gia phát biểu ý kiến thảo luận về chủ đề “Thúc đẩy hành động của nghị viện: Trường hợp khẩn cấp về biến đổi khí hậu”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu Quốc hội Việt Nam. (Ảnh: HOÀNG QUỲNH)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu Quốc hội Việt Nam. (Ảnh: HOÀNG QUỲNH)

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Trưởng đoàn và các đại biểu Quốc hội: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà.

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới là diễn đàn đối thoại nghị viện cấp cao nhất ở quy mô toàn cầu với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội các nước trên thế giới. Kể từ hội nghị lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2000, đến nay Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới được tổ chức theo định kỳ 5 năm một lần.

Thúc đẩy các cơ chế liên nghị viện khu vực và thế giới

Hội nghị lần này được thực hiện theo hình thức trực tuyến do Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên hợp quốc và Quốc hội Áo phối hợp tổ chức từ ngày 19 đến ngày 20-8; với chủ đề tổng quát “Sự lãnh đạo của Nghị viện để thực hiện chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, mang lại hoà bình và phát triển bền vững cho người dân và thế giới”.

Trước thềm hội nghị, với vai trò là người đứng đầu Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu qua video (video message), trong đó nội dung nhấn mạnh sự tham gia của Quốc hội Việt Nam vào các cơ chế liên nghị viện khu vực và thế giới, góp phần củng cố hòa bình, thúc đẩy hợp tác và triển khai các mục tiêu phát triển bền vững.

Thay mặt Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi tới toàn thể quý vị tham dự trực tuyến Phiên họp lần thứ năm Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lời chào trân trọng, chúc phiên họp đạt nhiều kết quả tốt đẹp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Thế giới hiện nay đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ bất ổn, trong đó các vấn đề an ninh phi truyền thống, như: biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng trở nên gay gắt, nhất là đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng, sâu rộng tới mọi mặt của đời sống xã hội.

“Những thách thức này cho thấy hơn bao giờ hết, chủ nghĩa đa phương có vai trò hết sức quan trọng trong việc kết nối, gia tăng nguồn lực quốc gia, phát huy sức mạnh tập thể nhằm ứng phó hiệu quả hơn trước những vấn đề mang tính toàn cầu”,  Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Khai mạc Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 -0
Các đại biểu Quốc hội Việt Nam dự phiên họp tối 19-8, tại toà nhà Quốc hội. (Ảnh: HOÀNG QUỲNH) 

Đề cập là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, trong những năm qua, Quốc hội Việt Nam đã tham gia tích cực vào các cơ chế liên nghị viện khu vực và thế giới, góp phần củng cố hòa bình, thúc đẩy hợp tác và triển khai các mục tiêu phát triển bền vững.

Trong năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng  Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN và Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA). Với những trọng trách đó, Việt Nam cam kết tiếp tục đóng góp vào những nỗ lực thúc đẩy hợp tác đa phương hiệu quả và bền vững hơn.

Để tăng cường hiệu quả trong hợp tác đa phương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các nhà lãnh đạo Quốc hội các nước cần xây dựng các cơ chế chặt chẽ gắn trách nhiệm quốc gia với trách nhiệm quốc tế. Nghị viện các nước cần tiếp tục duy trì cam kết chính trị mạnh mẽ, có hành động cụ thể tại các diễn đàn đa phương với tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, đóng góp thiết thực vào các chương trình nghị sự toàn cầu.

Bên cạnh đó, các thể chế, cơ chế hợp tác đa phương cần tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức hoạt động trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng lợi ích chung của các thành viên.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cũng nhấn mạnh kênh ngoại giao nghị viện đa phương sẽ tiếp tục là một công cụ quan trọng nhằm củng cố niềm tin, mở rộng hiểu biết lẫn nhau và tăng cường hợp tác vì một nền hòa bình bền vững và sự thịnh vượng cho tất cả các nước.

Cơ hội hướng tới tương lai tốt đẹp hơn

Trong nội dung phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron cho biết, hội nghị lần này được tổ chức trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng mọi khía cạnh trong cuộc sống nhưng cũng tạo ra cơ hội để hướng tới đích đến chung là phục hồi và tái thiết mạnh mẽ hơn, về tương lai tương đẹp hơn.

Covid-19 từ một cuộc khủng hoảng y tế đã biến thành khủng hoảng về kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến đời sống của tất cả người dân. Theo đánh giá của tổ chức Oxfam, có khoảng nửa tỷ người rơi vào cảnh đói nghèo do tác động của khủng hoảng Covid-19 và đằng sau câu chuyện của đói nghèo là hàng tỷ người buộc phải rời bỏ nhà cửa trở thành những người di cư.

Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron cho rằng, thực trạng này đòi hỏi các đại biểu cần phải lắng nghe mong mỏi của người dân và theo sát họ. Quốc hội cần biến các thỏa thuận quốc tế trở thành hiện thực.

Bên cạnh đó, Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron cũng nêu rõ, trách nhiệm của Quốc hội/Nghị viện trong giám sát hoạt động của Chính phủ, thực hiện cam kết hướng đến thế giới không có vũ khí hạt nhân, nỗ lực đạt được nhiều kết quả hơn trong bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em...

Nhấn mạnh hội nghị này cơ hội để các Chủ tịch Quốc hội thực hiện trọng trách của mình để hướng đến tương lai tốt đẹp hơn, Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron bày tỏ mong muốn các ý kiến thảo luận tại hội nghị sẽ góp phần đề cao chủ nghĩa đa phương, đưa ra các giải pháp rộng lớn giải quyết những thách thức toàn cầu và kết quả từ hội nghị sẽ được trình bày trước Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay.

Trong nội dung phát biểu của mình, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cũng bày tỏ quan ngại đối với khủng hoảng do đại dịch Covid – 19 gây ra khi hơn 700 nghìn người thiệt mạng và con số này ngày một gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới.

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, trước khi đại dịch xảy ra, nhiều quốc gia cũng đang phải đối mặt với các thách thức về môi trường, sự bất bình đẳng, y tế công cộng không đầy đủ… Tuy nhiên, đại dịch này cũng chỉ làm lộ rõ thêm những lỗ hổng và mảng tối trong xã hội.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cũng đề xuất các vấn đề mà các quốc gia cần quan tâm thực hiện. Theo đó cần xây dựng xã hội tiến bộ hơn, phát triển bền vững, biến đổi những ngành công nghiệp phù hợp thỏa thuận về biến đổi khí hậu.

Khai mạc Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 -0
 Các điểm cầu trực tuyến của Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ năm. (Ảnh: HOÀNG QUỲNH)

Trước những vấn đề ảnh hưởng tới tương lai như bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia, Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia xây dựng khế ước xã hội mới với những chính sách mới, trong đó có bảo hiểm y tế toàn dân, giáo dục tạo ra cơ hội học tập, xây dựng luật pháp quốc gia phù hợp các mục tiêu phát triển bền vững.

Mặt cấp độ quốc tế cần có những thoả thuận toàn cầu mới nhằm bảo đảm chia sẻ lợi ích của tăng trưởng toàn cầu và dành tiếng nói mạnh mẽ cho các nước đang phát triển. Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng kêu gọi bảo đảm các quyền con người và kỳ vọng các Quốc hội/Nghị viện thúc đẩy bình đẳng giới.

Cùng với đó là các chính phủ, các nhà lập pháp hợp cùng với các tổ chức quốc tế hay thể chế khác hợp tác với nhau và hợp tác xuyên biên giới thông qua chủ nghĩa đa phương để cùng nhau giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu. Liên hợp quốc đã và sẽ luôn hợp tác chặt chẽ với IPU để cùng nhau thảo luận, định hình tương lai; trong đó thông qua thảo luận giữa các nghị sĩ, nghị viện để có thể hiện thực hoá các mục tiêu chung ...

Tại hội nghị, đại biểu là các nhà lãnh đạo Quốc hội các nước, tổ chức quốc tế thảo luận về các báo cáo và các chủ đề: Hiện thực hóa bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái: Thực tiễn và các cam kết của nghị viện; Thúc đẩy sự tham gia của thanh niên vào chính trị và nghị viện: từ lời nói đến hành động; Thập kỷ hành động để đạt được Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Thúc đẩy hành động của nghị viện: Trường hợp khẩn cấp về biến đổi khí hậu; Dịch chuyển thể nhân để theo đuổi một cuộc sống tốt đẹp hơn. Các thách thức, cơ hội và giải pháp; Dân chủ và vai trò thay đổi của nghị viện trong thế kỷ 21; Khoa học, công nghệ và đạo đức: những thách thức mới nổi và giải pháp cấp bách… và nhiều nội dung quan trọng khác.

Tại hội nghị, các đại biểu sẽ thảo luận và dự kiến thông qua tuyên bố về sự lãnh đạo nghị viện để thực hiện chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, mang lại hòa bình và phát triển bền vững cho người dân và thế giới.

Với hơn 46 nghìn nghị sĩ trên toàn thế giới thì vai trò của các đại biểu, các Quốc hội là rất lớn và cần được phát huy để đem lại những thay đổi lâu dài và bền vững. Với những nỗ lực đó, kỳ vọng tương lai sẽ đạt được bình đẳng giới, mở đường tham gia chính trị cho thế hệ trẻ, định nghĩa lại đoàn kết nhân loại, thúc đẩy đa phương, xóa bỏ đói nghèo và hận thù. Hiện tại là nền tảng cho tương lai, thay đổi lịch sử tạo nên những điều khác biệt...

Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron

Các chính phủ, các nhà lập pháp cùng các tổ chức quốc tế hay thể chế khác hợp tác với nhau và hợp tác xuyên biên giới thông qua chủ nghĩa đa phương, cùng nhau giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu. Liên hợp quốc đã và sẽ luôn hợp tác chặt chẽ với IPU để thảo luận, định hình tương lai; trong đó thông qua thảo luận giữa các nghị sĩ, nghị viện để có thể hiện thực hoá các mục tiêu chung.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần đầu tiên diễn ra vào tháng 8- 2000 tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, chỉ vài ngày trước Hội nghị thượng đỉnh Thiên niên kỷ của các nguyên thủ quốc gia và chính phủ. Hội nghị kết thúc với Tuyên bố mang tên Tầm nhìn của Nghị viện về hợp tác quốc tế vào bình minh của Thiên niên kỷ thứ ba.

Với tuyên bố này, các Chủ tịch Quốc hội cam kết bản thân và các Quốc hội sẽ hợp lực với Liên hợp quốc để giúp giải quyết những thách thức to lớn mà cộng đồng thế giới đang phải đối mặt.