Khai mạc chương trình Đối thoại biển lần thứ 13

NDO - Sáng 14/11, tại Cần Thơ đã diễn ra lễ khai mạc chương trình Đối thoại biển lần thứ 13 với chủ đề “Khám phá ranh giới mới của vùng biển quốc tế” do Học viện Ngoại giao và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung tại Việt Nam (KAS) đồng tổ chức.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh lễ khai mạc.
Quang cảnh lễ khai mạc.

Chương trình đối thoại năm nay hướng tới nâng cao nhận thức của cộng đồng về các khuôn khổ hiện có và các quy định mới về việc quản lý các vùng biển quốc tế nằm ngoài quyền tài phán quốc gia. Đánh giá các cơ hội và thách thức liên quan đến hợp tác thăm dò và bảo tồn tại các vùng biển quốc tế. Đề xuất các khuyến nghị pháp lý và chính sách cho các quốc gia nhằm thúc đẩy tiềm năng hợp tác ở các vùng biển quốc tế.

Chương trình gồm 4 phiên thảo luận với nội dung: Hiệp định BBNJ, những nội dung chính và triển vọng; Triển vọng mới trong các quy định về đáy biển sâu; Cơ hội và thách thức trong hợp tác tại các vùng biển quốc tế; Khai thác và bảo tồn ở vùng biển quốc tế, các khuyến nghị pháp lý và chính sách.

Theo ban tổ chức chương trình, năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 chính thức có hiệu lực; UNCLOS được công nhận là “Hiến pháp của biển và đại dương”.

Bên cạnh việc đặt ra chế độ pháp lý cho các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia, UNCLOS còn thiết lập khuôn khổ pháp lý cho các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia như Biển cả với nguyên tắc “tự do biển cả” và Vùng với nguyên tắc “di sản chung của nhân loại”.

Năm 2023, cộng đồng quốc tế đã chứng kiến một chiến thắng quan trọng của chủ nghĩa đa phương và một dấu mốc mới của luật pháp quốc tế với việc thông qua văn kiện ràng buộc pháp lý về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (sau đây gọi là Hiệp định BBNJ).

Tháng 9/2023, dự thảo hiệp định đã được mở ký với mục tiêu sẽ có hiệu lực trong thời gian sớm nhất. Song song, các quy định về khai thác đáy biển sâu vẫn tiếp tục được thảo luận trong khuôn khổ của Cơ quan Quyền lực đáy đại dương (ISA).

Trong bối cảnh thế giới đang hướng ra chinh phục các vùng biển quốc tế cùng với khát vọng thăm dò và khai thác các khoáng sản chiến lược nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế xanh và bảo đảm an ninh quốc gia.

Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải cân bằng giữa quyền và lợi ích của các nhóm quốc gia khác nhau và bảo đảm các mục tiêu phát triển bền vững.