Chiều 7/9, tại không gian bích họa phố Phùng Hưng (phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội đã khai mạc chuỗi chương trình đón Trung thu tại các không gian văn hóa trong khu phố cổ.
Không gian bích họa phố Phùng Hưng được trang trí rực rỡ sắc màu với đủ loại đèn lồng, đèn ông sao và các loại đồ chơi Trung thu. Trong không gian này, khách tham quan được giới thiệu, trải nghiệm làm các đồ chơi Trung thu. Khách tham quan cũng sẽ được giao lưu với các nghệ nhân nổi tiếng như: Nghệ nhân con giống bột Đặng Văn Hậu, nghệ nhân đèn kéo quân Nguyễn Văn Quyền hay các nghệ nhân làm mặt nạ giấy bồi, chuồn chuồn tre.
Cũng tại đây, Ban Tổ chức còn dành không gian để mọi người có thể tham gia các trò chơi dân gian như: ô ăn quan, cướp cờ, đánh truyền, kéo co, bịt mắt bắt dê, cà kheo, múa sạp, nhảy bao bố, nhảy lò cò…
Các bạn trẻ tìm hiểu, trải nghiệm đồ chơi Trung thu truyền thống. |
Cùng thời gian trên, các không gian văn hóa khác trong khu phố cổ đều mở cửa đón khách với những hoạt động vui Tết Trung thu. Tại Ngôi nhà Di sản (số 87 phố Mã Mây), Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp các nhà nghiên cứu trưng bày, giới thiệu mâm cỗ trung thu truyền thống và đèn trung thu cua, cá cổ truyền – sản phẩm do nhà nghiên cứu Trịnh Bách và nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình khôi phục; giới thiệu bộ ảnh Trung Thu Phố cổ đầu thế kỷ XX của Trung tâm Thông tin Khoa học xã hội-Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam.
Tại Đình Kim Ngân (số 42-44, phố Hàng Bạc) và Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (số 50 phố Đào Duy Từ) cũng đậm sắc màu Trung thu với các hoạt động giới thiệu và hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống
Phó Trưởng Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội Trần Thúy Lan cho biết: “Ông cha ta quan niệm trò chơi và đồ chơi không đơn thuần để giải trí, mà còn là công cụ giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ. Những món đồ chơi trung thu truyền thống Việt Nam như ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, mặt nạ giấy bồi; đèn ông sao, tàu thủy sắt tây, con giống bột… là lời nhắn nhủ, gửi gắm mong muốn của cha ông với thế hệ trẻ về tinh thần hiếu học, khuyến khích sự học, sự sáng tạo. Do đó, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đều phối hợp với các nghệ nhân, thợ thủ công tới từ các làng nghề lân cận Hà Nội giới thiệu và hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống tại khu phố cổ nhân dịp Tết Trung thu để mọi người hiểu thêm về giá trị văn hóa truyền thống”.
Cũng trong dịp này, khách tham quan còn được thưởng thức các màn biểu diễn nghệ thuật như: Múa lân, múa rối cạn Tế Tiêu (thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, Hà Nội)…
Các hoạt động đón Trung thu do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức diễn ra từ nay đến hết ngày 10/9 (tức 15/8 âm lịch).