Khắc phục triệt để hậu quả chất độc hóa học/đi-ô-xin

Trong 10 năm, từ 1961 đến 1971, trong chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã rải hơn 18,2 triệu gallon chất độc da cam với thành phần chứa đi-ô-xin, làm nhiễm độc và tàn phá hàng triệu héc-ta rừng và đất nông nghiệp của nước ta.

Theo nhiều kết quả nghiên cứu khoa học, hậu quả về mặt y, sinh học của chất độc da cam đối với con người và môi trường sinh thái là rất nghiêm trọng. Qua kết quả nghiên cứu trong 18 năm của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, các nhà khoa học kết luận rằng chất độc da cam đã gây ra hậu quả y học và sinh học lâu dài đối với sức khỏe con người, không những đối với các cựu chiến binh Việt Nam đã từng tham gia chiến tranh, mà còn cả thế hệ thứ hai, thứ ba là con em những người bị phơi nhiễm. Đến nay, các nhà khoa học cho biết, 95% lượng đi-ô-xin xâm nhập vào cơ thể con người từ nguồn thực phẩm và có tới 17 căn bệnh, tật, dị dạng, dị tật liên quan phơi nhiễm chất độc hóa học đi-ô-xin, trong đó có rất nhiều căn bệnh ung thư quái ác như ung thư phần mềm, phế quản, khí quản, thanh quản, gan... Sự nguy hiểm đó là chất da cam/đi-ô-xin ảnh hưởng về di truyền sinh thái, đặc biệt gây ra tình trạng sẩy thai, lưu thai hoặc có con bị dị tật bẩm sinh ở phụ nữ bị nhiễm đi-ô-xin. Theo giới khoa học, tác động lâu dài của chất độc da cam/đi-ô-xin không chỉ có 20 năm, mà có thể lên tới hơn 100 năm. Do vậy, số người bị ảnh hưởng của chất độc này cũng không chỉ dừng ở 4,8 triệu người mà có thể là hàng chục triệu người.

Khắc phục hậu quả chất độc hóa học/đi-ô-xin tồn lưu sau chiến tranh ở Việt Nam là vấn đề cấp bách, đã và đang được Đảng, Nhà nước, nhân dân quan tâm giải quyết nhằm giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến sức khỏe con người, cải tạo môi trường, phục vụ cho phát triển đất nước. Đây là vấn đề mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, là vấn đề liên ngành, thậm chí mang tính quốc tế cần được phối hợp chặt chẽ nhằm giải quyết một cách bài bản, khoa học để có thể đạt hiệu quả thiết thực. Trong những năm qua, với sự nỗ lực của cơ quan, đơn vị, bộ, ngành, địa phương cùng sự hợp tác của một số nước, tổ chức quốc tế, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng đến sức khỏe con người, thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn, phòng, chống sự lan tỏa và tổ chức xử lý mang lại những kết quả quan trọng. Cùng với đó, Việt Nam đã rút ra được nhiều bài học quý báu trong công tác quản lý, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện các hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học/đi-ô-xin. Một số khu vực ô nhiễm nghiêm trọng được khoanh vùng, chống lan tỏa, xử lý triệt để, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/đi-ô-xin vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác quản lý, thẩm định, đánh giá, giám sát; khó khăn do chưa làm chủ được công nghệ, hệ thống các quy định pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về lĩnh vực này còn thiếu, chưa đồng bộ. Sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị có lúc chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, công tác xử lý, khắc phục hậu quả chất độc hóa học/đi-ô-xin cần thời gian, kinh phí lớn và có thành công hay không phụ thuộc lớn vào công nghệ xử lý. Qua đánh giá phạm vi, quy mô và khối lượng đất ô nhiễm đi-ô-xin ở sân bay Biên Hòa rất lớn, gấp ba lần sân bay Đà Nẵng, gồm cả trong và ngoài sân bay, liên quan nhiều hộ dân nên kinh phí xử lý rất lớn. Chi phí dự kiến để xử lý ô nhiễm ở khu vực này khoảng 390 triệu USD và ước tính hoàn thành trong 10 năm.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám sát, quản lý, đánh giá thực hiện các dự án xử lý chất độc hóa học/đi-ô-xin trong thời gian tới, cần bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục lập, tổ chức thực hiện, quản lý, đánh giá giám sát các dự án xử lý triệt để chất hóa học/đi-ô-xin. Thực hiện việc giám sát, thi công, quan trắc môi trường trong các hoạt động xử lý tuân thủ nghiêm ngặt theo thông tư hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, được cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt thực hiện. Trường hợp dự án hợp tác quốc tế sử dụng vốn ODA không hoàn lại, cần xác định các phương pháp, tổ chức giám sát, nội dung giám sát đối chứng, bảo đảm phù hợp, kịp thời xác định các rủi ro, sự cố để có biện pháp yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu có biện pháp khắc phục kịp thời. Thực hiện giám sát sức khỏe của công nhân trước, trong, sau tham gia các hoạt động xử lý.

Thông số giám sát thực hiện theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, được cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt thực hiện. Việc lựa chọn công nghệ xử lý cần căn cứ vào những tiêu chí như đặc điểm thổ nhưỡng, mục đích sử dụng đất, mức độ ô nhiễm đi-ô-xin để xác định công nghệ phù hợp. Bảo đảm an toàn với con người và môi trường, phù hợp năng lực quản lý, giám sát của Việt Nam với giá thành chi phí hợp lý, ưu tiên lựa chọn những công nghệ đã được thử nghiệm, áp dụng trong các dự án trước.